Pháp luật

Lý do đưa phó chánh án vào trại giam xét xử không thuyết phục

Giám thị Trại giam Đắk Trung cho biết đến nay đơn vị chưa nhận được bất kỳ công văn hay giấy tờ nào của TAND tỉnh Đắk Lắk đề nghị trích xuất ông Nông Văn Thụt ra tòa làm chứng.

Giám thị Trại giam Đắk Trung cho biết đến nay đơn vị chưa nhận được bất kỳ công văn hay giấy tờ nào của TAND tỉnh Đắk Lắk đề nghị trích xuất ông Nông Văn Thụt ra tòa làm chứng.

Thư ký tòa đã gửi giấy mời cho người nhà ông Thụt đến tham gia tố tụng vào sáng 3/10, tại hội trường Trại giam Đắk Trung (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar).

Trước đó, sáng 19/9, TAND tỉnh Đắk Lắk đã hoãn phiên tòa nói trên chỉ vì lý do không trích xuất được người tố cáo liên quan.

Trao đổi với Zing.vn, đại tá Đặng Duy Văn, Giám thị Trại giam Đắk Trung, cho biết đến nay đơn vị vẫn chưa nhận được bất kỳ công văn hay giấy tờ nào của TAND tỉnh Đắk Lắk đề nghị trích xuất ông Nông Văn Thụt ra tòa để làm chứng.

“Theo thông tư giữa các ngành, việc trích xuất người đang thi hành án tại trại giam thì TAND phải có văn bản yêu cầu gửi đến trại. Sau đó trại xin ý kiến và được sự đồng ý của Tổng cục Thi hành án dân sự và Hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an thì mới trích xuất”, đại tá Văn nói. 

Ly do dua pho chanh an vao trai giam xet xu khong thuyet phuc hinh anh 1
Bà Trương Thị Hoa tại tòa sáng 19/9. Ảnh: Minh Quý.

Ông Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh Tòa hình sự TAND TP.HCM, cho biết khi còn là thẩm phán, ông không hề gặp khó khăn về việc trích xuất người liên quan đang thi hành án tù, hoặc bị cáo đang thi hành án cho một bản án khác.

Theo ông Long, việc trích xuất phạm nhân đã có quy định của Bộ Công an. Do đó, khi tòa có văn bản thì trại giam sẽ xin ý kiến của cấp trên rồi trích xuất phạm nhân.  

“Trong trường hợp không thể trích xuất phạm nhân để dẫn giải ra tòa, nếu lời khai của họ đã có đầy đủ trong hồ sơ thì tòa vẫn tiến hành xét xử bình thường. Còn tại phiên tòa, luật sư, kiểm sát viên, thẩm phán... cần phải làm rõ một số vấn đề mà trong hồ sơ chưa thể hiện được, thì lúc này tòa sẽ làm công văn, ghi rõ nội dung những câu hỏi và chuyển cho VKS”, ông Long nói.

Theo ông Long, thông thường tòa chỉ xét xử lưu động trong trại giam đối với những tội như dùng nhục hình hay liên quan tới đại bàng đánh bạn tù.

“Việc TAND tỉnh Đắk Lắk đưa vụ án thẩm phán nhận hối lộ vào trại để xét xử không sai. Nhưng đây là vụ án xét xử lưu động nên cơ quan chức năng cần đảm bảo tính khách quan. Do đó, HĐXX nên tạo điều kiện cho báo chí, người dân được phép tham gia, tác nghiệp tại phiên tòa”, ông Long nói.

Chung quan điểm với ông Long, luật sư Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó chánh tòa hình sự - TAND TP.HCM, cho biết việc trích xuất phạm nhân đang thụ án để tham gia một vụ án khác hoàn toàn dễ dàng.

“TAND Đắk Lắk lấy lý do không trích xuất được phạm nhân là không đúng. Do đó, dư luận có nhiều thông tin trái chiều là đương nhiên; vì đây là vụ án xét xử lưu động lại đưa vào trại giam. Như vậy có đảm bảo tính khách quan?”, luật sư Thủy đặt câu hỏi.

Theo cáo trạng, cuối năm 2016, ông Nông Văn Thụt (48 tuổi, ngụ huyện Ea Kar) bị đưa ra xét xử về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Biết nguyên Phó chánh án TAND huyện Ea Kar Trương Thị Hoa thụ lý vụ án, ông Thụt đến phòng làm việc của bà Hoa để nhận cáo trạng và đặt vấn đề xin giảm nhẹ hình phạt.

Sau đó, bà Hoa đã nhiều lần đòi ông Thụt đưa cho số tiền 80 triệu đồng để xét xử cho ông này được hưởng án treo.

Ngày 5/12/2016, ông Thụt cùng vợ mang 80 triệu đồng sang nhà đưa cho bà Hoa. Quá trình này, ông Thụt đã quay clip rồi đến trình báo với cơ quan chức năng.

Ngày 6/12/2012, bà Hoa bị bắt để điều tra về hành vi Nhận hối lộ. Tại cơ quan điều tra, bà Hoa đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và giao nộp lại số tiền đã nhận của ông Thụt.

Liên quan đến vụ việc, mới đây TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa phúc thẩm, tuyên phạt bị cáo Nông Văn Thụt 1 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Theo Tây Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)