Pháp luật

Nhức nhối lời khai đối tượng cầm đầu đường dây mang thai hộ

Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của các nạn nhân, những đối tượng trong đường dây này đã tìm cách móc nối, đưa nhiều cô gái tuổi đời còn rất trẻ sang Trung Quốc thực hiện việc mang thai hộ vì mục đích thương mại. Mỗi trường hợp giao con thành công, đối tượng sẽ nhận được số tiền từ 300 - 340 triệu đồng.

Phạm Thị Huế (SN 1984, trú tại xã Song Mai, TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) là đối tượng cầm đầu trong đường dây chuyên tổ chức mang thai hộ, vừa bị Công an TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh phát hiện, bắt giữ.

Theo lời khai của Huế, khoảng cuối năm 2017, trong khi đang bán hàng quần áo tại Trung Quốc, đối tượng này đã thông qua phần mềm xã hội Wechat để móc nối với giám đốc một bệnh viện họ Dương thỏa thuận tìm người Việt Nam đưa sang Trung Quốc mang thai hộ.

Nhức nhối lời khai đối tượng cầm đầu đường dây mang thai hộ
Đối tượng Phạm Thị Huế.

Tại nhà tạm giữ Công an TP.Hạ Long, nét mặt Huế tỏ rõ sự lo sợ. Với giọng nói thành khẩn, có phần thật thà của người phụ nữ thôn quê, Huế khai: “Khi một bạn đồng ý đi mang thai hộ, bên bệnh viện bên Trung Quốc trả cho em từ 380 - 390 triệu đồng tùy lứa tuổi. Sau đó, em trả cho các bạn ấy 330 triệu một người, còn em được hưởng từ 50 - 60 triệu đồng một người. Khi mà các bạn ấy đồng ý mang thai hộ rồi, các bạn ấy tự làm thủ tục rồi đi qua bên cửa khẩu Trung Quốc. Em cho các bạn ấy số của nhà xe để liên lạc và đưa vào Quảng Châu, rồi em phụ trách đón ở trong đấy”.

Thấy việc kiếm tiền từ hoạt động này tương đối thuận lợi, Huế về Việt Nam. Thông qua mạng xã hội Facebook, Huế tìm được 4 phụ nữ trẻ có nguyện vọng mang thai hộ để đưa sang Trung Quốc. Trong số này có 3 người cấy phôi thai thành công, người còn lại là Ninh Thị Hải Yến (SN 1988, trú tại số 13, đường Nguyễn Biểu, phường Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) không đủ điều kiện để mang thai. Tuy nhiên, Yến đã giới thiệu cho Huế 5 người để đưa sang Trung Quốc và cấy phôi thai thành công.

Ngoài ra, Yến còn môi giới cho một phụ nữ tên Thủy (người Việt Nam đang sinh sống tại Trung Quốc) thêm 5 trường hợp mang thai hộ để kiếm tiền. Trong các “thương vụ” này, Yến được trả 30 triệu đồng/người.

“Lúc đấy, kinh tế nhà em đang khó khăn, em lại không đủ điều kiện ghép phôi. Vì đang lúc cần tiền, nên em mới nghĩ là thôi bây giờ em phải tìm người thay thế mới có tiền hoa hồng”, Yến khai.

Nhức nhối lời khai đối tượng cầm đầu đường dây mang thai hộ - 1
Từ người không đủ điều kiện mang thai hộ, Ninh Thị Hải Yến trở thành người môi giới, kiếm hoa hồng.

Sau khi khi môi giới, cấy ghép phôi thai thành công cho các thai phụ bên Trung Quốc, đến cuối tháng 11.2018, Huế được giám đốc họ Dương yêu cầu về Việt Nam tìm thuê nhà để đưa một số phụ nữ đang mang thai từ Trung Quốc về chăm sóc. Căn nhà ở tổ 2B, khu 1A, phường Hồng Hải, TP.Hạ Long là nơi được Huế chọn lựa làm nơi trú ngụ.

Tổng số tiền Huế thu được từ việc giới thiệu và chăm sóc 15 người mang thai hộ là 260 triệu đồng. Ninh Thị Hải Yến được nhận số tiền môi giới do Huế trả là 30 triệu đồng.

Từ nguồn tin báo của quần chúng nhân dân về những biểu hiện bất thường của những người sống tại căn nhà trên, Công an TP.Hạ Long đã kiểm tra, xác định có 3 người đang tạm trú gồm tại đây, trong đó có Phạm Thị Huế nên đã triệu tập về trụ sở để làm rõ.

Từ kết quả đấu tranh, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hạ Long đã khám xét khẩn cấp nơi ở và đồ vật của các đối tượng liên quan, thu giữ nhiều phiếu khám sức khỏe của các thai phụ, sổ sách ghi chép và các tài liệu liên quan khác.

Nhức nhối lời khai đối tượng cầm đầu đường dây mang thai hộ - 2
Căn nhà bề thế ở phường Hồng Hải, TP.Hạ Long được nhóm đối tượng thuê với giá 12 triệu đồng/tháng để làm nơi chăm sóc thai phụ chờ ngày sang Trung Quốc.

Trung tá Trịnh Ngọc Thanh – Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an TP.Hạ Long - Quảng Ninh, cho biết: "Thông qua đấu tranh chuyên án tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, chúng tôi thấy một số vấn đề xã hội đặt ra cần phải giải quyết. Thứ nhất, đã xuất hiện loại đối tượng sẵn sàng lợi dụng thân thể của người phụ nữ để tổ chức mang thai hộ. Hành vi này của họ đã xâm hại đến các giá trị nhân văn của các cơ quan, tổ chức được cấp phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Thứ hai, chúng tôi thấy rất đông chị em phụ nữ độ tuổi từ 20 - 30, có những người phụ nữ chưa chồng con sẵn sàng kiếm tiền bằng việc mang thai hộ. Hành vi này của họ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của chính họ, mà còn đặt ra vấn đề về đạo đức xã hội bị xuống cấp, khi mà những người phụ nữ, những người mẹ sẵn sàng trao đứa con của mình đẻ ra cho người khác vì tiền”.    

Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP.Hạ Long đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phạm Thị Huế và Ninh Thị Hải Yến về hành vi Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Ngoài những người đã sinh nở và nhận tiền trót lọt để trở về những miền quê xa xôi, vẫn còn 9 người phụ nữ trong đường dây của Huế đang trú ngụ ở Trung Quốc. Ngoài ra còn thêm bao nhiêu đường dây khác, bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam khác đã và đang có ý định mang thai hộ để kiếm tiền? Đó là câu hỏi nhức nhối đối với các cơ quan chức năng và tổ chức xã hội.

Theo Nguyễn Khánh (Dân Việt)