Pháp luật

Nguyên tổng giám đốc Navibank lĩnh 13 năm tù

Tòa bác tất cả lời kêu oan của cựu tổng giám đốc Navibank và đồng phạm, trong việc mang tiền sang Vietinbank gửi, gây thiệt hại 200 tỷ đồng.

Sau gần ba tuần xét xử và nghị án, chiều 19/3, TAND TP HCM tuyên phạt Lê Quang Trí (cựu Tổng giám đốc Navibank) 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Với vai trò đồng phạm, bị cáo Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn, Huỳnh Vĩnh Phát, Đoàn Đăng Luật (nguyên phó tổng giám đốc, trưởng phòng nguồn vốn, trưởng phòng kế toán, quan hệ khách hàng doanh nghiệp) lĩnh 11-12 năm tù; bốn bị cáo khác nhận 7-10 năm tù.

HĐXX buộc ngân hàng Navibank nộp lại hơn 24 tỷ đồng thu lợi bất chính (tiền lãi suất ngoài nhận của Huyền Như) sung công quỹ.

Ngoài ra, tòa kiến nghị Bộ Công an, VKSND Tối cao tiếp tục xem xét trách nhiệm của các cá nhân, nhân viên Vietinbank có dấu hiệu giúp sức Huyền Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Navibank. 

Theo HĐXX, trong năm 2010-2011 bị cáo Trí cùng hội đồng tín dụng đã phê duyệt chủ trương dùng hơn 1.500 tỷ đồng của Navibank gửi tại VietinBank chi nhánh TP HCM với lãi suất vượt trần lên đến 22,5%, tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt của Navibank 200 tỷ đồng. Trong số hơn 95 tỷ đồng lãi suất, Navibank đã nhận của Như hơn 24 tỷ lãi suất ngoài hợp đồng.

Nguyên tổng giám đốc Navibank lĩnh 13 năm tù
Cựu tổng giám đốc Navibank và đồng phạm nghe tuyên án. Ảnh: Hải Duyên. 

Các bị cáo đã bất chấp các quy định cấm của Thông tư số 2/2011 của Ngân hàng Nhà nước về việc cấp gửi lãi suất trần, Quy chế cho vay và xét duyệt cấp tín dụng đối với khách hàng theo Luật Các tổ chức tín dụng; thực hiện các hợp đồng giả cách, thông qua các nhân viên mang tiền của Navibank sang Vietinbank nhằm hưởng lãi suất cao. 

Thông qua Võ Anh Tuấn (Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè), Đoàn Đăng Luật đã thỏa thuận mức lãi suất tiền gửi sau đó về báo cho Trí biết. Hội đồng tín dụng Navibank do bị cáo Trí đứng đầu sau đó đã họp và biểu quyết 100% đồng ý chủ trương mang tiền sang Vietinbank. 

Quá trình thẩm vấn, các bị cáo đều thừa nhận hành vi sai phạm nhưng không thừa nhận tội danh. Trong khi lời khai của các nhân viên Navibank đều xác nhận không có nhu cầu vay tiền Navibank cũng không nhận bất cứ đồng lãi suất nào. Mà chỉ giúp ngân hàng mang tiền sang gửi Vietinbank với lãi suất cao. 

"Bản chất tiền mang đi gửi là tiền của Navibank chứ không phải của nhân viên ngân hàng, nên hành vi của các bị cáo đã vi phạm thông tư 02 và Luật các tổ chức tín dụng. Từ đó, đủ cơ sơ để kết luận các bị cáo phạm tội như truy tố", bản án nêu.

Trách nhiệm bồi thường hậu quả dân sự 200 tỷ đồng đã được giải quyết tại bản án phúc thẩm của TAND Tối cao trong giai đoạn một xét xử vụ án Huyền Như. Bản án đã có hiệu lực nên không thuộc phạm vi giải quyết của vụ án này.

Năm 2015, TAND Tối cao tại TP HCM xử phúc thẩm, tuyên phạt Huyền Như án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Tòa cũng tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm, điều tra xét xử lại nhằm làm rõ hành vi Tham ô tài sản của Như và vai trò của Tuấn trong việc chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của năm công ty.

Quá trình điều tra lại, VKSND Tối cao truy tố thêm 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Navibank (hiện là Ngân hàng TMCP Nam Việt). Trong thời gian thụ lý, nghiên cứu vụ án 10 bị can đều kêu oan, trong khi thời hạn điều tra đã hết, TAND TP HCM đề nghị cơ quan điều tra tách hành vi của những người này để xử lý riêng vì độc lập với vụ án Huyền Như.

Theo Hải Duyên (VnExpress.net)