Pháp luật

Mang phận tử tù 43 năm và hành trình tìm lời minh oan

Ngay khi ra tù, ông Thêm bắt đầu đi gõ cửa cơ quan chức năng để được minh oan. Từ đó đến nay ngót nửa đời người, ông cụ 81 tuổi vẫn chưa được công nhận trắng án.

Ngay khi ra tù, ông Thêm bắt đầu đi gõ cửa cơ quan chức năng để được minh oan. Từ đó đến nay ngót nửa đời người, ông cụ 81 tuổi vẫn chưa được công nhận trắng án.

Nước mắt con gái người mang thân phận tử tù hơn 40 năm: "Lúc nào người ta cũng nguyền rủa bố giết người. Vì nghĩ ngợi về bố nhiều nên cô sinh ra bệnh tim", con gái người mang bản án oan hơn 40 năm rớt nước mắt khi tâm sự với Zing.vn.

Nhận 2 án tử hình sau đêm định mệnh

Theo hồ sơ tố tụng, đêm 23/6/1970, ông Thêm và em họ Nguyễn Khắc Văn đi buôn nông sản về muộn nên họ vào lều cắt tóc gần cầu Diện, xã Đông Tĩnh (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú) để ngủ. Rạng sáng hôm sau, ông Thêm dậy hút thuốc thì bị kẻ lạ mặt chém vào đầu.

Sau đó, tên cướp lao đến đập vào trán ông Văn rồi tẩu thoát. Nhờ người dân gần đó, anh em họ được đưa lên bệnh viện huyện Tam Dương cấp cứu. Trên đường đi, người em không qua khỏi.

Các cơ quan tố tụng ở Vĩnh Phú cho rằng ông Thêm là hung thủ giết người. Năm 1972, ông bị tòa sơ thẩm tuyên tử hình tội Giết người, Cướp tài sản. Một năm sau, tòa phúc thẩm tuyên y án.

Đầu năm 1976, ông Thêm được thả khi hung thủ thực sự là Phan Thanh Nhàn (59 tuổi, ở huyện Tam Dương, Vĩnh Phú) lộ diện. Ngày bước ra từ cánh cổng trại giam Phủ Đức (Phú Thọ), ông chỉ được cấp 1 giấy chứng nhận thương tật để miễn lao động.

Mang phan tu tu 43 nam va hanh trinh tim loi minh oan hinh anh 1
Vết thương trên đỉnh đầu ông Thêm do chiếc búa gây ra. Ảnh: Hoàng Lam.

Cụ ông 81 tuổi kể với Zing.vn, sau khi ra tù do sức khỏe yếu nên ông ở nhà để vợ con chăm sóc. Giữa năm đó, ông nhờ người viết đơn kêu oan rồi một mình vượt quãng đường dài lên trụ sở Bộ Công an gửi giấy nhưng bất thành.

Hơn tháng sau, người từng mang án tử hình tiếp tục nhờ hàng xóm viết lá đơn thứ 2 ra Hà Nội kêu oan. Tuy nhiên, ông lại ngậm ngùi cầm đơn trở về. Cùng năm đó, ông được chính quyền địa phương cho làm bảo vệ. Vượt qua lời đàm tiếu của dân làng và thân nhân ông Văn, cụ Thêm cùng gia đình sống khép mình, mong một ngày được cơ quan chức năng minh oan.

Không còn nhớ chính xác nhưng ông bảo, khoảng năm 1978 - 1979, ông lên trại giam Phủ Đức - nơi mình từng thụ án hơn 5 năm 6 tháng theo lệnh tòa tuyên để tìm hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, cán bộ trại thời đó bảo hồ sơ đã thất lạc.

Thêm một lần nữa, ông cụ tay trắng trở về địa phương khi vẫn mang thân phận tử tù.

40 năm đi tìm lời minh oan

Tiếp tục kể hành trình giải oan, ông cho biết, năm 1996, sức khỏe không được như trước nên ông để người cháu tên Trần Văn Năm (67 tuổi) tiếp tục thay mình.

Ông Năm cho biết, năm 2003, thấy chú buồn bã do vẫn bị người làng gièm pha, xa lánh và gọi là "kẻ giết em", ông quyết định tiếp nối bước chân của cụ Thêm.

Một năm sau, chú cháu họ lên TP Việt Trì (Phú Thọ) tìm nữ thẩm phán từng tuyên án tử hình bị cáo Trần Văn Thêm ở  phiên sơ thẩm. May mắn họ được vị thẩm phán (đã về hưu) xác nhận vụ việc. Trở lại trại giam, họ tiếp tục bị từ chối do không tìm được dấu tích hồ sơ.

Ông Năm chia sẻ, hành trình giải oan cho cụ Thêm rơi vào bế tắc. “Việc xảy ra đã lâu, người liên quan vụ án cũng đã về hưu hoặc qua đời gây nhiều khó khăn”, ông tâm sự và cho biết thêm, bước chân của họ có lúc mệt mỏi nhưng luôn được tình máu mủ thôi thúc.

Năm 2006, họ lên gặp ông Cù Văn Tiện (nguyên Phó trưởng ban chỉ huy cảnh sát hình sự, Sở Công an tỉnh Vĩnh Phú) - người được phân công thụ lý vụ án ông Trần Văn Thêm từ năm 1974.

Mang phan tu tu 43 nam va hanh trinh tim loi minh oan hinh anh 2
Ông Nguyễn Văn Năm. Ảnh: Hoàng Lam.

Có được xác nhận của nguyên Phó phòng CSHS lúc đó, ông Năm mang ra Hà Nội gửi đơn đến TAND tối cao. Tuy nhiên, do không đủ tài liệu chứng minh nên tòa phúc thẩm TAND tối cao từ chối giải quyết.

"Nghĩ con đường tìm công lý cho cụ Thêm đi vào ngõ cụt, chúng tôi được ông Trần Văn Hòa (62 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội), một người bạn của gia đình, nghe chuyện đã đồng ý giúp sức. Nhờ ông Hòa mà chúng tôi trích lục được 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm của chú tôi tại Công an tỉnh Bắc Ninh", ông Năm vui vẻ cho biết.

Sau khi có đủ tài liệu vụ án, ông Hòa được cụ Thêm ủy quyền đã gửi đơn đến TAND tối cao và được cơ quan này tiếp nhận.

Ông Bùi Ngọc Hòa, Phó chánh án TAND tối cao cho biết, sau quá trình nỗ lực tìm kiếm, các cơ sở chứng cứ pháp lý của sự việc đã có. Kết luận chính thức sự việc sẽ được TAND tối cao đưa ra trong tuần này.

Năm 1974, ông Tiện là Phó phòng CSHS tỉnh Vĩnh Phú điều tra vụ án Trần Văn Thêm. Cảnh sát khai quật hộp sọ nạn nhân Văn đưa về Viện khoa học hình sự giám định. “Kết quả cho thấy không đủ chứng cứ kết tội ông Thêm do vụ án có nhiều điểm mâu thuẫn”, ông Tiện cho biết.

Cùng thời gian đó, tại trại giam Phố Lu (tỉnh Lào Cai), phạm nhân Phan Thanh Nhàn đang tập trung cải tạo khai là thủ phạm gây ra vụ giết người ở Cầu Diện (ông Văn là nạn nhân). Sau này, từ kết quả thực nghiệm hiện trường và lời khai của Nhàn, cảnh sát thu chiếc búa hung khí. Nhàn khai đã dùng vật này đánh chết ông Văn, chém ông Thêm bị thương.

Theo ông Hoàng Xuân Diệu, nguyên Đội trưởng điều tra Công an huyện Tam Dương, năm 1974, Nhàn trốn khỏi trại giam. 10 năm sau, anh ta bị bắn chết tại thị trấn Hợp Hòa (cùng huyện) khi đang cướp tài sản. Vụ án giết người cướp của tại Cầu Diện năm 1970 do đó chưa được đưa ra xét xử.

Theo Hoàng Lam - Vân Thanh (Zing.vn)