Pháp luật

Ông Trần Phương Bình khiến DongABank mất hàng chục triệu USD ra sao?

Ngoài khoản thiệt hại 200 tỷ liên quan Vũ “nhôm”, ông Trần Phương Bình khiến ngân hàng mất hàng chục triệu USD khi kinh doanh ngoại hối trái phép và xuất khẩu vàng.

Kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) vừa được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an chuyển VKSND Tối cao cho thấy cựu Tổng giám đốc DongABank Trần Phương Bình và đồng phạm gây thiệt hại hơn 3.400 tỷ đồng.

Ngoài việc ứng tiền cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79) mua cổ phần DongABank dẫn đến thiệt hại hơn 200 tỷ đồng, ông Bình còn có nhiều hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật khiến ngân hàng thiệt hại 53 triệu USD, tương đương 958 tỷ đồng.

Kinh doanh ngoại tệ trái phép

Thanh Niên dẫn kết luận của cơ quan điều tra thể hiện ông Trần Phương Bình biết rõ DongABank không có giấy phép kinh doanh ngoại tệ tại thị trường quốc tế nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới tổ chức kinh doanh gây thua lỗ 24 triệu USD.

Ông Trần Phương Bình khiến DongABank mất hàng chục triệu USD ra sao?
Ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á. Ảnh: Người Lao Động.

Theo lời khai của ông Bình tại cơ quan điều tra, khi thị trường ngoại tệ biến động mạnh, việc kinh doanh ngoại hối với 2 ngân hàng của Singapore và Thụy Sĩ bị thua lỗ, cựu Tổng giám đốc DongABank đã chỉ đạo cấp dưới không tất toán các giao dịch đến hạn. Thay vào đó, ông Bình làm thỏa thuận cho kéo dài thời hạn để được tất toán với đối tác.

Việc này được 2 ngân hàng quốc tế đồng ý vì DongABank đang có tiền gửi tại đây lớn hơn số thua lỗ. Tháng 3/2006, DongABank đóng, tất toán dần các giao dịch mua bán ngoại hối đang bị lỗ bằng cách sử dụng tiền gửi cấn trừ phần lỗ.

Tuy nhiên, ông Bình chỉ đạo cấp dưới không hạch toán lỗ vào hệ thống mà lập khống 16 phiếu nhập 30 triệu USD để che giấu việc giảm tiền gửi của DongABank tại các ngân hàng quốc tế. Sau đó, cựu CEO DongABank chỉ đạo cấp dưới xuất bán gần 24.000 lượng vàng tại kho quỹ Hội sở DongABank và sử dụng hơn 70 tỷ đồng tại kho quỹ cùng tiền cá nhân mua đủ số lượng USD tương đương các phiếu nhập khống nhằm hợp thức hóa việc kinh doanh thua lỗ.

Về kinh doanh ngoại hối trái phép của DongABank, cơ quan điều tra thông qua VKSND Tối cao yêu cầu tương trợ tư pháp gửi Singapore, Thụy Sĩ đề nghị phối hợp điều tra xác minh.

Xuất khẩu vàng nhưng không được thanh toán

Một trong những kiểu kinh doanh lạ khi ông Trần Phương Bình còn điều hành DongABank là xuất khẩu vàng và kinh doanh vàng tài khoản trái phép khiến nhà băng này thiệt hại gần 29 triệu USD.

Cũng theo tờ Thanh Niên, khi DongABank hết hạn mức xuất vàng miếng, ông Bình chỉ đạo xuất vàng qua pháp nhân là Công ty TNHH Tân Vạn Hưng. Kết quả điều tra xác định DongABank xuất vàng miếng ra khỏi kho, chuyển cho Tân Vạn Hưng gia công thành vàng trang sức, trước khi xuất khẩu vàng qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Khi đối tác nước ngoài chuyển trả ngoại tệ vào tài khoản Tân Vạn Hưng mở tại DongABank, ông Bình chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục mua lại ngoại tệ. Thực chất đây chỉ là thủ tục vì vàng xuất và tiền nhận về đều là của DongABank, Tân Vạn Hưng chỉ thu tiền gia công.

Năm 2010 và 2011, DongABank xuất 6 lô tổng cộng gần 30.000 lượng vàng SJC dưới dạng vàng trang sức có tổng trị giá hơn 51 triệu USD cho đối tác ở Mỹ. Tuy nhiên, DongABank chỉ nhận được hơn 22,7 triệu USD, hơn 28,9 triệu USD còn lại chưa được thanh toán.

Thu khống hơn 1.000 tỷ đồng

Kết luận điều tra cũng chỉ ra ông Trần Phương Bình vi phạm các quy định trong việc xuất quỹ sai nguyên tắc hơn 437 tỷ đồng và 650 lượng vàng (tương đương hơn 30 tỷ đồng) để chi lãi ngoài nhằm huy động vốn tại DongABank. Ngoài ra, theo Tuổi Trẻ, ông Bình có có sai phạm khi chi 1.508 tỷ mua tài sản của nhóm Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh (gọi tắt Công ty Thái Thịnh)

Ông Trần Phương Bình khiến DongABank mất hàng chục triệu USD ra sao? - 1
Kết luận điều tra cho thấy DongABank có sai phạm trong việc xuất quỹ sai nguyên tắc chi lãi ngoài hơn 460 tỷ đồng.

Theo kết luận, cuối năm 2007, Công ty Thái Thịnh ký hợp đồng hợp tác đầu tư trị giá 100 triệu USD với 2 công ty của Vương quốc Anh để mua cổ phần hoặc vốn góp tại 11 công ty mục tiêu.

Công ty Thái Thịnh cầm cố toàn bộ cổ phần, vốn góp của mình tại các công ty này để ngân hàng đảm bảo việc hoàn trả 100 triệu USD.

Sau đó, DongABank ký hợp đồng ký thác, quản lý tài khoản để bảo đảm cho Công ty Thái Thịnh về khả năng hoàn trả 100 triệu USD tiền tài trợ và lãi tương ứng cho công ty nước ngoài khi chấm dứt hợp đồng.

Khi 2 công ty của Anh chuyển vào tài khoản mở tại DongABank 100 triệu USD (tương đương hơn 1.600 tỷ), ngân hàng do ông Bình điều hành đã giải ngân để Công ty Thái Thịnh sử dụng mua vốn góp, cổ phần của 3 công ty mục tiêu và thanh toán phí quản lý tài khoản cho DongABank.

Một năm sau, 2 công ty nước ngoài không gia hạn hợp đồng, yêu cầu Công ty Thái Thịnh hoàn trả 100 triệu USD nhưng doanh nghiệp này không có khả năng hoàn trả. Sợ công ty nước ngoài khởi kiện Công ty Thái Thịnh và ngân hàng Đông Á ra tòa quốc tế dẫn đến việc những sai phạm khác bị phanh phui, ông Trần Phương Bình đã nhờ một số tổ chức, cá nhân làm thủ tục vay tiền của DongABank để mua cổ phần mà Công ty Thái Thịnh góp vốn tại doanh nghiệp khác. Ông Bình chịu trách nhiệm trả lãi và gốc cho các khoản vay này.

Khi trả nợ các khoản vay trên, ông Bình chỉ đạo cấp dưới thu khống hơn 1.000 tỷ đồng để trả các khoản vay liên quan đến việc mua tài sản của Công ty Thái Thịnh và một số việc khác. Đến nay, các tổ chức và cá nhân còn nợ ngân hàng Đông Á hơn 2.100 tỷ đồng.

Theo Nguyễn Bá (Tri Thức Trực Tuyến)