Pháp luật

'Nữ hoàng lục bình' miền Tây lại hầu tòa

Đây là lần thứ 3 tòa án tỉnh này mở lại phiên sơ thẩm của "kỳ án" vì hai bản án trước đây đều bị cấp phúc thẩm hủy toàn bộ.

Ngày 28/5, TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử 7 người trong vụ án Tham ô tài sản kéo dài nhiều năm nhưng chưa có hồi kết. Đây là lần thứ 3 tòa án tỉnh này mở lại phiên sơ thẩm của "kỳ án" vì hai bản án trước đây đều bị cấp phúc thẩm hủy toàn bộ.

Hồ sơ vụ án thể hiện những lần xét xử đầu tiên tòa triệu tập trên 120 người là nhân chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Lần này, ngoài 7 bị cáo thì cơ quan công tố yêu cầu HĐXX triệu tập thêm 60 người tham gia tố tụng.

"Nhiều năm đi lại mà vụ án xử vẫn chưa xong, chúng tôi tốn kém nhiều thời gian và chi phí", một cán bộ cấp xã chia sẻ với Zing.vn.

'Nữ hoàng lục bình' miền Tây lại hầu tòa
Bà Bích tại tòa ngày 28/5. Ảnh: Việt Tường.

Theo cáo trạng, 7 người bị VKSND tỉnh Sóc Trăng truy tố tội Tham ô tài sản là ông Ngô Hồng Phi (60 tuổi, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Sóc Trăng), Nguyễn Quốc Trung, Đặng Minh Út, Nguyễn Thế Vương, Huỳnh Văn Bảy, Huỳnh Ngọc Bích và Trần Tấn Là.

Trong đó, Trung, Vương, Út là thuộc cấp của ông Phi; ông Bảy là cán bộ Phòng Kinh tế huyện Kế Sách; bà Bích với ông Là làm chủ nhiệm 2 hợp tác xã thủ công mỹ nghệ.

Hồ sơ tố tụng thể hiện năm 2006-2007, Trung tâm Khuyến công (TTKC) Sóc Trăng được giao 39 đề án thực hiện mô hình, mở lớp dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân. Tổng kinh phí được cấp cho những đề án này trên 1,4 tỷ đồng. Đến cuối năm 2007, hồ sơ tạm ứng, thanh toán thể hiện hơn 1,37 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện các phần việc được giao, ông Phi bị cho là chỉ đạo kế toán Út thanh toán đúng với con số được duyệt, hoàn thành 39 đề án vì tiền đã được tạm ứng nhập quỹ cơ quan do chuyên viên Nguyễn Quách Hồng Quyên (đã trốn ra nước ngoài) quản lý.

Còn Trung, Vương thì bị cáo buộc tìm đến các chủ nhiệm hợp tác xã để thỏa thuận ký kết những hợp đồng dạy nghề nhưng chỉ thực hiện một phần và khai man chứng từ thanh toán để chiếm đoạt 402 triệu đồng. Trong đó, bà Bích bị cáo buộc tham ô 17,6 triệu, ông Phi 30,6 triệu đồng, Vương 21 triệu đồng, Trung 13,4 triệu đồng, Út 17,7 triệu đồng...

Qua nhiều năm điều tra, cáo trạng mới nhất của VKSND tỉnh Sóc Trăng cho rằng trong 402 triệu đồng, cơ quan điều tra chứng minh được các bị cáo tiêu xài cá nhân gần 129 triệu đồng, còn lại 283 triệu đồng là chi sai nguyên tắc khi tiếp khách, đi công tác... Trong đó, Vương, Trung bị cơ quan công tố quy trách nhiệm tương đương với Phi, Út về số tiền gần 129 triệu đồng.

Sau nửa ngày làm thủ tục khai mạc, phiên tòa sơ thẩm lần này bắt đầu phần công bố cáo trạng và thẩm vấn vào buổi chiều. HĐXX dự kiến làm việc 4 ngày.

Gần 3 năm bị khởi tố, năm 2012, bà Bích  bị TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên án 6 tháng tù vì tội Tham ô tài sản nhưng được hưởng án treo. Các bị cáo còn lại mỗi người lĩnh 2-4 năm tù. Tháng 4/2013, TAND Tối cao tại TP.HCM hủy bản án này khi xử phúc thẩm theo kháng cáo của các bị cáo.

Đến năm 2015, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên bà Bích không phạm tội. Ông Phi cùng các thuộc cấp Út, Trung và Vương bị TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên mỗi người từ 5-8 năm tù. Bản án này sau đó bị VKSND tỉnh Sóc Trăng kháng nghị, các bị can lĩnh án tù kháng cáo. Tháng 3/2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra lại. 

Đây là vụ án kéo dài nhiều năm, Công an Sóc Trăng khởi tố từ tháng 7/2009. Khi vụ án xảy ra, người dân miền Tây gọi bà Bích là "nữ hoàng lục bình" vì từ một ít tiền lương hưu của cha mà người phụ nữ này gây dựng được HTX thủ công mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm cho hơn 8.000 lao động nhiều tỉnh miền Tây. 

Sau khi bị khởi tố, có thời gian bà Bích phải bỏ xứ mà đi và kêu oan khắp nơi. HTX của bà sau đó yếu dần, người lao động không còn bao nhiêu và nữ chủ nhiệm phải "tha phương cầu thực". Gần đây, bà Bích có thêm nghề mới là mua trái cây ở miền Tây mang đi các tỉnh ngoài khu vực để bán kiếm lời, từng bước gầy dựng lại HTX mang tên mình.

Theo Việt Tường (Tri Thức Trực Tuyến)