Pháp luật

Ông Đinh La Thăng đang ở tù, sao lại bị tạm giam?

Chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, gặp gỡ người thân giữa người bị tạm giam cũng khắt khe hơn người đang chấp hành án, như vậy có ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Thăng không?

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với ông Đinh La Thăng (sinh năm 1960, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) để điều tra về các sai phạm trong vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (vụ án Ethanol Phú Thọ).

Các quyết định tố tụng đã được VKSND Tối cao phê chuẩn.

Ông Đinh La Thăng đang ở tù, sao lại bị tạm giam?
Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa trước đây

Vấn đề đặt ra là hiện ông Thăng đang chấp hành án phạt tù trong trại giam, giờ ông lại bị ra lệnh tạm giam thì thực hiện thế nào, pháp luật quy định việc này ra sao?

Theo ông Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh toà Hình sự TAND TP.HCM, thì việc bắt tạm giam này là trình tự tố tụng bình thường.

Khi khởi tố vụ án mới, các cơ quan tố tụng phải phối hợp với nhau để thực hiện việc bắt tạm giam phục vụ công tác điều tra vụ án mới. Chế độ tạm giam để điều tra, truy tố, xét xử khác với chế độ giam để thi hành án phạt tù.

Về căn cứ bắt tạm giam, Điều 119 BLTTHS 2015 quy định rõ tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

Khi tổng hợp hình phạt, toà án sẽ tính thời hạn tù từ ngày bắt tạm giam ông Thăng ở hai bản án trước. Như vậy, thời hạn tù của bản án mới gần như không có vì tổng hợp hình phạt của hai bản án trước đã là 30 năm.

Luật sư Nguyễn Văn Hồng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng cho biết Công an TP.HCM cũng đã có công văn hướng dẫn, khi bị án đang chấp hành án mà bị bắt giam để điều tra trong vụ án khác thì thông qua cơ quan thi hành án hình sự. Thủ tục gồm lệnh bắt tạm giam, mục đích trích xuất, thời gian trích xuất...

Ngoài ra, Điều 35 Luật Thi hành án hình sự 2010 quy định Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi cơ quan, người tiến hành tố tụng có yêu cầu trích xuất có nhiệm vụ tiếp nhận, áp giải và quản lý phạm nhân được trích xuất trong thời gian trích xuất. Trường hợp đưa phạm nhân được trích xuất ra khỏi nơi chấp hành án thì căn cứ lệnh trích xuất, trại tạm giam hoặc nhà tạm giữ nơi cơ quan điều tra, truy tố, xét xử có yêu cầu phải quản lý phạm nhân được trích xuất.

Hết thời hạn trích xuất, cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất phải gửi thông báo cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự và bàn giao phạm nhân được trích xuất cho trại giam để tiếp tục thi hành án; nếu có nhu cầu tiếp tục trích xuất thì đề nghị gia hạn trích xuất; thời hạn trích xuất và gia hạn trích xuất không được kéo dài hơn thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại của phạm nhân được trích xuất...

Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác băn khoăn về việc ông Thăng đang là bị án thì không thuộc các trường hợp để phải bắt tạm giam như: không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội...

Hơn nữa, về nguyên tắc, bản án hình sự có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành thì phải thi hành theo Luật Thi hành án hình sự.

Ông Thăng là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù có thời hạn 30 năm. Thời hạn chấp hành án là xuyên suốt, không bị đình chỉ. Do đó, thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố, xét xử vụ án mới này sẽ được tính toán trừ vào thời hạn chấp hành án như thế nào?

Chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, gặp gỡ người thân giữa người bị tạm giam cũng khắt khe hơn người đang chấp hành án, như vậy có ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Thăng không. Trong khi đó, trại giam cũng có buồng hỏi cung phục vụ công tác điều tra. Khi cần lấy lời khai, cơ quan tiến hành tố tụng có thể gửi công văn để trại giam bố trí lưc lượng dẫn giải, bảo vệ tại nơi hỏi cung...

Theo Phương Loan (Pháp Luật TP.HCM)