Pháp luật

Sắp xử vụ vỡ đường nước sông Đà: Các bị can có phải bồi thường?

Trong hơn 4 năm, tuyến đường ống nước sông Đà đã 18 lần bị vỡ, với số lượng 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh bị vỡ, doanh nghiệp khai thác phải chi phí hơn 16,6 tỷ đồng để khắc phục, chưa kể phải tạm ngừng cấp hàng triệu m3 nước sạch.

Theo lịch của TAND TP. Hà Nội, vào đầu tháng 3 tới, cơ quan này sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 9 người trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà.

Cáo trạng của Viện KSDN Tối cao xác định hành vi của 9 bị can trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà như sau: Bị can Hoàng Thế Trung, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà – Hà Nội (viết tắt dự án); Nguyễn Văn Khải, nguyên phó giám đốc; Trương Trần Hiền, nguyên Trưởng phòng vật tư thiết bị Ban quản lý dự án là những người có trách nhiệm tổ chức thực hiện vai trò của chủ đầu tư đã ký 73 biên bản nghiệm thu cung cấp ống, xác nhận hơn 5.000 sản phẩm ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện được tiếp nhận.

Trong đó, Hoàng Thế Trung, Trương Trần Hiền chịu trách nhiệm toàn bộ về hậu quả của 18 lần vỡ ống, với 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh, Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex đã phải bỏ hơn 16,6 tỷ đồng để khắc phục, phải dừng cấp nước sạch sinh hoạt 386 giờ, lượng nước hơn 1,74 triệu m3, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn TP. Hà Nội.

Sắp xử vụ vỡ đường nước sông Đà: Các bị can có phải bồi thường?
Kinh phí sửa chữa đường ống nước sông Đà bị vỡ lên tới hơn chục tỷ đồng. Ảnh: IT.

Trong vụ án này, các bị can Trần Cao Bằng, nguyên giám đốc Công ty cổ phần ống sợi thủy tinh Vinaconex; Vũ Thanh Hải, nguyên Trưởng phòng sản xuất, quản đốc phân xưởng; Đỗ Thanh Trì, nguyên Trưởng đoàn tư vấn giám sát thi công cùng phải chịu trách nhiệm toàn bộ về hậu quả thiệt hại như nêu trên. 4 bị can khác cũng được cá thể hóa trách nhiệm về số lần vỡ đường ống nước (không phải chịu trách nhiệm cả 18 lần vỡ đường ống).

Điểm đáng chú ý trong vụ án này là vấn đề liên quan đến trách nhiệm dân sự. Ngày 25.4.2016, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex có Nghị quyết và Quyết định nhất trí không yêu cầu các cá nhân, tổ chức liên quan phải bồi thường kinh phí sửa chữa, khắc phục sự cố tuyến đường ống.

Nếu ở vào trường hợp Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex là doanh nghiệp tư nhân, việc họ không yêu cầu các cá nhân bồi thường khoản kinh phí sửa chữa sẽ không có vấn đề gì khiến dư luận thắc mắc. Tuy nhiên đây là doanh nghiệp Nhà nước, việc họ không yêu cầu bồi thường khiến cho dư luận băn khoăn đặt câu hỏi chi phí đã bỏ ra sửa chữa có phải là thiệt hại của nhà nước không, nếu là thiệt hại thì tại sao lại không yêu cầu bồi thường.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Hưng, nguyên Kiểm sát viên cao cấp, hiện đang là luật sư và tham gia tố tụng trong vụ án này cho biết: Khi ra Tòa, Hội đồng xét xử sẽ hỏi để làm rõ vấn đề này. Về lý do tại sao Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex không đòi bồi thường khoản tiền họ đã bỏ ra sửa chữa đường ống bị vỡ, đây là khoản kinh phí nằm trong vốn bảo trì hay khoản nào sẽ được trình bày rõ.

Các bị can trong vụ án này là Hoàng Thế Trung, Nguyễn Văn Khải, Trương Trần Hiền, Trần Cao Bằng, Vũ Thanh Hải, Đỗ Đình Trì, Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống và Bùi Minh Quân bị truy tố về tội "Vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", theo điểm b khoản 2 điều 229 bộ luật hình sự năm 1999, với hình phạt từ 3 đến 10 năm tù. Hiện nay cả 9 bị can trên đều đang được hưởng tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo Lương Kết (Dân Việt)