Pháp luật

Luật sư: Có bằng chứng 'đầu độc, giết người' ở vụ án Hoàng Công Lương

Toà án Hoà Bình tạm dừng phiên xét xử chiều 19/1 để nhận chứng cứ bí mật do luật sư Phạm Quang Hưng cung cấp.

Chiều 19/1, luật sư Phạm Quang Hưng (bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn - giám đốc công ty Thiên Sơn) bất ngờ cho hay đang có chứng cứ cho thấy đây là "vụ án đầu độc giết người" và đề nghị HĐXX tạm ngừng phiên toà để cung cấp.

Chủ toạ Nghiêm Hoài Anh đề nghị trình bày bằng chứng và cung cấp ngay tại phiên xử, song ông Hưng nói đây là tài liệu bí mật nên mong được chuyển tới Giám đốc Công an tỉnh, Viện trưởng VKSND tỉnh và Chánh án TAND tỉnh.

"Các chứng cứ thu thập khi nào?", HĐXX hỏi. Ông Hưng đáp không thể nói công khai. Chủ toạ tiếp tục giải thích, nếu bằng chứng không có thật thì đây có thể là hành vi cản trở xét xử và có thể bị xử lý. Luật sư Hưng đồng ý và đề nghị "được cung cấp bí mật".

Sau chừng 30 phút hội ý, HĐXX đề nghị ông Hưng giao nộp ngay tại toà, cho hay chứng cứ này sẽ được HĐXX xem xét, giao cho kiểm sát viên điều tra theo thẩm quyền.

Toà tuyên bố nghỉ phiên làm việc, mời mọi người ra khỏi phòng xét xử để luật sư Hưng cung cấp chứng cứ cho HĐXX. Nhiều cảnh sát lúc này "tạo hàng rào bảo vệ" trước cửa phòng.

Hoàng Công Lương phản bác công văn của Sở Y tế

Sáng 19/1, Hoàng Công Lương khom người ngồi nép mình giữa ba cảnh sát ở hàng ghế cuối dành cho bị cáo. Sau bốn tiếng ngồi nghe, 12h bị gọi lên bục khai báo, chắp tay phía trước, Lương nói: "Bị cáo rất mệt nhưng vẫn có mặt để theo dõi phiên xử. Bị cáo xin tiếp tục giữ quyền im lặng".

HĐXX sau đó viện dẫn công văn trả lời của Sở Y tế cho rằng trong ba bác sĩ ở đơn nguyên thận nhân tạo chỉ Lương được cấp chứng chỉ hành nghề. Lương lập tức lên tiếng, phản bác rằng bác sĩ Huyền cũng có chứng chỉ hành nghề nên hoàn toàn có quyền ra y lệnh độc lập.

Luật sư: Có bằng chứng 'đầu độc, giết người' ở vụ án Hoàng Công Lương
Bị cáo Hoàng Công Lương tại toà sáng nay. Ảnh: Phạm Dự.

Chủ toạ tiếp tục trích dẫn trả lời của Sở Y tế rằng, bác sĩ nào không có chứng chỉ hành nghề thì phải có chữ ký kèm xác nhận của bác sĩ có chứng chỉ hành nghề ở bệnh án. Lương đồng ý điều này.

Về sự cố ngày 29/5/2017, Lương kể khoảng 7h30, sau khi thăm khám, anh và hai bác sĩ còn lại đã hội ý để ra y lệnh. Khoảng 15 phút sau, các bệnh nhân ổn định, anh thông báo cho mọi người và lên đơn nguyên hồi sức tích cực để thăm khám và nhận lịch trực.

Theo Lương, ngoài công việc ở đơn nguyên thận nhân tạo anh còn phải trực theo lịch chung của khoa ở đơn nguyên hồi sức tích cực, theo phân công của lãnh đạo khoa. Ở đơn nguyên thận nhân tạo, Lương không được giao nhiệm vụ phụ trách, anh chỉ làm nhiệm vụ luân phiên cùng các bác sĩ khác.

Ngược lại, ông Khiếu cho rằng sau khi Lương đi học chuyên khoa I về, khoa hồi sức tích cực phân công bác sĩ này phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo.

Ông Khiếu khẳng định đã giao nhiệm vụ cho Lương phụ trách chuyên môn ở đơn nguyên thận từ cuối 2015 đầu năm 2016. Vì giao nhiệm vụ trong cuộc họp giao ban nên không có văn bản. Còn về quản lý giờ giấc, chấm công, khoa giao cho điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng.

Chủ tọa: Buông lỏng quản lý ở đơn nguyên chạy thận nhân tạo

Trong ngày 19/1, TAND thành phố Hoà Bình tiếp tục xét hỏi các nguyên lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Hoà Bình để làm rõ trách nhiệm quản lý. Vấn đề này đã được HĐXX, đại diện VKS và các luật sư xét hỏi nhiều lần ở 5 ngày trước song vẫn chưa được làm rõ. Gần 50 câu hỏi có từ "trách nhiệm" được HĐXX đưa ra trong hơn 3 giờ thẩm vấn.

Theo bác sĩ Hoàng Công Tình (nguyên phó khoa hồi sức tích cực), trong quy chế bệnh viện không quy định chức trách, nhiệm vụ của phó khoa. Quyết định bổ nhiệm phó khoa cũng chỉ ghi ông làm việc dưới sự phân công của trưởng khoa.

Ông Tình phụ trách chuyên môn ở đơn nguyên hồi sức tích cực. Sau khi bác sĩ Tiến chuyển công tác, đơn nguyên thận nhân tạo có ba bác sĩ Lương, Linh, Huyền và các điều dưỡng đảm nhiệm công tác khám chữa bệnh. Ông Tình không biết trong số này ai là người được phân công phụ trách chung.

Nhận định có sự buông lỏng quản lý ở đơn nguyên thận nhân tạo, chủ tọa hỏi: "Vậy lãnh đạo khoa và bản thân ông có đề xuất bổ sung thêm người quản lý chưa?". Ông Tình nói, về chuyên môn, các bác sĩ và điều dưỡng đã đảm bảo được yêu cầu. Ông vừa phải đi học và làm, cùng với công việc ở đơn nguyên hồi sức tích cực rất nặng nề nên không bao quát được công việc ở đơn nguyên thận nhân tạo. Dù vậy, ông Tình khẳng định "đã làm hết trách nhiệm", sự cố 9 bệnh nhân tử vong ngày 29/5/2017 là điều đáng buồn song không liên quan đến bác sĩ, điều dưỡng của đơn nguyên thận.

Luật sư: Có bằng chứng 'đầu độc, giết người' ở vụ án Hoàng Công Lương - 1
Nguyên phó khoa hồi sức tích cực Hoàng Công Tình đến toà sáng nay. Ảnh: Phạm Dự.

"Ông và lãnh đạo khoa có thấy trách nhiệm hay nhận thấy một phần trách nhiệm trong vụ án này không?", chủ toạ cao giọng hỏi dồn dập. Ông Tình đáp: "Tôi đã làm đúng và hết khả năng của mình". Ông Tình cho rằng đã làm hết sức và không có sai sót. Trách nhiệm thuộc về bộ phận cung cấp máy và phòng vật tư.

Chủ toạ đặt bốn câu hỏi liên tiếp về trách nhiệm và cho rằng cả phó khoa Tình và trưởng khoa Hoàng Đình Khiếu đều "không làm tròn trách nhiệm".

Trả lời về trách nhiệm của bác sĩ Hoàng Công Lương, ông Tình cho hay, sáng 29/5/2017, Lương được phân công trực buồng bệnh ở đơn nguyên thận nhân tạo. Ba bác sĩ ở đơn nguyên này sau đó tự thoả thuận và phân công trực ở ba buồng khác nhau. Sau khi ra y lệnh chạy thận, các điều dưỡng phụ trách theo dõi tình hình bệnh nhân ở buồng bệnh còn bác sĩ thì nghiên cứu hồ sơ bệnh án.

"Khi xảy ra sự cố ai có quyền xử lý và bố trí nhân sự?", chủ toạ truy vấn. Ông Tình cho hay, ba bác sĩ ở đơn nguyên đều được quyền quyết định xử lý sự cố và quyết định dừng hay tiếp tục chạy thận. Điều dưỡng viên không có quyền dừng chạy thận song được phép xử lý sốc phản vệ tại chỗ khi bác sĩ chưa có mặt.

Khi ông Tình nói không biết và không được ký giao nhận hệ thống lọc nước RO, HĐXX hỏi "tại sao trong hồ sơ lại có phần ông ký nhận bàn giao hệ thống RO số 2?". Ông Tình trả lời không nhớ vì thời gian đã quá lâu, chỉ biết có hệ thống RO chứ không biết cụ thể có mấy hệ thống cho đến khi xảy ra sự cố chạy thận.

"Vậy lãnh đạo khoa giao hệ thống RO cho ai quản lý?", chủ toạ hỏi. Ông Tình nói "không nắm được".

Nguyên phó giám đốc bệnh viện Hoàng Đình Khiếu cho hay, bác sĩ Tình được giao phụ trách chuyên môn chung ở đơn nguyên hồi sức tích cực. Còn trách nhiệm quản lý ở đơn nguyên thận nhân tạo do trưởng, phó khoa cùng phụ trách. Khi trưởng khoa đi vắng, phó qua sẽ chịu trách nhiệm quản lý thay.

Nguyên giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương thì khẳng định chỉ có trách nhiệm quản lý chung của người đứng đầu. Với từng lớp trách nhiệm chuyên môn cụ thể, ông đã phân công đầy đủ cho cấp dưới và không nhận được báo cáo hay phản hồi bất thường nào.

Ban giám đốc cũng đã dựa vào quy chế bệnh viện để ban hành quy chế nội bộ trong bệnh viện. Về nguyên tắc tổ chức, ban giám đốc quản lý đến phó khoa và điều dưỡng trưởng. Về công tác chuyên môn, giao trưởng khoa quyết định, chỉ có khi có vấn đề vượt quá khả năng thì mới phải báo cáo lãnh đạo bệnh viện.

Thứ hai, 21/1, phiên toà tiếp tục làm việc.

Theo cáo trạng, sáng 29/5/2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì có dấu hiệu bất thường. 9 người tử vong. Nguyên nhân do nguồn nước chạy thận không đảm bảo. Vụ án sau đó được đưa ra xét xử ba lần trong vòng 6 tháng song đều bị hoãn.

Hoàng Công Lương (bác sĩ), Bùi Mạnh Quốc sau đó bị xét xử về tội Vô ý làm chết người theo khoản 2 điều 98 Bộ luật hình sự 1999 với khung hình phạt từ ba đến 10 năm tù.

Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện), Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc bệnh viện), Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư), Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư) cùng Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 điều 285 Bộ luật hình sự 1999 với khung hình phạt từ ba đến 12 năm tù.

Theo Phạm Dự (VnExpress.net)