Pháp luật

​Thỏa thuận bồi thường cho “tử tù” oan Trần Văn Thêm

Thông tin nêu trên được lãnh đạo TAND tối cao cho biết tại buổi họp báo ngày 20-9 về tình hình hoạt động của các tòa án trong 10 tháng đầu năm 2016.

 

Thông tin nêu trên được lãnh đạo TAND tối cao cho biết tại buổi họp báo ngày 20-9 về tình hình hoạt động của các tòa án trong 10 tháng đầu năm 2016.

Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn - Ảnh: T.L.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về tiến độ bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) và ông Trần Văn Thêm (Bắc Ninh), ông Vũ Thế Đoàn, phó vụ trưởng Vụ 1, TAND tối cao cho biết sau khi xác định ông Trần Văn Thêm bị oan, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tiến hành các thủ tục bồi thường cho ông Thêm.

Hai bên đã tiến hành thương lượng về số tiền bồi thường nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

“Đối với vụ việc của ông Nén, TAND tỉnh Bình Thuận vẫn đang tiến hành thương lượng vì gia đình ông Nén và các luật sư đòi số tiền rất lớn. TAND tối cao đang tích cực chỉ đạo bồi thường để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho người bị hại. Nếu không thương lượng được thì người bị oan sai có quyền khởi kiện ra tòa” - ông Đoàn cho biết.

Theo phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn, hiện tòa án đang hướng dẫn gia đình ông Thêm thu thập thêm chứng cứ về các khoản thiệt hại. Nếu các bên thương lượng thành công thì hồ sơ sẽ được chuyển về TAND tối cao để thẩm định. 

Sau đó TAND tối cao trình Bộ Tài chính thẩm định một lần nữa rồi mới cấp kinh phí để bồi thường cho ông Thêm.

Trả lời câu hỏi về việc xem xét trách nhiệm của hội đồng xét xử gây ra oan sai, phó chánh án Nguyễn Sơn cho biết TAND tối cao và Tỉnh ủy Bình Thuận cũng đã yêu cầu TAND tỉnh Bình Thuận kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân có liên quan đã làm oan ông Nén.

Tuy nhiên theo ông Sơn, chủ tọa phiên tòa kết án oan ông Nén đã được điều động giữ chức viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Thuận và hiện đang bị xuất huyết não, phải chữa bệnh nên không xử lý được.

Đối với các cá nhân làm oan ông Thêm, ông Sơn cho biết vụ việc của ông Thêm được xét xử từ năm 1970, hiện nay những người xét xử đều đã về hưu nên không xử lý được.

“Trách nhiệm của TAND tối cao là yêu cầu các cá nhân có liên quan phải xem xét. Khi đã gây oan sai thì phải kiểm điểm và có kỷ luật đi kèm” - ông Sơn cho biết.
 

Theo T.Lụa (Tuổi Trẻ)