Pháp luật

Tại sao Dr. Thanh và con gái bị đề nghị cấm xuất cảnh?

Theo quan điểm của đại diện VKSND Cấp cao, ông Trần Quí Thanh và bà Trần Ngọc Bích có vai trò giúp sức cho ông Danh chuyển 5.490 tỉ đồng ra khỏi VNCB.

Theo quan điểm của đại diện VKSND Cấp cao, ông Trần Quí Thanh và bà Trần Ngọc Bích có vai trò giúp sức cho ông Danh chuyển 5.490 tỉ đồng ra khỏi VNCB.

Trong phiên tòa ngày 10/1, đại diện VKS đã đề nghị cơ quan chức năng cấm xuất cảnh đối với ông Thanh (chủ tịch Tân Hiệp Phát và con gái là bà Bích (giám đốc Tân Hiệp Phát).

Tại sao Dr. Thanh và con gái bị đề nghị cấm xuất cảnh?
Bà Trần Ngọc Bích, con gái ông Trần Quý Thanh - Chủ tịch Tân Hiệp Phát

Tại tòa, VKS cho rằng trong hai lần chuyển số tiền 5.190 tỉ và 300 tỉ đồng không có chữ kí của chủ tài khoản, không hồ sơ vay của ông Danh và thuộc cấp có liên quan đến cha con ông Thanh. Cụ thể hai người này được cho là giữ vai trò giúp sức.

Việc rút 5.190 tỉ đồng ra khỏi tài khoản nhóm bà Bích không có chữ kí của chủ tài khoản. Tuy nhiên, dòng tiền này sau khi rút ra được chuyển toàn bộ cho ông Thanh cùng tiền lãi hàng chục tỉ đồng.

Tiếp sau đó, nhóm 3 người được cho là cầm cố 6 sổ tiết kiệm để vay 300 tỉ đồng tại VNCB. Dù không có hồ sơ vay nhưng Danh đã chỉ đạo thuộc cấp rút 300 tỉ đồng ra khỏi VNCB, 6 sổ tiết kiệm là tài sản đảm bảo cho khoản vay này.

Cả 3 chủ sở hữu sổ tiết kiệm này từng khai nhận tại cơ quan điều tra và phiên phúc thẩm rằng hàng trăm tỉ mà họ gửi trong VNCB là của ông Thanh. Tiền lãi bản thân họ nhận từ VNCB sau đó cũng được chuyển cho ông Thanh vì lí do: "Tiền của ông Thanh nên tiền lãi ông Thanh nhận". 

Ngay chính ông Trần Quí Thanh trước đó cũng thừa nhận số tiền trong 6 sổ tiết kiệm liên quan đến số tiền 300 tỉ không hồ sơ vay là của mình.

Tới phiên phúc thẩm, cả 3 chủ sở hữu trên danh nghĩa 6 sổ tiết kiệm nói trên đã phản cung, họ nhiều lần khẳng định số tiền gửi ở VNCB là của cá nhân mình.

Ngoài ra, bà Bích từng khai gia đình mình từng cho ông Danh (được cho là thông qua Trang phố núi) vay số tiền đến 16.000 tỉ đồng. VKS cho rằng số tiền lãi ông Thanh, bà Bích nhận từ ông Danh có nhiều dấu hiệu vi phạm về luật thuế thu nhập cá nhân và hành vi trốn thuế cần được làm rõ.

Dù bác đơn xin giảm nhẹ của nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) nhưng VKS có chấp nhận một phần đơn kháng cáo. Số tiền gần 700 tỉ đồng của cha con bà Bích nhận từ ông Danh được cho là tiền lãi đã được đề nghị thu hồi (phiên sơ thẩm không thu hồi) vì đây là tang vật của vụ án.

Ngay trong phần nêu quan điểm của mình đại diện VKS đã đề nghị cơ quan chức năng xem xét việc có ‘dấu hiệu bỏ lọt tội phạm’ với hai nhân vật quyền lực nhất Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Qua đó cũng đề nghị cấm xuất cảnh đối với hai người này.

Liên quan đến vụ án, trước đó Trang "phố núi" được cho là nhân vật quan trọng của vụ án đã xuất cảnh (được cho là đang ở Mỹ) và không trở lại khiến công tác điều tra, xét xử gặp nhiều khó khăn.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (đoàn luật sư TP.HCM) thông tin về việc đại diện VKS Cấp cao đề nghị áp dụng biện pháp chưa cho xuất cảnh đối với cha con ông Dr.Thanh là căn cứ theo khoản 1, 3 Điều 21 Nghị định 136/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Theo luật sư Chánh, ông Trần Quí Thanh và bà Trần Ngọc Bích thuộc trường hợp "Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm và đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế. Mà cụ thể là liên quan đến vụ đại án 9.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB"

Thông tin về đề nghị chưa cho ông Thanh và bà Bích xuất cảnh thuộc thẩm quyền của Viện Kiểm sát (một trong những cơ quan có thẩm quyền). Sau khi có đề nghị trên Viện Kiểm sát phải gửi văn bản thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, nêu rõ các yếu tố nhân thân của người chưa được xuất cảnh và thời hạn chưa cho người đó xuất cảnh, để thực hiện.

Khi hủy bỏ quyết định đó cũng phải thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) để thực hiện, luật sư Chánh khẳng định.

Việc chưa cho công dân xuất cảnh ra nước ngoài có nhiều ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án hoặc cho việc thi hành án, đó là nhằm ngăn chặn hành vi xuất cảnh để có thể trốn tránh trách nhiệm hình sự (nếu có) hoặc gây khó khăn cho hoạt động điều tra, thi hành án… của đương sự liên quan đến vụ án, luật sư Chánh chia sẻ quan điểm.

Điều 22, Nghị định về Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định thẩm quyền quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh:

a) Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án hoặc cơ quan thi hành án các cấp quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 21 Nghị định này.

Điều 21. Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.

2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.

3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.


Theo Đông Hồ (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)