Pháp luật

Ông Nguyễn Hữu Tín và 4 bị can bị khởi tố liên quan khu đất vàng 6.000m2

Theo thông tin của Tuổi Trẻ, những quan chức của TP.HCM bị khởi tố liên quan đến quá trình xử lý khu đất vàng số 2-4-6 đường Hai Bà Trưng (P.Bến Nghé, Q.1).

Khu đất này có diện tích hơn 6.000 m2 hiện do tư nhân nắm giữ hoàn toàn, thay vì ban đầu thuộc về Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – lúc chưa bán 53,59% vốn điều lệ cho cổ đông Thái Lan) được trực tiếp sử dụng theo diện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Ông Nguyễn Hữu Tín và 4 bị can bị khởi tố liên quan khu đất vàng 6.000m2
Khu đất vàng bốn mặt tiền đường, gồm Hai Bà Trưng – Đông Du – Thi Sách và Công trường Mê Linh - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đó Bộ Tài chính có văn bản cho phép Sabeco được sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng để xây dựng trụ sở văn phòng tổng công ty và trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng theo phương án sắp xếp và xử lý nhà đất công. 

Tuy nhiên, tháng 6-2015, ông Nguyễn Hữu Tín khi đó là phó chủ tịch UBND TP.HCM đã ký quyết định chấp thuận cho Công ty cổ phần đầu tư Sabeco Pearl thuê đất 50 năm trả tiền một lần để xây dựng dự án khu phức hợp 6 sao, trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê theo hình thức thuê đất tiền một lần. Quyết định này sai với phương án xử lý nhà, đất của Bộ Tài chính cho lô đất này trước đó. Hơn nữa, nếu như Sabeco không có nhu cầu sử dụng lô đất này và giao lại cho Nhà nước thì UBND TP.HCM phải giao đất qua đấu giá quyền sử dụng đất chứ không phải tự ý giao chỉ định cho Công ty cổ phần đầu tư Sabeco Pearl.

Quyết định giao đất của ông Tín dựa trên tờ trình của giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường thời điểm đó là ông Đào Anh Kiệt. Theo quy trình tổ chức của Sở Tài nguyên – môi trường, hồ sơ về giải quyết thủ tục giao đất cho Công ty cổ phần đầu tư Sabeco Pearl do phó phòng quản lý đất của sở là ông Trương Văn Út phụ trách, xử lý hồ sơ, lập tờ trình để giám đốc sở xem xét, ký và trình UBND TP.HCM.

Quá trình "biến mất" của đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng

Giữ vị trí "đắc địa" tại bốn mặt tiền đường, gồm Hai Bà Trưng – Đông Du – Thi Sách và Công trường Mê Linh.

Theo điều tra của Tuổi Trẻ, dự án thực hiện khu phức hợp 6 sao - trung tâm thương mại - trung tâm hội nghị và cao ốc văn phòng cho thuê tại 2-4-6 Hai Bà Trưng được Sabeco tái khởi động thực hiện vào tháng 2-2015 thông qua việc thành lập Công ty cổ phần đầu tư Sabeco Pearl.

Ông Nguyễn Hữu Tín và 4 bị can bị khởi tố liên quan khu đất vàng 6.000m2 - 1
Khu đất vàng bốn mặt tiền đường, gồm Hai Bà Trưng – Đông Du – Thi Sách và Công trường Mê Linh - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Với vốn điều lệ khoảng 567 tỉ đồng, Sabeco Pearl gồm các cổ đông: Sabeco, Công ty CP Attland, Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ Hà An và Công ty CP đầu tư Mê Linh, trong đó Sabeco đề xuất phương án hợp tác đầu tư với nhóm các nhà đầu tư nói trên bằng cách góp 18% vốn điều lệ bằng tiền mặt, cộng với 8% giá trị được hưởng lợi thế từ khu đất. Đồng thời, Sabeco sẽ nhận kết quả kinh doanh tương ứng với số vốn góp bằng 26% vốn điều lệ. Các cổ đông còn lại sẽ góp vốn bằng tiền mặt, và nộp tiền sử dụng khu đất khoảng 1.236 tỉ đồng.

Ngày 11-2-2015, hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Sabeco và nhóm các nhà đầu tư chính thức được ký kết. Tổng vốn đầu tư dự kiến xấp xỉ 2.423 tỉ đồng. Căn cứ để Sabeco tham gia thành lập Sabeco Pearl được đơn vị này khẳng định "tuân thủ theo chỉ đạo của Bộ Công thương, không vi phạm Luật đất đai 2013, không vi phạm Nghị định 94/NĐ-CP về đầu tư ngoài ngành".

Tuy nhiên, khi góp vốn thành lập CTCP Sabeco Pearl để thực hiện dự án tại khu đất nói trên, Sabeco không góp bằng quyền sử dụng đất, mà bằng tiền do bên B (là các doanh nghiệp đối tác, đồng sáng lập) sẽ trả cho Sabeco dựa trên "giá trị lợi thế" của khu đất có giá trị quy đổi không thấp hơn 50 tỉ đồng, do chính bên B quy đổi.

Đặc biệt, giá trị góp vốn của Sabeco trong Sabeco Pearl chỉ chiếm 26% trong vốn điều lệ của CTCP, nhằm "né" quy trình, thủ tục đầu tư bắt buộc phải được thực hiện đúng như áp dụng cho doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Theo khẳng định của các chuyên gia, việc lựa chọn tỉ lệ góp vốn dưới 30% này là có chủ đích, hòng tránh xin chủ trương đầu tư theo quy định do lúc đó Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối tại Sabeco gần 90%.

Tháng 6-2016, Sabeco thoái vốn bằng cách đã bán đấu giá 14.733.342 cổ phần cho chính các cổ đông sáng lập, thu về gần 195 tỉ đồng.

Tại thời điểm ngày 11-6-2018, ba cổ đông còn lại sau khi Sabeco thoái vốn cũng đã thoát sạch vốn tại đây. Toàn bộ số cổ phần của các cổ đông sau khi thoái ở thời điểm đó thuộc sở hữu của các cá nhân ông Ngô Văn An, chiếm 98,53% vốn điều lệ, ông Trần Quang Huy giữ 0,49% và bà Nghiêm Thị Hương sở hữu 0,98% vốn điều lệ.

Theo Nhóm PV (Tuổi Trẻ)