Pháp luật

Nữ luật gia ở Sài Gòn đòi bồi thường oan sai 37 tỷ đồng

Bị bắt giam với cáo buộc lừa đảo khách hàng người Nhật, nhiều năm sau khi được đình chỉ điều tra, bà Ngọc Nga yêu cầu bồi thường.

Luật gia Trần Thị Ngọc Nga (ngụ TP HCM) vừa nộp đơn đến VKSND Tối cao, yêu cầu bồi thường tổng cộng 37 tỷ đồng, vì bị bắt giam oan hơn 13 tháng.

"Tôi gần như mất tất cả sau biến cố này. Hơn 6 năm qua tôi muốn làm lại từ đầu nhưng gặp bao nhiều trở ngại chỉ vì từng mang thân phận lừa đảo. Nhiều đối tác không dám làm ăn với công ty luật của tôi, gây thiệt hại nặng nề", bà Nga nói về lý do mong muốn được giải oan.

Trong đơn, bà Nga viện dẫn nhiều tổn thất về vật chất và tinh thần như: bị kê biên tài sản, buộc nộp tiền khắc phục, mất khách hàng, bị thu giấy nợ của người khác không đòi được 4 tỷ đồng...

Nữ luật gia ở Sài Gòn đòi bồi thường oan sai 37 tỷ đồng
Bà Trần Thị Ngọc Nga. Ảnh: Vũ Mai.

Theo nội dung vụ việc, bà Nga đã bị VKSND Tối cao cáo buộc đã thực hiện nhiều hành vi gian dối để chiếm đoạt gần 4,4 tỷ đồng của các ông Ishida và Eguchi.

Năm 2007 khi làm ăn tại Việt Nam, thương gia Ishida và Eguchi hùn vốn cùng một số người nhưng đều bị họ cố tình chây ỳ không trả tiền. Với mong muốn đòi được nợ, họ đến nhờ bà Nga tư vấn và làm thủ tục gửi đơn kiện với mức thù lao 20% của số tiền đòi được. Khách hàng ứng trước cho luật gia 1,2 tỷ đồng.

Sau đó bà Nga đã tư vấn cho ông Ishida tố cáo, làm đơn kiện con nợ gửi các cơ quan tố tụng. Nhưng khi đơn được TAND tỉnh An Giang thụ lý, bà là người đại diện lại không đến nộp án phí nên cơ quan xét xử đã không giải quyết.

Cơ quan điều tra cho rằng, trong thời gian này bà Nga đã nhận 4 tỷ đồng của ông Eguchi để mua hai căn hộ tại huyện Nhà Bè (TP HCM) dù biết không thể sang tên cho thân chủ.

Cơ quan công tố cũng cho rằng, bà Nga "dựng" lên việc con nợ của ông Ishida đã bỏ trốn sang Campuchia, để cảnh sát dẫn độ người này về VN thì thân chủ phải chi thêm hàng chục nghìn USD nữa. Nghi ngờ bị bà Nga lừa, hai thương gia người Nhật đã gửi đơn tố cáo đến Bộ Công an.

Ngày 15/1/2009, tại một quán cà phê ở phường Đa Kao (quận 1), khi bà Nga đang nhận số tiền 2 triệu Yên Nhật của thân chủ thì bị cảnh sát Cục C45B bắt quả tang. Quá trình điều tra, gia đình bà Nga đã nộp một tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Đến cuối năm 2010, VKSND Tối cao uỷ quyền cho VKSND TP HCM chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang toà cùng cấp để đưa ra xét xử bà Nga về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, sau thời gian nghiên cứu, cơ quan xét xử cho rằng còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ nên đã trả hồ sơ để điều tra lại.

Đến tháng 8/2011, Bộ Công an ra quyết định đình chỉ bị can đối với bà Nga, theo Điều 34 và 164 Bộ luật tố tụng hình sự. Luật gia được xác định "đã xuất trình được tài liệu, chứng cứ mới làm phát sinh thay đổi bản chất vụ án; đồng thời do ông Ishida và Eguchi không có mặt tại Việt Nam, nên không đủ điều kiện để tiếp tục củng cố chứng cứ làm rõ hành phạm tội".

Ngoài VKSND Tối cao, bà Nga cũng gửi đơn đến Ủy ban Tư pháp Quốc Hội, Ban Dân nguyện của Quốc Hội và Đoàn đại biểu Quốc Hội TP HCM.

Theo Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch thì bà Nga thuộc diện được bồi thường theo Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009. 

Tại khoản 1 Điều 5, thời hiệu yêu cầu bồi thường quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này là hai năm, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 của Luật này.

"Tuy nhiên, quyền khiếu nại, yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm thuộc quyền của công dân. Do vậy, bà Nga vẫn có thể thực hiện quyền của mình", luật sư Trạch cho hay.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia luật khác lại cho rằng, trường hợp bà Nga thuộc diện được bồi thường mà không phụ thuộc vào thời hiệu yêu cầu.

Theo Quốc Thắng (VnExpress.net)