Pháp luật

Ông trùm giang hồ đất Cảng nuôi côn đồ thách thức công an

Cu Nên đất Cảng khét tiếng với dàn tay chân chuyên dùng hàng nóng, súng ống của chúng được trang bị đầy đủ. Chỉ cần có chuyện là băng nhóm do Cu Nên cầm đầu sẵn sàng ra tay tàn bạo.

Cu Nên đất Cảng khét tiếng với dàn tay chân chuyên dùng hàng nóng, súng ống của chúng được trang bị đầy đủ. Chỉ cần có chuyện là băng nhóm do Cu Nên cầm đầu sẵn sàng ra tay tàn bạo.

Tin tức giang hồ ghi lại, thế chân vạc Cu Nên – Dung “Hà” – Lâm “già” những năm cuối 80 đầu 90 của thế kỷ trước khá thịnh khiến giang hồ từ Bắc chí Nam kinh hồn bạt vía.

Cu Nên, Lâm "già", Dung "Hà" là những cái tên giới giang hồ cộm cán phải “vị nể”. Nó là thế chân kiềng tồn tại nhiều năm, với những phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, tàn bạo khác nhau.

Dù “sinh sau, đẻ muộn” – tức vào giới muộn hơn Dung “Hà”, Lâm “già” – nhưng lúc nào Cu Nên cũng muốn chứng tỏ mình hơn “bề trên” nên đã liên tục có những cuộc tranh giành lãnh địa, “nổi loạn”, thậm chí “huyết chiến” để hạ bệ “thế lực” của Dung “Hà”, Lâm “già”.

Cận cảnh giang hồ Cu Nên sống, phạm tội, ân hận... như thế nào được thể hiện trong loạt bài viết này. Trước khi thực hiện loạt bài viết này, PV đã gặp gỡ, trao đổi và nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của nhiều người trong cuộc. Đặc biệt là người trực tiếp chỉ đạo bắt, điều tra, xét xử, thi hành án...

Cu Nên và đồng bọn.


Trong một thời gian dài, Cu Nên ngông nghênh, hoành hành khắp Hải Phòng như thể là “con trời”. Đâm, chém bất cứ ai hắn thích. Chơi bạc, cướp sòng bạc, đánh con bạc, nhà cái... Nên thực hiện hành vi tội phạm xong lại còn rêu rao, vỗ ngực, tự đắc là chẳng ai dám làm như mình. Vì thế, người ta có khối chuyện để đồn đại về gã giang hồ “thích máu” và “yêu” dao kiếm này.

Cu Nên là tên “cúng cơm”, tên thật là Phạm Đình Nên, sinh năm 1957, người gốc Hải Phòng.

Nhà Nên có 5 anh chị em. Anh trai Nên hy sinh ở chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mẹ Nên là mẹ liệt sỹ. Gia đình Nên là gia đình chính sách.

Nên là con út, cao ráo, trắng trẻo nhưng có bộ mặt sát nhân, lạnh lùng và lỳ lợm. Nghề nghiệp chính của Nên là thực hiện các hành vi phạm tội, đánh bạc, cố ý gây thương tích…

Từ năm 1970 đến năm 1989, Nên có 11 tiền sự về tội trộm, cướp giật, cố ý gây thương tích, 2 lần bị đi tập trung cải tạo. Cộng hết các số lần phạm tội, cho đến khi bị bắt - ngày 15/3/1995 - Nên là tên giang hồ giữ kỷ lục về số tiền sự, tiền án trong “lịch sử” tội phạm Việt Nam.

Tiền sự mà người ta ấn tượng nhất về Nên đó là, năm 1987, sau khi đi tập trung cải tạo về, Nên chia tay vợ, xuất cảnh trái phép ra nước ngoài trên một chiếc thuyền, chối bỏ quê hương bản quán. Cứ tưởng, sang được miền đất hứa nhưng Nên phải ở trại tị nạn Hồng Kông. Tại đây, tình yêu nảy nở với Nguyễn Thị Hải, sinh năm 1960. Họ sinh con, đến năm 1989 thì phải hồi hương.

Đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Lâm “già”, Dung “Hà” đã định danh trong giới giang hồ, còn Cu Nên mới tập toọng vào “nghề” nhưng lại thích đụng độ “bề trên”, thích nổi loạn để soái ngôi. Vì thế, cờ bạc, đâm chém, sử dụng hàng “nóng” là “vũ khí” mà Cu Nên tích cực thể hiện để khẳng định đẳng cấp và nhen nhóm cho sự lật đổ.

Ngông cuồng

Ngôi nhà trước đây Nên ở trong một cái ngõ lớn và sâu. Nên ra “quy định” với mọi công dân trong ngõ: 19 giờ là giờ “giới nghiêm”, tức mọi người trong các nhà “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Nên tuyên bố, nếu ai không thực hiện, xảy ra “sự cố” gì, tự chịu trách nhiệm. Giải thích cho cái sự ngông này, người ta nói: Nên có quá nhiều thù oán nên ra “luật giới nghiêm” để bảo vệ chính mình và gia đình mình.

Gia đình Nên chuyển về số 112 đường Lạch Tray, quận Ngô Quyền ở, bị trộm “hỏi thăm” cây cảnh. Thấy động, trộm nhảy qua tường, chạy mất.

Nên cùng đám đệ tử đuổi theo dọc đường Lạch Tray, vừa đuổi, vừa hô. Không bắt được trộm, Nên cùng đám đệ tử thất thểu quay về. Đang trên đường về Nên gặp anh Ninh đi xe đạp, nhà cũng ở Lạch Tray. Nên đánh anh Ninh vì “tội” hô trộm không bắt. Bị đánh bất ngờ, anh Ninh bỏ xe đạp, chạy. Đuổi theo anh Ninh một đoạn, quá mệt, Nên cùng đám đệ tử về quán của bà Ngoan, cùng phố, đập phá quán trong khi vẫn còn rất nhiều khách ăn đêm.

Nên cùng đệ tử đánh anh Khoa, anh Ngọc - đang ăn đêm ở quán. Sau đó, bọn người của Nên bắt anh Khoa dắt xe đạp của anh Ninh bỏ lại về nhà Nên. Gần đến nhà Nên, một tên trong số đệ tử của Nên đã dùng lê đâm vào sườn của anh Khoa.

Nên gọi xích lô, đưa cho anh Khoa 50.000 đồng đi điều trị vết thương và không quên “lời dặn”: “Cấm tố cáo. Nếu tố cáo, cả gia đình ăn đất.”

"Ngõ giới nghiêm" giờ yên bình.


“Bề trên” Dung “Hà”, Lâm “già” không nuôi đàn em trong nhà.

Cu Nên thì khác. “Đại bản doanh” của Nên lúc nào cũng có ít nhất là 6 đệ tử, được nuôi ăn, ở, được trang bị vũ khí (khi thực hiện hành vi phạm tội), được mua sắm đồ trang sức nhưng không được trả lương và sẵn sàng thực hiện mệnh lệnh Nên yêu cầu.

Dung “Hà” và Lâm “già” bất đắc dĩ mới dùng hàng “nóng” và thường giấu lẹm việc mình có hàng “nóng” nhưng Nên thì phô ra cho đối phương biết là ta có mang súng trong người đây.

Cụ thể, khi bị bắt, khám xét nhà Nên, cơ quan điều tra thu được rất nhiều súng như: 1 tiểu liên, 1 AK cưa nòng, 1 K54, 2 súng ngắn, 1 súng thể thao, 1 lựu đạn, 47 viên đạn các loại…

Dã tâm giang hồ

Người ta kể rằng, một buổi sáng, bình minh muộn, thấy “long thể bất an”, Nên sai đàn em mở cửa nhà. Hắn nhìn thấy một người phụ nữ lam lũ ở ngoại thành ngồi bên gánh rau muống cạnh cửa nhà. Không hỏi, chẳng nói, Nên đá 2 thúng rau của người phụ nữ ra giữa đường phố đông xe qua lại. Rau nát bét còn người phụ nữ bán rau thì bị đấm, tát đến xưng, tím mặt, chảy máu miệng.

Đinh Văn Lĩnh – tức Linh cu nghiện từ năm 15 tuổi. Bố Linh cu là Đinh Văn Lương, có biệt hiệu là Lương cái lẻ. Bố mẹ Linh cu bỏ nhau. Linh cu sinh ra trong gia đình có “nòi” phạm tội.

Bố Linh cu là con bạc khát nước, cũng lừa lọc, vào tù ra tội… Ông này có tên Lương cái lẻ bởi vì đánh bạc, ông ta chỉ nhất cửa lẻ, không chọn cửa khác bao giờ. Thấy con mình nghiện, biết Nên dữ dằn nên ông Lương đã đến làm hợp đồng, trả tiền, nhờ Nên dạy dỗ, cai nghiện cho Linh cu. Không ngờ, ông Lương bị Nên chơi vố đau. Nên đã đào tạo Linh cu thành một sát thủ chuyên nghiệp.

CSHS đã vào cuộc truy bắt băng nhóm Cu Nên (Ảnh minh họa).

Đến khi bị bắt, ngày 15/3/1995, Linh vẫn nghiện, thậm chí nghiện nặng hơn trước. Nhà Nên bị một nhóm người bịt mặt, bắn đạn vào trong nhà. Nghi ngờ cho Ngô Thế Lâm, biệt hiệu Lâm “già” làm việc “bẩn thỉu” đó, Nên sai đệ tử mang tất cả hàng “nóng” đến cửa nhà Lâm “già” “nã” đạn vào trong nhà. Linh cu 2 tay 2 súng “nã” nhiều đạn nhất.

Linh cu đi xe máy trên đường Lạch Tray, trêu anh Nguyễn Văn Cường cũng ở Lạch Tray. Hai bên xô xát. Linh gọi điện về mách Nên là bị Cường đánh.

Nên cùng Tuyển cầm súng đi. Đến nơi, Nên hỏi: “Chúng nó đâu?”… Thế là Tuyển rút súng ra. Nên hô: “Bắn chết chúng nó đi”. Tuyển cầm súng bắn, Cường chạy.

Cả 2 lần bắn đều không trúng Cường. Quay về, gặp ông Nguyễn Văn Thọ – bố anh Cường, ở đầu ngõ. Tuyển dùng báng súng đập vào đầu ông Cường.

Giải thích cho hành động trên, Tuyển biện minh: “Có mâu thuẫn với anh Cường từ ngày còn ở trại giam”. Tuyển bắn không trúng anh Cường, Nên chửi Tuyển một trận ra trò với những lời lẽ tục tĩu.

(Còn tiếp)

>> Sát thủ máu lạnh và chuyện khó tin trong chuyên án Cu Nên
>> Nỗi khiếp đảm của giang hồ đất Cảng

Theo Dương Phạm (Nguoiduatin.vn)