Pháp luật

Ông Đinh La Thăng: 'Buộc tôi bồi thường 600 tỷ đồng là bất công'

Cho rằng phải gánh chịu mức án và tiền bồi thường "bất công, vô lý", cựu chủ tịch PVN Đinh La Thăng xin tòa phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm.

Chiều 21/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội dành phần lớn thời gian xét hỏi cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng trong phiên tòa xét kháng cáo của ông này và 6 đồng phạm.

Ông Thăng bị TAND Hà Nội tuyên 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) và bồi thường 600 tỷ đồng cho PVN.

Theo bản án sơ thẩm, ông Thăng là người đứng đầu trong vụ án cố ý làm trái quy định khi chủ trương, chỉ đạo góp 800 tỷ vốn của PVN vào ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Việc góp vốn này thực hiện sau khi chủ trương thành lập ngân hàng riêng của ngành dầu khí tên Hồng Việt không thành. Tuy nhiên cấp sơ thẩm cáo buộc ông Thăng cùng sáu thuộc cấp ở PVN thực hiện ba lần góp vốn khi chưa có sự đồng ý của Thủ tướng, chưa bàn bạc với các thành viên HĐQT và vượt quá tỷ lệ sở hữu cổ phần cho phép…Hậu quả của hành vi sai phạm theo cấp sơ thẩm là khiến PVN bị mất toàn bộ 800 tỷ đồng.

Sau khi cấp sơ thẩm tuyên án ông Thăng kháng cáo cả hình phạt và mức bồi thường dân sự. Hôm nay trước tòa phúc thẩm, cựu chủ tịch PVN vẫn khẳng định kháng cáo toàn bộ nội dung bản án.

Ông Đinh La Thăng: 'Buộc tôi bồi thường 600 tỷ đồng là bất công'
Các bị cáo trong phiên phúc thẩm. Ảnh: N.Anh.

Cầm văn bản trên tay, ông Thăng trình bày to, rõ ràng đôi khi có phần bức xúc. Theo ông, bản án sơ thẩm không xem xét việc PVN được tham gia đầu tư tài chính ngân hàng cũng như bối cảnh giải quyết hệ lụy ngân hàng Hồng Việt. Bản án cũng không xem việc PVN chuyển tiền cho Oceanbank bởi đã có sự chấp thuận của Thủ tướng.

Về lần góp vốn thứ ba vào năm 2011 với số tiền 100 tỷ đồng, theo ông Thăng bản án sơ thẩm không xem xét tới hoàn cảnh thực tế là Ngân hàng nhà nước tại Hải Dương đã chấp thuận việc tăng vốn của Oceanbank. Khi PVN góp thêm 100 tỷ đồng cũng chỉ để duy trì sở hữu 20% vốn điều lệ của Oceanbank. Hơn nữa, việc sở hữu tỷ lệ cổ phần vượt mức cho phép theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 cũng không được nhắc nhở, xử lý.

Ông Thăng khẳng định sau thời gian này mới có hướng dẫn việc thoái vốn cho những doanh nghiệp sở hữu cổ phần ngân hàng vượt quá 15%. Mặt khác, cựu chủ tịch PVN lập luận việc góp vốn lần ba có sử dụng chính cổ tức từ hoạt động góp vốn hai lần đầu.

Cũng như ở cấp sơ thẩm, ông Thăng tiếp tục cho rằng việc PVN mất vốn do Chính phủ đã đồng ý cho PVN chuyển nhượng vốn nhưng sau đó lại hay đổi. Vì vậy PVN bị lỗ 800 tỷ đồng.

“Cấp sơ thẩm đã thay đổi phán quyết so với cáo trạng, quy kết tôi phải chịu trách nhiệm chính việc PVN mất 800 tỷ, trong khi cáo trạng nêu PVN mất 800 tỷ là do Oceabank bị mua bắt buộc 0 đồng”, ông Thăng nói.

Hơn nữa, ông Thăng vẫn bảo lưu quan điểm đã có hai công ty chấp nhận mua lại vốn của PVN tại Oceanbank. Bị cáo khẳng định có chứng cứ rõ ràng về việc này nhưng không được cấp sơ thẩm chấp nhận.

Cựu chủ tịch PVN tiếp tục cho rằng bản án sơ thẩm không có đánh giá đúng thực tế bởi tháng 8/2011 ông đã rời khỏi PVN. Lúc đó Oceanbank vẫn hoạt động hiệu quả, PVN vẫn được chia cổ tức tới năm 2013. “Oceanbank vẫn được đánh giá ngân hàng loại A tức là ‘hoa hậu rồi’. Vì vậy tôi không phải chịu trách nhiệm hình sự, dân sự vì đã chấm dứt quyền hạn nghĩa vụ tại PVN mà 4 năm sau Oceanbank mới bị mua 0 đồng”, ông Thăng nói.

"Xin tòa xem xét lại tội danh, hình phạt cũng như trách nhiệm dân sự bồi thường 600 tỷ đồng tôi phải gánh chịu một cách bất công, vô lý. Trong thời tiết 40 độ, tôi phải nằm trong bốn bức tường bê tông nên mong HĐXX thông cảm”, cựu chủ tịch PVN trình bày.

Ông Thăng từ chối trả lời nhiều câu hỏi của chủ toạ

Cũng trong chiều nay, khi trả lời thẩm vấn, ông Thăng thường trực thái độ bức xúc. Ông liên tục nói không nhớ, xin không trả lời. Có lúc ông Thăng tranh luận gay gắt với chủ tọa Nguyễn Vinh Quang tới 10 phút. Lúc chủ tọa nói, ông đứng trước bục khai báo liên tục mở chai nước uống.

Khi chủ tọa phiên tòa muốn ông Thăng trả lời trực tiếp "có hay không" ở nhiều vấn đề, ông đáp lại gay gắt “việc HĐXX hỏi có hay không tôi rất khó trả lời”.

Ông Thăng nói một tràng dài rằng: “Tôi đề nghị để trả lời 'có hay không, rồi hay chưa' thì phải nằm trong tổng thể, không thể cắt lát ra để nói. Từ mấy hôm nay tôi theo dõi rất kỹ sự điều hành của chủ tọa. Chủ tọa nhắc rất nhiều lần, thư ký phiên tòa phải ghi đầy đủ việc có hay không có. Do đó, nếu việc có hay không có này không đúng bản chất sự việc, không đúng bối cảnh lịch sử lúc đó sẽ trở thành căn cứ để buộc tội tôi. Tôi không thể trả lời có hay không có, mà không giải thích”.

Chủ tọa Nguyễn Vinh Quang cho rằng việc hỏi này chỉ là thẩm tra chứng cứ. Quyền hỏi thuộc về HĐXX, bị cáo có quyền trả lời hoặc không. Ông Thăng lập tức nói: "Tôi sẽ trả lời ở phần tranh luận". Sau đó, chủ tọa tiếp tục đặt nhiều câu hỏi có hay không và cho hay việc đánh giá là quyền của mỗi người.

“Bị cáo cứ chuẩn bị đi và trình bày ở phần tranh luận. Còn ở đây là phần hỏi, bị cáo phải dành quyền hỏi cho HĐXX để xác định lại các chứng cứ trong vụ án, nên mới có chuyện hỏi có hay không chứ ở đây không hỏi bị cáo là đúng hay sai”, chủ tọa Nguyễn Vinh Quang cũng nói to.

Ông Thăng nghe vậy bức xúc trình bày: “Cũng tại hội trường này, tại phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Nhà máy Nhiệt điện thái bình 2 mà tôi là bị cáo, trong phần xét hỏi, tôi đề nghị được đối chất với người làm chứng là người đã vi phạm, ký hợp đồng sai. HĐXX kết luận để dành đến lúc tranh luận. Tuy nhiên đến phần tranh luận, người làm chứng đó đã biến mất khỏi phiên tòa nên tôi bị kết án rất vô lý”.

Chủ tọa Nguyễn Vinh Quang nói HĐXX rất chia sẻ với tâm trạng của các bị cáo, nhưng ở phiên tòa này, tòa đã triệu tập những người cần phải hỏi đến phiên tòa. Ngoài HĐXX, VKS, người bảo vệ quyền và lợi ích của các hợp pháp thì những người tham gia tố tụng khác, trong đó có các bị cáo, được quyền đặt câu hỏi với những người khác khi tòa đồng ý. Còn khi tranh luận, bị cáo và luật sư đưa ra quan điểm, trình bày nhận thức của mình để mọi người xem đúng hay không đúng.

“Bị cáo nên thực hiện quyền của mình về mặt tố tụng. HĐXX tôn trọng và không xâm phạm quyền này. Đến phần tranh luận, HĐXX sẽ tạo điều kiện đến lúc bị cáo không muốn nói nữa thì thôi”, ông Nguyễn Vinh Quang nói.

Song ông Thăng vẫn không dừng lại. Ông nói to hơn “Tôi lo hơi xa, lo đến lúc đối chất lại không nêu lại vấn đề này. Khi đó, lại căn cứ vào biên bản Thư ký ghi, chỉ có những từ rất khô khan là có hay không có”.

Cựu chủ tịch PVN còn cho rằng: "Tôi rất mong muốn được chấp hành đúng. Nhưng cũng vì chấp hành đúng mà tôi đã phải chịu một mức án 18 năm tù, rất bất công và vô lý. Nếu cứ hỏi thế này thì chỉ tìm những căn cứ buộc tội tôi mà không có căn cứ gỡ tội”.

Khẳng định sẽ xét xử công bằng khách quan, chủ toạ nói với ông Thăng rằng: “Nếu bị cáo không còn niềm tin vào công lý thì bị cáo nói rõ”. Nhưng ông Thăng đáp:  “Nếu công bằng, khách quan thì tôi đã không phải ra tòa này”. Sau đó trong suốt phần thẩm vấn của thẩm phán và VKS với mình, cựu chủ tịch PVN từ chối trả lời nhiều câu hỏi, nhiều lần khẳng định việc trả lời có hay không chính là căn cứ buộc tội mình. Ngay cả khi chủ tọa cho ngồi ông Thăng cũng từ chối.

Ngày mai, phiên toà tiếp tục làm việc

Theo Bảo Hà (VnExpress.net)