Pháp luật

Năm của xét xử đại án…

Chốn pháp đình năm 2014 nổi lên với hàng loạt đại án được đưa ra xét xử. Có thể kể đến cựu Cục trưởng Hàng hải Việt Nam - Dương Chí Dũng, nhân vật một thời “hét ra lửa” Nguyễn Đức Kiên tức “bầu” Kiên, hay siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như với màn “hô biến” hàng nghìn tỷ đồng...

Chốn pháp đình năm 2014 nổi lên với hàng loạt đại án được đưa ra xét xử. Có thể kể đến cựu Cục trưởng Hàng hải Việt Nam - Dương Chí Dũng, nhân vật một thời “hét ra lửa” Nguyễn Đức Kiên tức “bầu” Kiên, hay siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như với màn “hô biến” hàng nghìn tỷ đồng...

Bầu Kiên cùng đồng phạm

 
“Bầu Kiên” với bản án 30 năm tù
 
Sau 10 ngày xét xử, chiều 15/12, Tòa Phúc thẩm - TAND Tối cao chính thức tuyên án đối với Nguyễn Đức Kiên (còn gọi bầu Kiên, cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) cùng đồng phạm liên quan đến 4 tội danh trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép và cố ý làm trái. Theo đó, “bầu” Kiên vẫn bị tuyên phạt 30 năm tù như phiên sơ thẩm cách đây chưa lâu.
 
Trong suốt quá trình xét xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm, bị cáo với mái đầu bạc trắng luôn thu hút được cánh báo chí. Ở phiên sơ thẩm, ông Kiên thể hiện màn hùng biện hùng hồn, với ánh mắt lạnh lùng, luôn hướng trực diện về đối phương và nổi tiếng với câu nói: “Chính xác” mỗi khi thành viên HĐXX hoặc vị công tố viên giải thích luật học.
 
Còn phiên phúc thẩm, dù đã có dấu hiệu mệt mỏi, suy sụp, nhưng cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB vẫn có màn thể hiện “đẳng cấp” bằng trí nhớ siêu việt khi trích dẫn chi tiết hàng loạt văn bản pháp luật được cho là liên quan đến nội dung vụ án. Hoặc bị cáo Kiên nằng nặc đề nghị Toà cho được đọc toàn văn bản kháng án dài tới 118 trang giấy. Tuy vậy, đề nghị này đã bị một thành viên HĐXX từ chối: “Đơn đó có 118 trang, hơn nữa, các thành viên HĐXX đã đọc kỹ, nên không cần thiết. Bị cáo có thể trình bày ở phần tranh luận”. Trước tình huống này, bầu Kiên xoay chuyển tình hình rất nhanh, lập tức xin đọc đơn khiếu nại bổ sung: “Do tôi viết đơn kháng cáo ở trong trại, do vậy có thể có những sai sót, tôi xin được bổ sung lá đơn nói trên”. Và đề xuất này được HĐXX chấp thuận.
 
Trong lá đơn, ông Kiên tái khẳng định, 5 công ty của mình được thành lập theo đúng luật định. “Quyết định mua cổ phần là ý chí của tập thể, không phải cá nhân tôi” - bị cáo Kiên khẳng định. “Trong nội dung phần “Nhận thấy”, tòa sơ thẩm đã không nhận thấy như sau: Các công ty được cấp phép đúng pháp luật và tính đến nay, các công ty này vẫn hoạt động bình thường. Chưa có bất cứ quyết định nào khác từ phía cơ quan chức năng” - lá đơn có đoạn. Và bị cáo Kiên quả quyết: “Tôi tin tôi đã làm đúng tại các công ty”.
 
Cũng trong phiên phúc thẩm, HĐXX cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đối với bị cáo Kiên cùng đồng phạm. Theo đó, Tòa tuyên bố bị cáo Nguyễn Đức Kiên phạm 4 tội: Kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái.
 
Đơn cử như hành vi cố ý làm trái, HĐXX xác định, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 không cho phép ngân hàng được mang tiền huy động từ dân rồi đem gửi ở ngân hàng khác để hưởng lãi suất cao hơn. Tuy vậy, phớt lờ quy định này, HĐQT Ngân hàng ACB đã cố tình làm trái quy định của Nhà nước, dẫn đến việc Ngân hàng ACB bị mất số tiền hơn 718 tỷ đồng. Đánh giá về vai trò, vị trí của “bầu” Kiên trong vụ án, Tòa Phúc thẩm phân tích, khi triển khai chủ trương ủy thác tiền gửi, các thành viên trong HĐQT Ngân hàng ACB đã phải nghe theo định hướng của bị cáo Kiên. Vì lẽ đó, bị cáo Kiên phải chịu trách nhiệm chính về hành vi phạm tội này. Hoặc với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HĐXX cho hay, việc bị cáo Kiên làm đơn kháng cáo không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không có căn cứ. Thực tế đã chứng minh, “bầu” Kiên chỉ đạo thuộc cấp bán 20 triệu cổ phần, qua đó chiếm đoạt thành công số tiền 264 tỷ đồng của Cty Thép Hòa Phát. “Đây là hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng” - bản án phúc thẩm khẳng định.
 
Tòa Phúc thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Kiên 20 tháng tù về tội kinh doanh trái phép; 6 năm tù về tội trốn thuế, áp dụng hình phạt tiền bổ sung hơn 75 tỷ đồng; 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hình phạt bổ sung 100 triệu đồng; 18 năm tù về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt, bị cáo Kiên phải thụ án 30 năm tù. Ngoài ra, bị cáo Kiên còn bị cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến ngành ngân hàng trong 5 năm sau khi mãn hạn tù.
 
Dương Chí Dũng không thoát án tử
 
Năm 2014, một “đại án” cũng thu hút được sự quan tâm của dư luận là phiên xử Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng Hàng hải Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Vinalines) cùng đồng phạm, liên quan đến các hành vi tham ô và cố ý làm trái.
 
Tại tòa, ông Dũng công bố một thông tin “động trời”: Có một nhân vật cấp cao trong Bộ Công an khuyên ông Dũng bỏ trốn vì sắp bị khởi tố. Nhận thấy dấu hiệu phạm pháp hình sự, chủ tọa phiên sơ thẩm - thẩm phán Trương Việt Toàn đã quyết định khởi tố vụ án Làm lộ bí mật Nhà nước ngay tại tòa.
 
Quá trình xét xử, khác với vẻ hùng hồn, mạnh mẽ và khả năng hùng biện ấn tượng của “bầu Kiên”, cựu Cục trưởng Hàng hải Việt Nam luôn tỏ ra nhỏ nhẹ và luôn nở nụ cười trên môi mỗi khi gặp gỡ người thân. Cũng không có bản kháng án đến 118 trang giấy như cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, Dương Chí Dũng chỉ vẻn vẹn vài dòng, cho rằng mình bị oan, xin được sống để rửa mối oan khuất. Cũng không có “lời nói sau cùng” dài dằng dặc như bị cáo “đầu bạc” Nguyễn Đức Kiên, ông Dũng chỉ vỏn vẹn mấy câu ngắn gọn.
 

Bà Đặng Ngọc Lan (ngồi hàng sau, ảnh trái), vợ "bầu" Kiên tại phiên tòa phúc thẩm

 
Xin trích đoạn: “Những ngày vừa qua, bị cáo rất đau khổ trong trại. Thật sự xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân. Bị cáo hết sức thành thực. Bị cáo không chối cãi. Nếu nhận một điều không có, bị cáo không chịu được. Mong HĐXX xem xét, nếu chứng cứ chưa thật sự rõ ràng, xem xét giảm án cho bị cáo. Bị cáo mong muốn làm điều gì cho ngành, nhưng không thành công, nên chua xót lắm. Điều nữa, bố đẻ của bị cáo đã nhiều tuổi, hiện mang bệnh tim, có nhiều huân huy chương. Mẹ bị cáo cũng vậy. Bị cáo cả gia đình đều làm cách mạng. Bị cáo đã phấn đấu, nhưng mắc sai lầm. Bị cáo theo Phật. Kính mong HĐXX xem xét. Bị cáo sẽ vận động gia đình, dù bao nhiêu đi nữa, sẽ cố gắng khắc phục. Hãy cho bị cáo sống để rửa mối oan. Mong tha lỗi cho bị cáo đã để xảy ra những sai phạm này”.
 

Nụ hôn gió của vợ Dương Chí Dũng

 
Cuối cùng, sau nhiều ngày nghị án, chiều 7/5/2014, Tòa Phúc thẩm- TAND Tối cao quyết định y án sơ thẩm, tuyên tử hình bị cáo Dương Chí Dũng. Đánh giá vai trò của ông Dũng trong vụ án, HĐXX cho rằng, bị cáo này phải chịu trách nhiệm trực tiếp, xuyên suốt. Qua đó, Toà khẳng định bị cáo đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, với thiệt hại vô cùng lớn. “Dương Chí Dũng đã ký văn bản đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) triển khai Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam.
 
Mặc dù chưa được thông qua chủ trương, nhưng ông Dũng vẫn yêu cầu Tổng giám đốc Mai Văn Phúc xây dựng dự án” - bản án phúc thẩm có đoạn.
 
Liên quan đến hành vi tham ô, ông Dũng bị cấp sơ thẩm quy kết, bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc (cựu Tổng giám đốc Vinalines), mỗi người nhận 10 tỷ đồng tiền “lại quả” từ khoản 1,66 triệu USD trong thương vụ mua ụ nổi 83M, thông qua thuộc cấp Trần Hải Sơn.
 
“Người đàn bà nghìn tỷ”
 
Cũng trong năm 2014, dư luận rúng động với vụ án “người đàn bà nghìn tỷ” Huỳnh Thị Huyền Như (cựu quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, chi nhánh TPHCM thuộc Ngân hàng Công thương Việt Nam). Hồi tháng 1/2014, trong phiên sơ thẩm do TAND TP Hồ Chí Minh xét xử, Huyền Như bị quy kết, từ năm 2007, bị cáo vay 200 tỷ để kinh doanh bất động sản. Từ năm 2010, do làm ăn thua lỗ, Huyền Như bắt đầu nghĩ tới việc chiếm đoạt tiền của khách hàng thông qua hoạt động gửi tiền.
 
Để thực hiện ý đồ trên, Huyền Như đưa ra mức lãi suất “khủng” để mồi chài các tổ chức, cá nhân, sau đó giả hàng loạt con dấu của nhiều tổ chức, chiếm đoạt hơn 4.000 tỷ đồng. Kết thúc phiên sơ thẩm, Huyền Như bị kết án chung thân về hành vi lừa đảo và làm giả tài liệu con dấu của cơ quan, tổ chức.
 
Hiện “người đàn bà nghìn tỷ” này đang đứng trước vành móng ngựa tại phiên phúc thẩm vụ án, do TAND Tối cao tại TPHCM xét xử.
 
“Tôi thuộc lòng tất cả văn bản luật”
 
Có lẽ, ấn tượng nhất trong phiên xử phúc thẩm “bầu” Kiên chính là sự tự tin của bị cáo này trong suốt quá trình xét xử. Ông Kiên luôn khẳng định mình có thể thuộc làu tất cả văn bản luật, nhất là hệ thống pháp luật liên quan đến ngành ngân hàng. “Tôi có 27 tháng nghiền ngẫm và thuộc lòng tất cả văn bản luật. Chính vì thế, những gì tôi nói ở đây sẽ mong giúp được đại diện Viện kiểm sát, HĐXX hiểu rõ hơn bản chất vụ án” – Nguyễn Đức Kiên trình bày trước tòa.
 
>> Bước chân dang dở của bầu Kiên
>> Huyền Như vừa tham ô vừa lừa đảo?
>> Chủ thẩm mỹ viện Cát Tường kháng cáo kêu oan
 
Theo Bảo Thắng (Tiền Phong)