Pháp luật

Luật sư kiến nghị vụ tử tù Hồ Duy Hải

Ngoài đưa ra những lập luận, phân tích, luật sư Tạo kiến nghị Chủ tịch nước thu hồi lại quyết định bác đơn xin ân xá của tử tù Hồ Duy Hải để Tòa án và VKS xem xét lại vụ án.

Ngoài đưa ra những lập luận, phân tích, luật sư Tạo kiến nghị Chủ tịch nước thu hồi lại quyết định bác đơn xin ân xá của tử tù Hồ Duy Hải để Tòa án và VKS xem xét lại vụ án.


Vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hình sự
 
Trong đơn kiến nghị, LS Tạo đánh giá: "Tôi viết đơn kiến nghị này sau khi nghe Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cũng như lãnh đạo khác của tòa án giải trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 10/4) rằng bản án tử hình của Hồ Duy Hải phải được thi hành sau khi được xem xét lại. Chánh án Trương Hòa Bình nói, theo quy định của pháp luật bản án tử hình đã có hiệu lực pháp luật, không có kháng nghị của TAND Tối cao và VKSND Tối cao. Hơn nữa, Chủ tịch nước cũng đã bác đơn xin ân xá thì phải thi hành án".

Luật sư Trần Văn Tạo.

"Dựa vào phát biểu này có thể hiểu, bản án tử hình của Hồ Duy Hải hoàn toàn không còn điều kiện để xem xét lại. Điều này không đúng với quy định pháp luật hình sự vì bản án được xác lập theo một trình tự vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật tố tụng, những vi phạm này ảnh hưởng trực tiếp đến việc buộc tội" - LS Tạo bày tỏ.

LS Tạo đã chỉ ra những sai sót của vụ án: Tại biên bản khám nghiệm hiện trường có ghi và mô tả rõ đặc điểm của các đồ vật như tấm thớt, cái ghế có dính màu… có liên quan trực tiếp đến vụ án nhưng cơ quan điều tra đã không thu giữ ngay tại thời điểm khám nghiệm. Như vậy là đã bỏ qua các chứng cứ trực tiếp có thể xác định tội phạm, làm ảnh hưởng lớn đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án, vi phạm khoản 3 Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Mặc dù cơ quan điều tra đã không thu giữ các đồ vật tại hiện trường như ghế, thớt nhưng cơ quan điều tra vẫn dùng hai đồ vật kể trên coi như hung khí để thực hiện hành vi phạm tội của Hải bằng cách thu giữ một cái ghế khác tại Bưu điện Cầu voi (2 tháng sau khi khám nghiệm hiện trường), không liên quan gì đến vụ án. Tấm thớt cũng là một tấm thớt khác không giống tấm thớt đã được mô tả trong biên bản khám nghiệm hiện trường. Về dấu vân tay, cơ quan điều tra đã kết luận khác hoàn toàn với kết luận của cơ quan giám định (không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải).

Còn máu thì cơ quan điều tra đã để quá lâu nên bị phân hủy không giám định được là máu của người nào. Việc thu thập và xác định các đồ vật là chứng cứ của vụ án đã vi phạm nghiêm trọng Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự bởi mỗi chứng cứ phải được đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án.

Không áp dụng đúng luật sao chứng minh được án?

Ngoài việc đưa ra những lập luận, phân tích trên, LS Tạo cũng kiến nghị Chủ tịch nước thu hồi lại quyết định bác đơn xin ân xá của tử tù Hồ Duy Hải để Tòa án và VKS xem xét lại vụ án khách quan thận trọng hơn.

Phóng viên đặt câu hỏi: Nếu như vụ án Hồ Duy Hải có sai sót trong việc thu thập chứng cứ, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án?

LS Tạo khẳng định: Tố tụng trong vụ án Hồ Duy Hải là sai nghiêm trọng nên không thể nói cơ quan tố tụng đã chứng minh đúng bản chất vụ án được. Vấn đề luật hình thức (Bộ luật Tố tụng hình sự) và luật nội dung (Bộ luật Hình sự) có liên quan chặt chẽ với nhau. "Luật hình thức mà không được tôn trọng, không được thực hiện nghiêm túc thì làm sao đảm bảo được tính khách quan của nội dung vụ án" - LS Tạo nhấn mạnh.

Một chi tiết đáng chú ý trong vụ án này là Hồ Duy Hải từng có lời khai nhận tội, tuy nhiên LS Tạo phân tích: "Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án thấy lời khai của Hồ Duy Hải đầy mâu thuẫn, mâu thuẫn từ chỗ gây án, thời gian, có lúc lại kêu oan. Với lời khai mâu thuẫn như vậy làm sao dùng làm chứng cứ buộc tội được, mặc dù Hồ Duy Hải từng có lời khai nhận tội" - LS Tạo nói.

Trước đó, cuối năm 2014, LS Tạo cũng có đơn gửi Chủ tịch nước xin hoãn thi hành án tử hình với Hồ Duy Hải để xem xét lại vụ án. Bản án của Hồ Duy Hải dự kiến được thi hành vào ngày 5/12/2014, nhưng đã được tạm hoãn để các cơ quan chức năng xem xét lại.

Theo cáo trạng, 19h ngày 13/1/2008, Hồ Duy Hải đi môtô đến Bưu điện Cầu Voi để nói chuyện với chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (nhân viên bưu điện). Đến 20h30, Hải đưa tiền cho chị Nguyễn Thị Thu Vân (nhân viên bưu điện) đi mua trái cây.

Sau khi Vân đi, Hải nảy sinh ý định quan hệ sinh lý với chị Hồng nhưng không được nên bóp cổ, lấy thớt đập vào mặt và đầu chị Hồng. Chưa dừng lại, Hải lấy dao cắt cổ chị Hồng. Tiếp đó, Hải thấy chị Vân đi mua trái cây về liền dùng ghế inox đánh vào đầu làm chị Vân ngã xuống nền gạch.

Chưa yên tâm, Hải kéo chị Vân đặt cạnh chị Hồng rồi lấy dao cắt cổ chị. Cuối cùng Hải mở tủ lấy 1.400.000 đồng cùng sim card, điện thoại rồi và nữ trang hai bị hại, về nhà ngủ.

Cả hai bản án sơ thẩm (TAND tỉnh Long An) và phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đều tuyên án tử hình với Hồ Duy Hải về hai tội giết người và cướp tài sản.

>> Kiến nghị xem xét thận trọng vụ án Hồ Duy Hải

Theo Ngọc Lương (Dân Việt)