Pháp luật

Mua tài khoản Facebook từ hacker để lừa đảo bán hàng hiệu

Mua hàng loạt tài khoản Facebook bị hacker đánh cắp, Phan Chí Trung sử dụng những tài khoản này vào các group dành riêng cho “tín đồ hàng hiệu” để lừa đảo các quý cô, quý bà có nhu cầu mua thời trang hàng hiệu sử dụng. Sau khi người mua chuyển tiền vào tài khoản, Trung chiếm đoạt rồi cắt đứt liên lạc.

Bằng thủ đoạn này, gã trai đã dễ dàng chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng...

Gã trai chuyên lừa các quý bà mê đồ hiệu

Ngày 22-6, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị vừa phối hợp Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên tổ chức bắt, khám xét khẩn cấp, tạm giữ hình sự đối với Phan Chí Trung (23 tuổi, ở Hòa Hiệp Trung, Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) can tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” (theo Điều 290, Bộ luật Hình sự).

Mua tài khoản Facebook từ hacker để lừa đảo bán hàng hiệu
Đối tượng Phan Chí Trung tại Cơ quan điều tra.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Đội Chống tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử - Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội phát hiện tại một số group (nhóm) trên mạng xã hội Facebook chuyên trao đổi, buôn bán hàng hiệu như “Tín đồ hàng hiệu...”, “Authluxy...” xuất hiện các tài khoản Facebook cá nhân có hành vi lừa đảo bán đồ hiệu.

Qua làm việc với 7 người bị hại ở địa bàn Hà Nội, họ cho biết khoảng tháng 10-2017, khi tham gia vào các group trên, họ được 2 tài khoản Facebook mang tên “Tang Hang” và “Hoàng Hiền Thương” mời mua hàng hiệu như túi xách, giày dép, ví nữ... của các hãng nổi tiếng ở nước ngoài.

Các tài khoản này gửi cho họ hình ảnh các mặt hàng mà khách đang cần mua và thỏa thuận giá cả.

Trước khi mua, bị hại đã vào trang cá nhân kiểm tra, thấy những tài khoản Facebook này là phụ nữ còn trẻ chuyên kinh doanh hàng hiệu, có hình đại diện phù hợp với hình ảnh chủ tài khoản Facebook trong các status giới thiệu bán hàng, có lượng khách tương tác tốt nên rất tin tưởng khi tiến hành giao dịch.

Theo yêu cầu của các chủ tài khoản bán hàng, người mua đã chuyển tiền vào các tài khoản mang tên “Nguyễn Thị Lan Anh” và “Cao Thi Thanh Thuy” theo hướng dẫn.

Thế nhưng, chờ đợi mà không thấy người bán chuyển hàng đúng hẹn, liên lạc để hỏi lý do thì người mua được trả lời rằng hàng về chậm, hết hàng hoặc phía nước ngoài đang nghỉ lễ...

Khi người mua yêu cầu trả lại tiền thì đối tượng chặn Facebook và cắt cả điện thoại. Chỉ riêng 7 khách hàng ở Hà Nội đã bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền khoảng 160 triệu đồng.

Nhận định hành vi lừa đảo trên do 1 nhóm đối tượng câu kết gây ra và khả năng đã lừa chiếm đoạt tài sản của rất nhiều người với số lượng lớn, Đội Chống tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử đã tiến hành lập án đấu tranh nhằm làm rõ những kẻ lừa đảo giấu mặt sau những tài khoản Facebook nêu trên.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đầu tháng 6-2018, Đội Chống tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử đã làm rõ nhóm đối tượng trực tiếp sử dụng các tài khoản Facebook để lừa đảo bán hàng hiệu là Phan Chí Trung. Để thực hiện hành vi lừa đảo, Phan Chí Trung tìm mua rất nhiều tài khoản Facebook là phụ nữ do các đối tượng hacker rao bán.

Đây là các tài khoản có nhiều bạn bè, có độ tương tác tốt, hoạt động kinh doanh buôn bán các loại hàng hiệu trên mạng xã hội đã lâu năm, có uy tín nhưng đã bị hacker đánh cắp mật khẩu.

Sau đó Trung dùng những tài khoản này để vào các group chuyên mua bán, trao đổi hàng hiệu cũ mới các loại.

Đây là những group hoạt động uy tín nên có những điều kiện chặt chẽ đối với các thành viên tham gia bán hàng trên ứng dụng như bắt buộc phải có CMND, thông tin cá nhân đã được xác minh về địa chỉ, số tài khoản, số điện thoại...

Mua tài khoản Facebook từ hacker để lừa đảo bán hàng hiệu - 1
Trung tạo lập trang cá nhân kinh doanh hàng hiệu để tạo vỏ bọc.

Do vậy, thủ đoạn của Trung là không đăng ký làm thành viên bán hàng mà dùng các tài khoản Facebook giả danh trên vào group tìm những người đăng thông tin cần mua hàng rồi comment hoặc inbox gửi các hình ảnh sản phẩm hàng hiệu mà người mua đang cần, giới thiệu bán hàng.

Những hình ảnh này Trung copy trên các trang web hoặc từ các Facebook bán hàng hiệu khác về.

Để người mua tin tưởng là đồ hiệu thật, Trung đưa ra mức giá rất hợp lý, chỉ thấp hơn mức giá hàng thật vài triệu đồng bởi nếu báo giá rẻ quá sẽ bị người mua nghi ngờ là hàng nhái.

Sau khi thỏa thuận mua hàng, Trung yêu cầu người mua chuyển tiền vào tài khoản do Trung cung cấp. Thời gian đầu, Trung sử dụng tài khoản ngân hàng của người yêu là Nguyễn Thị Lan Anh để nhận tiền chiếm đoạt.

Sau một thời gian, để đối phó với cơ quan chức năng, Trung bảo Lan Anh đóng tài khoản, mua tài khoản ngân hàng khác do Cao Thi Thanh Thuy đứng tên.

Sau mỗi vụ lừa đảo, để rút tiền đã chiếm đoạt của bị hại, Trung sử dụng dịch vụ mobibanking, Internetbanking chuyển tiền vào tài khoản của hai anh ruột là Phan Thành Hiếu và Phan Thế Huy, sau đó dùng thẻ ATM để rút tiền tại các cây ATM trên địa bàn tỉnh Phú Yên và cắt liên lạc với người mua, đồng thời đổi tên, đổi ảnh đại diện các Facebook đã sử dụng trong quá trình lừa đảo để bị hại không nhận diện được, tiếp tục đi lừa người khác.

Với thủ đoạn trên, bước đầu Phan Chí Trung khai nhận đã sử dụng các tài khoản Facebook mang tên “Cao Thi Thanh Thuy”, “Hoang Hien Thuong”, “Hoai Tina”, “Kim Ngân”, “Kiều Oanh”, “Minh Thủy” và “Tang Hang” để thực hiện hành vi lừa đảo.

Bước đầu, Cơ quan công an ước tính số tiền mà Trung đã chiếm đoạt lên tới trên 400 triệu đồng.

Để tạo vỏ bọc về sự “giàu nhanh” của bản thân, Trung đã tạo hình ảnh trên trang Facebook cá nhân của mình là một người kinh doanh đồ hiệu, đăng rất nhiều hình ảnh hàng hiệu các loại như giày dép, túi xách... cóp nhặt từ các trang Facebook bán hàng khác để quảng cáo trên trang cá nhân.

Ngày 5-6, sau khi phối hợp bắt khẩn cấp Phan Chí Trung, Đội Chống tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử Công an TP Hà Nội đã bàn giao hồ sơ và đối tượng cho Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Yên để tiếp tục điều tra, xử lý.

Ngày 11-6, Cơ quan CSĐT Công an Phú Yên đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Phan Chí Trung về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” để tiếp tục điều tra mở rộng.

Cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo bán hàng trên mạng xã hội

Theo Trung úy Lê Huy Hải, cán bộ Đội chống tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, trong thời gian qua, với sự bùng nổ của thương mại điện tử thì việc mua sắm online của người dân ngày càng phổ biến hơn.

Ngoài mua bán trên các trang web thì kênh giao dịch mua hàng qua các shop cá nhân, hội nhóm trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo được nhiều người ưa dùng bởi người mua và bán có thể tương tác trực tiếp với nhau; người mua chỉ cần xem thông tin sản phẩm, giá cả, comment xác nhận trên Facebook hay Fanpage của người bán là giao dịch được tiến hành.

Theo thống kê gần đây, tại Việt Nam có khoảng 25 triệu người sử dụng Facebook, phần lớn là người dùng trẻ, từ lứa tuổi học sinh, sinh viên đến giới văn phòng. Đây là đối tượng có nhu cầu mua sắm cao.

Mua tài khoản Facebook từ hacker để lừa đảo bán hàng hiệu - 2
Một số trang Facebook chuyên kinh doanh đồ hiệu được Trung mua lại và sử dụng để lừa đảo trong các group.

Tuy nhiên, do là mạng xã hội nên người mua giao dịch trên niềm tin là chính.

Lợi dụng sự cả tin của phần đông khách hàng, lợi dụng cách thức giao dịch đơn giản nên đã xảy ra các hiện tượng đối tượng xấu hoạt động lừa đảo (yêu cầu gửi tiền trước, chuyển hàng sau nhưng thực chất không có hàng) hoặc dùng các thủ đoạn gian lận như đăng hình ảnh hàng thật nhưng khi gửi là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...

Phổ biến nhất là thủ đoạn đối tượng copy hình ảnh của các trang Facebook bán hàng uy tín để lập một trang Facebook giả có hình ảnh y chang để lừa đảo người mua.

Trước đó, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng đã bắt giữ 2 đối tượng Nguyễn Đức Anh và Nguyễn Thế Dũng (ở Ninh Bình) có hành vi lập trang Facebook giả của một shop bán hàng hiệu trên phố Hàng Bông (Hà Nội) để lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của người mua.

Các đối tượng đã vào trang Facebook chính thức tìm danh sách những khách hàng thân thiết và dùng nick Facebook giả để chủ động chat inbox với họ, gạ gẫm mua hàng “khuyến mãi 5-10%, số lượng có hạn”, yêu cầu người mua chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản để giữ hàng.

Ngoài ra, các đối tượng còn lọc ra danh sách những khách hàng nhiều tiền, thường xuyên đặt mua hàng của shop, sau đó sao chép hình ảnh, thông tin cá nhân trên trang Facebook của họ để lập Facebook giả, chat inbox lừa đảo hỏi vay tiền của người thân, bạn bè của chủ tài khoản Facebook thật.

Với tội danh “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số để chiếm đoạt tài sản”, Nguyễn Đức Anh đã bị tuyên phạt 5 năm tù giam, Nguyễn Thế Dũng bị phạt 3 năm tù giam.

Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Dương Viết Cường (23 tuổi, ở xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) 5 năm tù giam về hành vi lập Facebook giả để lừa đảo.

Thủ đoạn chiếm đoạt tiền của Dương Viết Cường khá tinh vi. Theo đó, khoảng tháng 9-2017, Cường tìm hiểu trên mạng xã hội thấy có một tài khoản mang tên Ngô Gia H là một người chuyên thu hồi nợ, có điều kiện kinh tế.

Cường đã copy hình ảnh của người này rồi lập ra trang Facebook giả, kết bạn với nhiều người, trong đó có chị T.T.L. ở Quảng Bình. Biết được chị L. có nhu cầu mua xe ô tô khoảng 400 triệu đồng, Cường đã chat ngỏ ý giúp đỡ tìm mua cho chị 1 chiếc ô tô cũ.

Tháng 12-2017, Cường cho chị L. số tài khoản của chị N. - một người chuyên bán hàng trên Facebook, yêu cầu chị L chuyển tiền mua ô tô vào tài khoản này.

Vì tin tưởng vào hình ảnh và những lời giới thiệu, trao đổi của Cường trên Facebook nên chị L. đã chuyển 150 triệu đồng vào tài khoản Cường cung cấp.

Sau khi chị L. thông báo đã chuyển tiền, lập tức Cường nhắn tin với chị N. nói bạn của mình gửi nhầm tiền và yêu cầu chị N. chuyển số tiền đó vào tài khoản ngân hàng của chị T., cũng là một người kinh doanh bán hàng trên Facebook.

Khi chị N. chuyển 150 triệu đồng cho chị T., Cường tiếp tục liên lạc với chị T. nói mua hàng mỹ phẩm của chị bán với giá 1,5 triệu đồng nhưng chuyển nhầm 150 triệu đồng nên đề nghị chị rút tiền để trả lại cho Cường.

Sau khi lấy được tiền, Cường đã chi tiêu sử dụng cá nhân.

Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao khuyến cáo, khi tham gia giao dịch trên mạng xã hội như Facebook, để phòng tránh bị lừa đảo, trước khi mua hàng, người mua nên kiểm tra kỹ thông tin về người bán hàng như xem thông tin Fanpage hay trang Facebook đó lập lâu chưa?

Thông tin có ghi rõ địa chỉ, số nhà, tên đường không? Nếu có số điện thoại bàn thì gọi xem có liên lạc được không?

Không đặt hàng, comment đặt hàng đối với những trang thiếu thông tin cụ thể, không có comment phản hồi từ người mua hàng.

Không nên chỉ trao đổi một chiều với người bán hàng thông qua hình thức chat Facetime để trực tiếp nhìn hình ảnh người bán hàng và món hàng mình định mua (nhất là đối với những mặt hàng có giá trị thì hình thức xem trực tiếp là cần thiết để biết người bán có hàng thật hay không và đánh giá hàng qua hình ảnh dù chỉ là tương đối).

Có thể gọi điện thoại trực tiếp cho người bán hàng hoặc kiểm tra thông tin về người bán qua những người đã mua hàng.

Nếu mua hàng trong các group, nên liên hệ, kiểm tra qua người quản trị nhóm hoặc hỏi thông tin từ những người mua trong nhóm. Không nên chỉ dựa vào số lượt like trên trang bởi có thể tạo like ảo.

Khi nhận hàng cần có hóa đơn, chứng từ đầy đủ, trên hóa đơn phải ghi rõ thông tin sản phẩm, thông tin người bán kèm theo giấy bảo hành sản phẩm.

Theo Duy Trần (An Ninh Thế Giới)