Pháp luật

Phạm Công Danh: 'Chúng tôi chỉ là người giải quyết hậu quả'

Ngày 14-12, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xử phúc thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây thiệt hại 6.126 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam-VNCB (nay gọi là CB Bank).

Phần xét hỏi, đại diện CB Bank cho rằng khi các bên góp vốn vào ngân hàng để tăng vốn điều nhưng tăng không thành công thì đây là quan hệ giao dịch dân sự. Theo CB, ngân hàng Nhà nước mua lại VNCB với giá 0 đồng lúc đó vốn điều lệ hơn 3.000 tỉ đồng.

CB Bank cho rằng khi Phạm Công Danh nộp tiền vào ngân hàng và đã sử dụng hết; số tiền này ngân hàng dùng vào mục đích riêng, còn nội dung chi tiết CB cho rằng mình sẽ trình bày cụ thể trong phần tranh luận.  

Khi Luật sư (LS) của ông Danh hỏi CB về đơn kháng cáo của CB Bank có nội dung số tiền 4.500 tỷ là nguồn tiền Danh sử dụng cho các sai phạm tiếp theo, trục lợi cá nhân, căn cứ chứng minh cho nội dung kháng cáo, chứng minh ông Danh rút để sử dụng riêng?

Trả lời câu hỏi này, đại diện CB cho rằng phần căn cứ cho nội dung kháng cáo đã trả lời rất nhiều lần và sẽ trình bày cụ thể trong phần tranh luận. CB cho rằng việc sử dụng 4.500 tỷ đã hòa chung vào dòng tiền của CB nên không xác định được cụ thể việc sử dụng số tiền này nhưng tất cả các khoản tiền rút ra khỏi ngân hàng đều có chứng từ rõ ràng.

Không đồng ý 4.5000 tỉ đã hòa chung vào dòng tiền

Tại tòa, Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) cho rằng hệ thống ngân hàng kiểm toán rất cụ thể nên không đồng ý với kết luận điều tra cho rằng số tiền 4.5000 tỷ đồng đã hòa chung vào dòng tiền không thể tách ra được. Vì vậy, Khương đề nghị xem xét trả lại số tiền 4.500 tỉ đồng cho Danh.

Cạnh đó, theo Khương bản án sơ thẩm đã xác định khi tái cơ cấu thì ngân hàng âm 18.000 tỉ đồng, nhưng chưa xác định xác định số tiền âm này do Danh hay bà Hứa Thị Phấn gây ra.

Trong vụ án Hứa Thị Phấn tòa tuyên buộc bà Phấn bồi thường nên theo Khương cần xem xét cấn trừ số tiền này tòa buộc bà Phấn bồi thường vào tổng số tiền âm vốn. Khương cho rằng xét xử vụ Hứa Thị Phấn sau vụ Phạm Công Danh gây bất lợi cho các bị cáo. Theo Khương, nếu triệt để được hậu quả của bà Phấn, lấy tiền giải ngân cho các khoản vay thì sẽ không âm vốn mà còn tạo lợi nhuận cho CB.

Phạm Công Danh: 'Chúng tôi chỉ là người giải quyết hậu quả'
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: YC

Ông Danh xin giảm nhẹ cho các bị cáo khác

Tại tòa, ông Danh cho rằng do áp lực tăng vốn điều lệ nhằm đưa ngân hàng đi lên nên mới phạm tội. "Hậu quả do bà Phấn gây ra, chúng tôi (ý nói ông và nhân viên Ngân hàng-PV) chỉ là những người giải quyết hậu quả. Mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác vì đã quá tin tưởng vào chúng tôi, vào đề án tái cơ cấu", bị cáo Danh nói.

Ông Danh tiếp tục nhắc lại việc đề nghị thu hồi thêm các khoản tiền mà bị cáo này cho là vật chứng của vụ án nhưng chưa được thu hồi ở cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2.

Bị cáo cho rằng cần thu hồi để khắc phục hậu quả, đây là tình tiết giảm nhẹ cho mình cũng như các bị cáo khác. HĐXX nhắc nhở kháng cáo của ông Danh là xin giảm nhẹ cho các bị cáo khác chứ không xin giảm nhẹ cho mình.

Khi LS bảo vệ cho BIDV hỏi danh về việc cấp sơ thẩm buộc hai chi nhánh của BIDV phải trả lại số tiền hơn 1.600 tỉ đồng cho VNCB thì ông Danh nói tôn trọng phán quyết của sơ thẩm.

Theo bị cáo, LS của ông đã đề nghị làm việc với BIDV để giải quyết các khoản nợ và khi thu hồi được tiền thì ông sẽ có căn cứ làm việc với BIDV, không để BIDV bị thiệt hại...

HĐXX kết thúc phần xét hỏi, sáng thứ hai (ngày 17-12) sẽ bắt đầu phần tranh luận.

Theo Yên Châu (Pháp Luật TP.HCM)