Pháp luật

Nữ giám đốc ngân hàng tham ô 2.600 lượng vàng bị đề nghị tử hình

Bà Oanh đưa người nhà vào làm lãnh đạo Agribank chi nhánh Bến Thành, do mình quản lý, rồi móc nối rút 2.600 lượng vàng chiếm đoạt.

Ngày 11/12, phiên xử Nguyễn Thị Hoàng Oanh (57 tuổi, nguyên giám đốc Agribank Bến Thành, quận 1) và 11 đồng phạm bước sang phần tranh luận. Các bị cáo bị truy tố về hàng loạt tội danh: Tham ô tài sản, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Đưa và nhận hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Phát biểu quan điểm về vụ án, VKS cho rằng Oanh đã lợi dụng chức vụ, sử dụng người nhà vào vị trí lãnh đạo ngân hàng để dễ dàng móc nối vay vàng của ngân hàng rồi chiếm đoạt.

Nhằm che giấu hành vi, bị cáo dùng nhiều pháp nhân do người thân đứng tên, nhập khống tên khách hàng làm hợp đồng vay để rút vàng đáo hạn, gây thiệt hại lớn cho nhà băng. Bị cáo còn lôi kéo cấp dưới, bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi sai phạm của mình, xâm phạm đến tài sản của nhà nước.

Ngoài ra, Oanh còn lợi dụng vị trí giám đốc để duyệt các hợp đồng không đủ điều kiện cho khách hàng vay vốn dẫn đến thất thoát số tiền lớn của ngân hàng.

Từ đó, VKS đề nghị áp dụng mức án tử hình đối với cựu nữ giám đốc về các tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Nữ giám đốc ngân hàng tham ô 2.600 lượng vàng bị đề nghị tử hình
Bà Oanh bị đề nghị mức án cao nhất về 3 tội danh. Ảnh: Hải Duyên.

Đối với 6 bị cáo vốn là cấp dưới của Oanh, phạm tội với vai trò giúp sức, VKS đề nghị xử phạt từ 11 đến 30 năm tù. "Các bị cáo có chức vụ được giao quản lý tài sản ngân hàng nhưng vì biến chất đã làm giả hồ sơ, giúp Oanh chiếm đoạt tài sản ngân hàng nên cần xử lý nghiêm", VKS nhận định.

Tiếp đó, bị cáo Lê Văn Tính (55 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Kim Gia Thuận) được xác định là người chủ mưu trong việc lừa đảo chiếm đoạt hơn 5.600 lượng vàng của Agribank. Theo cơ quan công tố, để chiếm đoạt số vàng này Tính đã chấp nhận điều kiện để Oanh hưởng lợi lớn trong hợp đồng của mình.

Ngoài ra, Tính còn thành lập nhiều công ty khống cho người thân đứng tên để tiếp tục vay tiền của nhà băng đảo nợ cho những hợp đồng trước đó.

VKS nhận định việc truy tố đối Tính và đồng phạm là đúng người đúng tội và đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 14-16 năm tù về tội Đưa hối lộ.

Liên quan vụ án, vợ con của Tính bị đề nghị 4-5 năm tù về tội Lừa đảo chiến đoạt tài sản. 

Theo cáo buộc, năm 2008-2009, trong thời gian đương chức, Oanh đã sử dụng tên của 8 cá nhân lập hồ sơ khống vay 2.660 lượng vàng (47 tỷ đồng) để mua căn nhà trên đường Nguyễn Quang Khải (quận 1) rồi cho con gái đứng tên. Bà này cho Agribank thuê lại với giá 5.800 USD mỗi tháng để mở Phòng giao dịch Viễn Đông và đã nhận của nhà băng tổng cộng hơn 5,6 tỷ đồng.  

Oanh chỉ đạo em rể Trương Thế Thanh (trưởng phòng tín dụng) lấy pháp nhân công ty của Huỳnh Ngọc Thạch (con rể Oanh) và một số doanh nghiệp khác tiếp tục vay vàng của Agribank. Giám đốc Oanh dùng số vàng này để đảo nợ khi khoản vay trước đến hạn. Khi vụ án được khởi tố, bà ta còn nợ 44 tỷ đồng.

Ngoài ra, bà Oanh còn ký duyệt cho em rể vay 13 tỷ đồng để đầu tư bất động sản mà không có tài sản bảo đảm. Khi đến hạn, Thanh sử dụng tên của người thân tiếp tục vay để đáo nợ. Quá trình điều tra, ông này chết vì bệnh hiểm nghèo nên VKSND Tối cao đình chỉ điều tra.

Cơ quan công tố xác định, bà Oanh đã phê duyệt cho công ty của Tính vay 5.600 lượng vàng của Agribank sau đó chiếm đoạt. Dù công ty này không đủ các điều kiện nhưng Oanh vẫn đồng ý cho vay bằng tiền. 

Bằng chiêu thức này, Oanh nhận hối lộ gần 25 tỷ đồng tiền chênh lệch khi quy đổi vàng sang tiền. 

Quá trình xét xử, Oanh thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Riêng ông Tính cho rằng không biết việc bị Oanh ăn chặn tiền chênh lệch khi vay vàng của Agribank. 

Theo Hải Duyên (VnExpress.net)