Pháp luật

Nhan nhản các trang Facebook mạo danh cơ quan công quyền

Ủy ban nhân dân (UBND) nhiều quận huyện và một số tổ chức chính trị - xã hội tại TP.HCM đang bị mạo danh để lập fanpage (trang) hoặc mượn danh để tạo “địa điểm” trên mạng xã hội facebook.

Ủy ban nhân dân (UBND) nhiều quận huyện và một số tổ chức chính trị - xã hội tại TP.HCM đang bị mạo danh để lập fanpage (trang) hoặc mượn danh để tạo “địa điểm” trên mạng xã hội facebook.

Tin vào “mác” UBND quận, bị lừa tiền

Để tìm kiếm thông tin của địa phương, đầu tháng 5/2017, anh Hồ Ngọc Sang (ngụ P.11, Q.Gò Vấp) lên mạng xã hội facebook, gõ từ khóa “UBND Q.Gò Vấp” thì phát hiện có rất nhiều trang, nhóm có cùng tên gọi như trên. Không biết trang, nhóm nào thực sự là của UBND quận, anh Sang truy cập lần lượt vào các trang, nhóm thì nội dung trên đó hầu hết chỉ toàn quảng cáo. Thậm chí có trang, nhóm còn đăng thông tin sai sự thật, kích động.

Nhan nhan cac trang Facebook mao danh co quan cong quyen
 

Mới đây, thấy trên trang facebook “UBND Q.Gò Vấp” có đăng tuyển nhân viên bán hàng, anh Lê Kế Vương (28 tuổi, quê ở tỉnh Gia Lai, tạm trú tại Q.Gò Vấp) đã nộp hồ sơ xin ứng tuyển vì nghĩ rằng thông tin trên trang này là uy tín. Không ngờ, sau khi nộp hồ sơ và đóng một khoản phí, anh Vương nhận được công việc khác xa với nội dung quảng cáo, khi đòi lại phí thì không ai hoàn trả.

“Tôi thấy trên trang facebook “UBND Q.Gò Vấp” nên mới yên tâm nộp hồ sơ; đến khi bị lừa, tôi mới biết đây là một trang mượn danh UBND Q.Gò Vấp để đăng quảng cáo lừa đảo” - anh Vương bức xúc.

Điều 5, Nghị định 72/2013 của Chính phủ quy định: nghiêm cấm hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực internet để nói xấu, thông tin sai sự thật.

Theo điều 64 Nghị định 174/2013, mức phạt cho hành vi giả mạo các tổ chức, cá nhân để xuyên tạc, thông tin sai sự thật là từ 20 đến 30 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Khanh - Trưởng phòng Thông tin điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM

Tương tự, hiện trên facebook có tên “UBND Q.Tân Phú”, dạng “địa điểm” - một loại trang trên facebook để người đăng bài check in (xác nhận vị trí). Trên trang này, xen lẫn nội dung và ảnh các cuộc họp của UBND Q.Tân Phú là rất nhiều thông tin quảng cáo cho vay, bán điện thoại, shop quần áo, thuốc hỗ trợ điều trị ung thư. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại trên mạng xã hội đang tồn tại rất nhiều trang, địa điểm lấy tên UBND các quận, huyện như Q.2, Q.Tân Bình, H.Hóc Môn, H.Củ Chi… nhưng hầu hết chỉ đăng quảng cáo, đăng ảnh “tự sướng” hoặc đăng những thông tin sai lệch gây bức xúc, hiểu lầm cho người dân.

Khó dẹp bỏ các trang mạo danh 

Trao đổi với báo Phụ Nữ, bà Hứa Thị Hồng Đang - Chủ tịch UBND Q.Tân Phú cho biết, hiện tại UBND Q.Tân Phú có trang facebook do phòng Tư pháp quận lập ra với mục đích tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật. Trang facebook này không có nội dung quảng cáo và được kiểm soát khá chặt chẽ.

Còn những trang facebook có nội dung quảng cáo như người dân phản ánh là mạo danh, không phải do UBND Q.Tân Phú lập ra. Bà cho biết, sẽ yêu cầu phòng Tư pháp quận kiểm tra và đề xuất hướng xử lý, ngăn chặn các trang này.

Ông Nguyễn Ngọc Anh - Chánh văn phòng UBND Q.Gò Vấp thông tin: “Hiện tại, UBND Q.Gò Vấp chỉ có một trang web (website) www.govap.hochiminhcity.gov.vn là trang tin chính thức, còn những trang, nhóm trên facebook có đăng tải nội dung quảng cáo, những thông tin xấu đều là trang mạo danh UBND quận.

Trên thực tế, các trang mạo danh trên facebook đã từng đăng tải những thông tin nhạy cảm, đánh lận thật giả để câu like (lượt thích), bình luận mang ý không tốt, tạo dư luận xấu, khiến người đọc hoang mang, nhầm lẫn thông tin, gây bức xúc cho người dân”.

Ông Ngọc Anh cũng cho biết, rất khó dẹp bỏ những trang, nhóm mạo danh hoặc mượn danh UBND quận do đây là các trang do cá nhân lập ra trên mạng xã hội. Để ngăn chặn, dẹp bỏ, phải cần đến các đơn vị có chuyên môn, thẩm quyền, cỡ cấp vụ, cục của Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Một cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83) Công an TP.HCM chia sẻ: “Trên thực tế, có rất nhiều trang facebook không chỉ mạo danh UBND quận mà còn giả mạo các tổ chức chính trị - xã hội, các lãnh đạo cấp cao… Chỉ cần đối chiếu tên gọi và nội dung đăng tải là có thể biết thật hay giả. Cư dân mạng cần có sự tỉnh táo để sàng lọc thông tin, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, kích động hoặc lừa bịp”. 

Có thể đề nghị Facebook kiểm soát việc lập địa điểm

Trên facebook, ngoài các trang fan (fanpage), còn tồn tại một dạng trang khác, đó là trang địa điểm, có hình thức khá giống fanpage (có ảnh bìa, mô tả, lượt thích, lượt đánh giá…). Trên thực tế, có nhiều đối tượng xấu lợi dụng điều này để xây dựng một trang địa điểm, với ảnh đại diện và ảnh bìa giống fanpage của cơ quan công quyền với mục đích đăng quảng cáo, thông tin xấu lên trang. 

Theo tôi, cơ quan chức năng của Việt Nam cần phải có kiến nghị với facebook siết chặt quản lý việc lập các trang “check in” ở các địa điểm là cơ quan công quyền để tránh việc các đối tượng xấu lợi dụng các trang địa điểm này, gây hiểu nhầm cho người dân. 

Thạc sĩ Trần Sơn Đông
Chuyên gia công nghệ thông tin tại TP.HCM

Nhiều trang facebook giả mạo có nội dung chống phá nhà nước 

Thông tin tại cuộc họp với đoàn cấp cao của Facebook vào cuối tháng 4/2017, đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, chỉ trong ba tháng đầu năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện 130 tài khoản giả mạo và 58 trang phản động, chống phá Nhà nước, kích động nhân dân biểu tình phản đối chính sách nhà nước. Ngoài ra, có 340 tài khoản thường xuyên đăng tải quảng cáo cho hoạt động mua bán bất hợp pháp…

Theo Sơn Vinh (Phunuonline.com.vn)