Pháp luật

Nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước phủ nhận cáo trạng truy tố

Theo ông Bình, tổ giám sát có trách nhiệm gửi báo cáo cho Thống đốc NHNN nhưng thông qua cơ quan thanh tra giám sát. Các báo cáo gửi về đều qua cơ quan này thẩm định.

Chiều 25/6, phiên xử bị cáo Đặng Thanh Bình (cựu Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - NHNN) và 4 đồng phạm về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục với phần xét hỏi.

Trách nhiệm thuộc về cơ quan thanh tra giám sát?

Bị cáo Bình cho rằng cáo trạng truy tố tội danh ông không đúng. Cựu Phó thống đốc NHNN khai ông có trách nhiệm trong công tác thanh tra giám sát ngân hàng, giám sát thực hiện việc cơ cấu. 

Theo ông Bình, định kỳ, tổ giám sát có trách nhiệm gửi báo cáo cho Thống đốc NHNN nhưng thông qua Cơ quan thanh tra giám sát (TTGS) ngân hàng và gửi cho chi nhánh NHNN trên địa bàn. Các báo cáo của tổ giám sát và các chi nhánh gửi về đều qua TTGS thẩm định sau đó báo cáo cho cấp cao hơn.

Trong quá trình giám sát, cơ quan TTGS ngân hàng nhận được nhiều báo cáo định kỳ trong đó nhiều báo cáo thể hiện sai phạm của Ngân hàng Xây dựng - VNCB. Cơ quan TTGS đã có đề xuất và ông Bình đã chỉ đạo xử lý kịp thời.

Ngày 4/6/2013, tại cuộc họp liên quan đến hoạt động VNCB, ông Bình đã giao NHNN chi nhánh Long An thực hiện báo cáo toàn diện hoạt động ngân hàng VNCB. Ông cũng đã có bút phê về việc đề nghị cơ quan giám sát đánh giá gấp về tình hình VNCB, trên cơ sở chỉ đạo của cơ quan thanh tra và gửi cho NHNN chi nhánh Long An và VNCB.

Nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước phủ nhận cáo trạng truy tố
Bị cáo Bình trả lời HĐXX. Ảnh: Phạm Dũng.

Về việc tái cơ cấu VNCB, bị cáo Bình khai có biết thông tin về nhóm Thiên Thanh của Phạm Công Danh đã nhận chuyển nhượng 85% cổ phần của Ngân hàng Đại Tín. Thời điểm đó, cơ quan thanh tra lo lắng nguồn vốn không phải thực sự của cổ đông. Do đó về yêu cầu tăng vốn góp để tái cơ cấu của VNCB, ông đã quyết định cho áp dụng như đối với thành lập ngân hàng mới. 

Trên cơ sở bút phê của bị cáo Bình, cơ quan giám sát đã yêu cầu kiểm tra chặt chẽ vốn góp. Đồng thời, bị cáo đã phê là cần phải phối hợp, kiểm tra chặt chẽ nguồn vốn.

Câu chuyện xem xét, đánh giá phương án tái cơ cấu trong đó đánh giá khả năng, năng lực tài chính, cơ quan giám sát đã đánh giá đầy đủ với Nhà nước.

Sau phần trình bày của ông Bình, HĐXX yêu cầu thư ký triệu tập đại diện cơ quan TTGS ngân hàng.

VNCB 'qua mặt' tổ giám sát

Trong phần xét hỏi, bị cáo Hà Tấn Phước (nguyên Phó giám đốc NHNN chi nhánh Long An) cho rằng theo phân công của tổ trưởng từng giai đoạn thì phải giám sát sâu sát từng mảng, báo cáo tổ trưởng, chịu trách nhiệm trước tổ trưởng, chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN.

Trong quá trình tổ chức điều hành, tổ trưởng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các tổ viên sâu sát. Với tiền gửi liên ngân hàng thì tổ giám sát luôn theo dõi chặt chẽ trên số dư tài khoản hàng ngày. Hàng tháng có báo cáo Thống đốc NHNN.

Tuy nhiên, bị cáo cho rằng lãnh đạo Ngân hàng VNCB đã lợi dụng, cố tình né tránh, lập hợp đồng bảo lãnh tiền gửi giả, không có chữ ký và không được theo dõi đúng quy định của NHNN cho nên tổ giảm sát không thể nắm được. Đồng thời VNCB cố tình né tránh không trình tổ giám sát nên không phát hiện được.

Nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước phủ nhận cáo trạng truy tố - 1
Bị cáo Bình, Lê Văn Thanh, Phước, Tuân và Ngô Văn Thanh t(từ phải qua) tại phiên tòa. Ảnh: Hoài Thanh.

Bị cáo Lê Văn Thanh (nguyên Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An) thừa nhận có sai sót trong quá trình giám sát. Khi VNCB xin gửi tiền qua thị trường liên ngân hàng, tổ giám sát có kiểm tra tình hình qua mạng và xét thấy tình hình ngân hàng rất tốt, khả năng chi trả cao hơn quy định NHNN.

Tuy nhiên VNCB có tình hình hoạt động xấu do không có nguồn thu. VNCB đã không đưa thông tin này trong báo cáo nên tổ giám sát không phát hiện ra.

Ngay sau khi phát hiện, tổ giám sát đã báo cáo với cấp trên, đôn đốc ngân hàng báo cáo tiền gửi liên ngân hàng. Ông Thanh cho biết, ngân hàng báo cáo rất chậm và không đầy đủ.

Ông Bình và đồng phạm sai phạm gì?

Ông Đặng Thanh Bình được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, Vụ Pháp chế, có nhiệm vụ chính trong việc chỉ đạo tái cơ cấu những ngân hàng hoạt động yếu kém, trong đó có Ngân hàng Xây dựng.

Tháng 8/2012, ông Bình đã ký tờ trình Chính phủ phương án tái cơ cấu VNCB và được chấp nhận chủ trương. Ông ký quyết định thành lập tổ giám sát đối với những hoạt động tại VNCB do mình làm tổ trưởng.

Sau khi ông Phạm Công Danh (nhóm Thiên Thanh) nhận chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín từ nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện, VNCB được xếp vào 1 trong 6 ngân hàng hoạt động không hiệu quả. Thời điểm này VNCB chịu sự giám sát đặc biệt của NHNN, mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của tổ giám sát.

Ông Bình đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu VNCB, để ông Danh điều hành VNCB và sử dụng ngân hàng như một phương tiện để thực hiện các hành vi phạm tội.

Các ông Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân (nguyên Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh TP.HCM) và Ngô Văn Thanh (nguyên Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An) đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, để Phạm Công Danh và các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội, rút tiền của VNCB, gây thiệt hại cho ngân hàng này. 

Nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước phủ nhận cáo trạng truy tố - 2
Bị cáo Hà Tấn Phước sức khỏe không ổn định trong ngày xử đầu tiên. Ảnh: Nguyễn Diễm.

Cáo trạng xác định ông Phước có trách nhiệm đối với số tiền thiệt hại 3.454 tỷ đồng, Lê Văn Thanh có trách nhiệm với thiệt hại 6.591 tỷ đồng, Ngô Văn Thanh có trách nhiệm liên quan đến số tiền 10.046 tỷ đồng và Tuân có trách nhiệm liên quan đến số tiền 3.454 tỷ đồng.

Theo Hoài Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)