Pháp luật

Phan Sào Nam được đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ

Trong 27 người được VKS đề nghị không áp dụng tình tiết tăng nặng có cựu chủ tịch VTC Online Phan Sào Nam.

Sáng 8/3, VKSND Cấp cao tại Hà Nội trình bày quan điểm về phiên phúc thẩm vụ án đường dây đánh bạc trực tuyến nghìn chục nghìn tỷ đồng có hai tướng công an bảo kê, sau ba ngày tòa làm việc.

VKSND Cấp cao đề nghị không áp dụng tình tiết tăng nặng "phạm tội có tổ chức" với 27 bị cáo phạm tội Tổ chức đánh bạc từ đại lý cấp một trở lên. 43 bị cáo phạm tội Đánh bạc được đề nghị không tịch thu số tiền phạm tội. Các bị cáo đã khắc phục hậu quả được đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ "tự nguyện khắc phục hậu quả".

Theo nội dung này, Phan Sào Nam (cựu chủ tịch công ty VTC Online), Nguyễn Văn Dương (cựu chủ tịch công ty CNC) – hai người cầm đầu đường dây đánh bạc trực tuyến lớn nhất nước được đề nghị áp dụng quy định pháp luật theo hướng có lợi. Đã đều tự nguyện nộp lại số tiền lớn, song ở cấp sơ thẩm họ chưa được áp dụng tình tiết giảm nhẹ "tự nguyện khắc phục hậu quả". Nam bị tuyên phạt 5 năm tù, Dương nhận 10 năm tù cùng về hai tội Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền.

Với tình tiết tăng nặng phạm tội có tổ chức ở tội Tổ chức đánh bạc, VKS thấy rằng đây là vụ án có đồng phạm, dù đánh bạc trực tuyến, có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người phạm tội, tiếp nhận ý chí. Tình tiết này là định khung hình phạt song HĐXX cấp sơ thẩm đã không đúng quy định khi lại áp dụng là tình tiết tăng nặng.

Phan Sào Nam được đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ
Bị cáo Phan Sào Nam. Ảnh: Giang Huy.

Về kháng cáo của 36 người, VKSND Cấp cao đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của 16 bị cáo nhưng chỉ giảm nhẹ hình phạt mà không chấp nhận cho áp dụng án treo. Các bị cáo khác không được chấp nhận kháng cáo do nhân thân xấu, hình phạt cấp sơ thẩm đã phù hợp.

Người duy nhất trong 92 bị cáo kêu oan là Lê Thị Lan Thanh (chủ năm công ty, tham gia làm trung gian thanh toán cho game bài trực tuyến), song kháng cáo của bà này không được VKSND chấp nhận. 

Ông Lê Tư Quỳnh (Viện phó VKSND Cấp cao) khẳng định việc đưa 92 người  ra xét xử, tuyên án không oan, sai. Các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã làm đúng các thủ tục tố tụng cần thiết, đảm bảo quyền, nghĩa vụ của tất cả những người tham gia tố tụng. Hôm nay là ngày 8/3, ông đề nghị các bị cáo nữ xem "hoàn cảnh gia đình còn gì thì trình bày" để HĐXX xem xét. "Yêu cầu các bị cáo nữ thực hiện quyền của mình", Viện phó Quỳnh nói.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao) đã bảo kê đường dây lợi dụng công nghệ cao để tổ chức đánh bạc qua mạng. Sau 27 tháng vận hành, đường dây đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ và xây dựng hệ thống gồm 25 đại lý cấp I và gần 6.000 đại lý cấp II để cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại.

Các bị cáo trong đường dây đã lôi kéo được gần 43 triệu tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến, tổng thu lời bất chính gần 10.000 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí đầu tư, vận hành, đường dây được hưởng 4.700 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm tuyên 92 bị cáo trong vụ án phạm 6 tội như: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc... với các mức án từ phạt 40 triệu đồng đến 10 năm tù.

Nhận mức án lần lượt 9 và 10 năm tù, bị cáo Vĩnh, Hóa không kháng cáo. Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương cũng không chống án song đều có đơn xin xét xử vắng mặt. HĐXX chấp nhận việc này, bởi hành vi của họ không liên quan trực tiếp đến các con bạc, người mua bán trái phép hóa đơn.

Nam và Dương được kháng nghị theo hướng có lợi bởi VKS cấp sơ thẩm cho rằng cả hai chưa được áp dụng tình tiết giảm nhẹ tự nguyện khắc phục hậu quả.

Theo Bảo Hà (VnExpress.net)