Pháp luật >> Ông Đinh La Thăng và hàng loạt 'sếp lớn' PVN bị khởi tố

Luật sư làm gì trong giai đoạn điều tra vụ án ông Đinh La Thăng?

Nhiều người thường thấy hoạt động của luật sư (LS) khi họ tham gia tranh tụng tại phiên tòa, nhưng ít ai biết về hoạt động của họ khi tham gia ngay từ giai đoạn điều tra vụ án như trường hợp LS Phan Trung Hoài bào chữa cho ông Đinh La Thăng.

Như PV thông tin, LS Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP.HCM, hiện là Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) được Cơ quan điều tra cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ông Đinh La Thăng. Vậy ở giai đoạn điều tra vụ án, LS sẽ thực hiện những công việc gì để bảo vệ cho thân chủ?

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Hưng, nguyên Kiểm sát viên Cao cấp (Viện KSND Tối cao, hiện ông đang hành nghề LS thuộc Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành quy định, người bào chữa có thể là LS; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân. Người bào chữa được tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.

Luật sư làm gì trong giai đoạn điều tra vụ án ông Đinh La Thăng?
Ông Đinh La Thăng (Ảnh VNN).

Vẫn theo ông Hưng, người bào chữa có quyền: Có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu điều tra viên đồng ý, được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; Xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa; Được đề nghị cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can; Thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; Gặp người bị tạm giữ; gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam…

“Khi kết thúc giai đoạn điều tra, người bào chữa được đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa”, ông Hưng cho biết.

Ông Hưng cho biết thêm, ngoài ra luật cũng quy định nghĩa vụ của người bào chữa khi tham gia tố tụng trong vụ án như: Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo; Không được từ chối bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà mình đã đảm nhận bào chữa nếu không có lý do chính đáng; Tôn trọng sự thật và pháp luật, không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật…

Liên quan đến vụ án của ông Đinh La Thăng, ngay sau khi bị cơ quan điều tra khởi tố và bắt tạm giam (ngày 6.12), gia đình ông Đinh La Thăng đã có giấy mời LS bào chữa cho ông. Ngày 12.12, đơn yêu cầu LS cho ông Đinh La Thăng được chuyển tới tay người được mời bào chữa là LS Phan Trung Hoài. Sau khi làm các thủ tục, LS Phan Trung Hoài đã được cơ quan điều tra cấp giấy chứng nhận là người bào chữa cho ông Đinh La Thăng.

Ngày 8.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành ra Nghị quyết tạm đình chỉ Đại biểu Quốc hội với ông Đinh La Thăng. Sau đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại PVN.

Theo Ngọc Lương (Dân Việt)