Pháp luật

Số phận 2 nông dân bị quy nhận hối lộ sẽ ra sao?

Hai phiên xử với 2 kết quả, đình chỉ điều tra rồi mở lại hồ sơ, câu chuyện tranh cãi về số phận pháp lý của 2 nông dân bị quy nhận hối lộ ở Bình Thuận kéo dài chưa có hồi kết. Ngày 1.6 tới đây, TAND huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) sẽ mở lại phiên sơ thẩm vụ việc này.

Hai phiên xử với 2 kết quả, đình chỉ điều tra rồi mở lại hồ sơ, câu chuyện tranh cãi về số phận pháp lý của 2 nông dân bị quy nhận hối lộ ở Bình Thuận kéo dài chưa có hồi kết. Ngày 1.6 tới đây, TAND huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) sẽ mở lại phiên sơ thẩm vụ việc này.

so phan 2 nong dan bi quy nhan hoi lo se ra sao? hinh anh 1

Dao mổ trâu giết gà!

Ông Nguyễn Thành Nam là Trưởng thôn Lò To, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Tháng 4.2011, ông được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện hợp đồng làm Tổ trưởng và ông Nguyễn Thanh Tuấn làm Tổ phó tổ tiết kiệm vay vốn do Hội Nông dân xã Hàm Cần quản lý. Nhiệm vụ của hai người là nhận giấy đề nghị vay vốn của người nghèo; tổ chức họp để bình xét cho vay; lập danh sách các gia đình cần vay rồi lập hồ sơ gửi cho ban giảm nghèo cấp xã. Sau đó, họ trình hồ sơ cho UBND xã xác nhận rồi chuyển lên ngân hàng làm thủ tục vay, ký nhận tiền mang về cho các hộ. Đa số hộ nghèo vay vốn đều không rành viết đơn nên họ giao hết cho ông Tuấn viết giúp, họ chỉ ký tên.

Đường từ thôn Lò To đến Ngân hàng CSXH huyện gần 30km, đi lại vất vả. Ông Nam thấy ông Tuấn thường xuyên bỏ bê việc đồng áng của gia đình để lo làm thủ tục cho các hộ dân, vì vậy, trong một cuộc họp hướng dẫn cho các hộ nghèo vay vốn, ông Nam đề nghị bà con phụ tiền xăng xe, tiền card điện thoại cho ông Tuấn đi lại, liên hệ để vay giúp tiền cho bà con và mọi người đều đồng ý.

Thế nhưng tháng 3.015, Công an huyện Hàm Thuận Nam bất ngờ khởi tố và bắt giam hai nông dân này về tội nhận hối lộ. Cả hai bị tạm giam gần hai tháng thì được cho tại ngoại.

Theo cáo trạng của VKSND huyện Hàm Thuận Nam, trong hai năm 2013-2014, lợi dụng nhiệm vụ được giao, ông Tuấn đã ép buộc những hộ dân cần vay từ 10 triệu đến 30 triệu đồng phải bồi dưỡng từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng. Ông Tuấn đã nhận hối lộ của 12 hộ dân tổng cộng 13,6 triệu đồng.

Với ông Nam, VKS cho rằng mặc dù không trực tiếp đòi tiền hối lộ, nhưng với chức năng, quyền hạn của Tổ trưởng tổ vay vốn, khi triệu tập các hộ dân đến họp bình xét cho vay vốn đã gợi ý các hộ dân phải “bồi dưỡng” cho ông Tuấn. Bên cạnh đó, ông Tuấn còn chia cho ông Nam hơn 1 triệu đồng từ việc nhận tiền “bồi dưỡng” nên ông Nam phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ. TAND huyện Hàm Thuận Nam xử sơ thẩm đã tuyên phạt ông Tuấn tám năm tù, ông  Nam bảy năm tù.

Vòng tròn quy kết

Ông Tuấn và ông Nam một mực kêu oan. Theo ông Tuấn, gia đình ông làm nông, mỗi đợt xét duyệt cho vài hộ dân vay ông đã phải bỏ hết việc nhà và mất hơn một tuần để viết giúp đơn rồi đi nhiều nơi để ký xác nhận. Sau đó, ông phải vượt hàng chục cây số đi làm thủ tục rồi nhận tiền về giao không sót một đồng cho từng hộ dân được vay. Hơn hai năm trời ông bỏ công sức ra giúp cho nhiều người, thấy ông vất vả, họ bồi dưỡng chứ ông không hề ép buộc hay gợi ý ai.

Trong khi đó, ông Nam cho biết ông không hề nhận tiền của một hộ dân nào. Số tiền mà cáo trạng quy kết ông nhận hơn 1 triệu đồng là tiền túi của ông tạm ứng ra cho ông Tuấn mua bốn con gà mang lên Ngân hàng CSXH huyện làm cơm trưa đãi các nhân viên ngân hàng để họ tạo điều kiện giải ngân cho những hộ nghèo sớm có tiền vay. Sau đó, khi nhận tiền bồi dưỡng của những hộ dân cho, ông Tuấn đã trả lại cho ông số tiền trên.

so phan 2 nong dan bi quy nhan hoi lo se ra sao? hinh anh 2

Việc Công an huyện Hàm Thuận Nam phục hồi điều tra vụ án được coi là động thái bất ngờ.

Có mặt tại tòa phúc thẩm, những người dân thôn Lò To đồng loạt khẳng định số tiền mà họ đưa chỉ với mục đích để ông Tuấn có chi phí đi lại giúp họ vay tiền. Bên cạnh đó, họ cũng khai đơn tố cáo là do điều tra viên đọc cho họ viết, có trường hợp đưa mẫu cho họ viết chứ họ không hề có ý định tố cáo.

Ngày 23.12.2015, trong bản án phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Thuận tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại. Sau khi điều tra lại, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Nam đã đình chỉ điều tra hai ông Tuấn và Nam theo khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, giữa tháng 3.2016, cơ quan này bất ngờ tiếp tục đề nghị truy tố hai ông về tội Nhận hối lộ và được Viện KSND huyện phê chuẩn.

Sáu năm với nhiều diễn biến tố tụng, số phận pháp lý của hai nông dân bị truy tố vẫn chưa có hồi kết. Ngày 1.6 tới đây, TAND huyện Hàm Thuận Nam mở lại phiên sơ thẩm. 

Theo luật sư Trần Văn Đạt (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận), hành vi của ông Tuấn không cấu thành tội Nhận hối lộ. Bởi những hộ dân có nhu cầu vay vốn, có ý nhờ ông Tuấn làm giúp và hoàn tất các thủ tục vay nên được trả công và tiền xăng xe. Đây là quan hệ dân sự và việc bị cáo bỏ công, chi phí đi lại là có thực. Hơn nữa, ông Tuấn không có chức vụ, quyền hạn gì trong việc cho vay hay không cho vay tiền, nên không thể kết án nhận hối lộ được. Đối với ông Nam, trong cuộc họp chỉ phát biểu “Bà con phụ tiền cho Tuấn đi làm giùm” không có nghĩa là đồng phạm với ông Tuấn nhận hối lộ.

Điểm mấu chốt của vụ án, theo TAND tỉnh Bình Thuận, là việc các lá đơn tố cáo giống nhau, một nét chữ, cần phải làm rõ ý chí của các hộ dân là họ tự trình bày ý kiến của mình hay do bị áp đặt hoặc ý chí của ai khác?

Cựu thẩm phán, luật sư Phan Công Út thì phân tích, nếu đúng theo lời khai của các hộ dân là cơ quan công an đưa mẫu đơn tố cáo hoặc đọc cho họ viết thì đây là hành vi có thể xem xét về tội Cưỡng ép người khác khai báo gian dối. Đồng thời, có dấu hiệu của tội Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, khi chuyển mẫu đơn tố cáo cùng một nội dung cho những người dân. Hay nói cách khác, vụ án này cần các cơ quan xem xét về dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp.

Theo Nguyễn Tường (Dân Việt)