Pháp luật

Lời cuối của Phạm Công Danh và số phận sân vận động Chi Lăng

Ông Phạm Công Danh từng nhiều lần đề nghị xin lại sân vận động Chi Lăng để hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài nhằm lấy tiền khai thác khắc phục hậu quả.

Ngày 6/8, TAND TP HCM kết thúc phiên xử đại án "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" do ông Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB), ông Trầm Bê (59 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Sacombank) và 44 đồng phạm thực hiện.

Một trong những vấn đề đáng quan tâm đến trong vụ án này là việc ông Danh mong muốn xin lại sân vận động Chi Lăng (TP Đà Nẵng) để hợp tác kinh doanh với các nhà đầu tư nước ngoài nhằm khắc phục hậu quả trong vụ án.

Xin lại sân Chi Lăng để khai thác khắc phục án

Trong phần nói lời sau cùng vào ngày 30/7, ông Phạm Công Danh xem xét nguyên nhân và bối cảnh để làm rõ bản chất vụ án. Đồng thời, ông Danh mong HĐXX làm rõ toàn bộ dòng tiền sai phạm và thu hồi toàn bộ số tiền này để đảm bảo khắc phục hậu quả cho vụ án.

"Toàn bộ số tiền sai phạm này tôi không dùng vào mục đích cá nhân, nếu có thì rất ít. Trong đó, có một khoản tiền mà HĐXX chưa xem xét, đó là tiền tôi dùng chăm sóc khách hàng, không dưới 6.000 tỷ đồng trong 3 năm. Nếu không có khoản tiền này thì CB Bank (VNCB cũ) không tồn tại đến ngày hôm nay", bị cáo Danh trình bày.

Đồng thời, một lần nữa, bị cáo Danh đề nghị HĐXX cho phép bị cáo cùng gia đình được làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài để hợp tác, khai thác sân vận động Chi Lăng, thông qua đó số tiền thu được sẽ dùng khắc phục hậu quả tối đa cho vụ án.

Trước đó, trong phần xét hỏi ngày 25/7, ông Danh từng xin toà không kê biên thi hành án đối với sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) ở giai đoạn một, mà tách tài sản này ra để ông tự giải quyết bằng quan hệ dân sự.

Ông cũng xin được tạo điều kiện, cơ chế được làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài bởi họ rất mong muốn hợp tác, cùng khai thác sân vận động Chi Lăng. "Thông qua việc hợp tác khai thác này, số tiền có được bị cáo khẳng định sẽ khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án", ông Danh trình bày.

Lời cuối của Phạm Công Danh và số phận sân vận động Chi Lăng
Trầm Bê và Phạm Công Danh tại phiên xử.

Trước đó khi xét xử giai đoạn 1 của vụ đại án, ông Danh cũng đã có đề xuất tương tự. Khi đó luật sư của nguyên Chủ tịch VNCB cũng nhận định tài sản này đã bị định giá thấp hơn giá thị trường và cho rằng cách định giá của một công ty thuộc Bộ Tài chính là đúng (công ty này định giá các lô đất khoảng 10.000 tỷ, khi tính cả tài sản hình thành trong tương lai).

Trong khi đó, bị cáo Trầm Bê (59 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín - Sacombank) chỉ mong HĐXX xem xét hành vi sai trái của bị cáo không phải vì cố ý, không tư lợi để có mức hình phạt nhẹ nhất, sớm hòa nhập với xã hội.

Sân Chi Lăng bị xẻ nát như thế nào?

Ngày 29/10/2010, Tập đoàn Thiên Thanh (do ông Phạm Công Danh đại diện) bỏ 1.393 tỷ đồng để sở hữu lô đất 55.061 m2 trên nền sân vận động Chi Lăng. Như vậy , giá đất chỉ tương đương 25,3 triệu đồng/m2, thấp gấp hơn 3 so với giá trị thị trường khu vực xung quanh (80 triệu đồng/m2).

Điều đáng nói ở đây là khu đất này để xây dự án thương mại dịch vụ nhưng lại được bán theo giá đất ở và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời hạn lâu dài.

Đầu năm 2011, Tập đoàn Thiên Thanh có kiến nghị chính quyền TP Đà Nẵng xin tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của sân Chi Lăng để chia cho các công ty thành viên nhằm thuận lợi trong việc huy động vốn thực hiện dự án.

Chỉ 10 ngày sau, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - ông Trần Văn Minh đã ký quyết định phê duyệt phân chia ranh giới 14 lô đất chuyển quyền sử dụng cho 10 công ty thành viên tập đoàn Thiên Thanh. Sau đó, UBND TP Đà Nẵng giao Sở TN-MT căn cứ ranh giới chuyển quyền sử dụng đất được duyệt, lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty thành viên.

Lời cuối của Phạm Công Danh và số phận sân vận động Chi Lăng - 1
Sân vận động Chi Lăng bị xẻ thành 14 lô đất, nâng khống rồi cầm cố ngân hàng.

Nhanh chóng nhận được sổ đỏ của các lô đất sân Chi Lăng, ông Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới thế chấp toàn bộ vào OceanBank để vay 1.253 tỷ đồng. Để có tiền trả nợ, đầu tháng 3/2011, ông Phạm Công Danh bán 5 lô đất cho 2 công ty con của PVN với tổng số tiền lên tới 1.306 tỷ đồng.

Chỉ sau 1 tháng được cấp sổ, giá đất sân vận động Chi Lăng đã nâng lên tới 56,7 triệu đồng/m2. Như vậy, giá đất này gấp 2,24 giá đất Đà Nẵng giao cho tập đoàn Thiên Thanh.

Từ cuối năm 2012 tới đầu năm 2014, ông Phạm Công Danh cùng cấp dưới đã thông qua 10 pháp nhân thuộc tập đoàn Thiên Thanh và 2 công ty khác lập 14 bộ hồ sơ vay vốn khống, định giá khống 13 lô đất tại sân Chi Lăng để vay 4.000 tỷ đồng từ VNCB.

Trong đó, 7 lô đã cầm cố vay tiền ở BIDV vẫn chưa giải chấp, các lô còn lại được thế chấp vay tiền ở Agribank chi nhánh Láng Hạ. Điều đáng nói là đất thế chấp tại VNCB được ông Danh chỉ đạo nâng khống gần 7.500 tỷ đồng, gấp 4 lần mức định giá vay tiền tại BIDV (khoảng 2.400 tỷ đồng).

Hành động nâng khống giá trị rồi mang 13/14 lô đất sân Chi Lăng đi cầm cố vay tiền ở Ngân hàng Xây dựng, sau đó mất khả năng thanh toán của ông Phạm Công Danh cùng cấp dưới khiến Ngân hàng Xây dựng thiệt hại khoảng 1.600 tỷ đồng.

Đà Nẵng quyết tâm đòi lại sân Chi Lăng

Hồi tháng 7, tại kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố khóa IX, đề cập đến câu chuyện SVĐ Chi Lăng, ông Huỳnh Đức Thơ, (chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng) cho biết sân vận động Chi Lăng đang trong thời gian thi hành án, thi hành 14 dự án của sân vận động Chi Lăng thành 14 mảnh vỡ.

Thành phố sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Tòa án và các cơ quan liên quan để xin thương lượng lấy lại sân vận động này để phục vụ nhu cầu văn hóa thể thao, kinh tế - xã hội của thành phố.

Gây thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng cho VNCB

Theo cáo buộc, lợi dụng quá trình tái cơ cấu VNCB, ông Phạm Công Danh đã chỉ đạo đồng phạm rút trái phép tiền của ngân hàng này để bảo lãnh cho 29 lượt pháp nhân (là các công ty "sân sau" của ông Danh) để làm hồ sơ vay khống ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.100 tỷ đồng.

Do các công ty của ông Danh không thể trả nợ, 3 nhà băng đã thu hồi tiền cho vay từ tiền gửi của VNCB. Nhưng việc này đã khiến VNCB thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng.

Trong đó, ông Trầm Bê cùng cấp dưới Phan Huy Khang (Tổng giám đốc Sacombank) được xác định là đã giúp sức cho ông Danh rút trái phép hơn 1.800 tỷ đồng của VNCB. Phía BIDV giúp sức ông Danh gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỷ đồng, số còn lại từ TPBank.

Trong giai đoạn một của vụ án, ông Danh bị tuyên phạt mức án 30 năm tù về các tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Ông Danh và đồng phạm bị buộc phải trả lại số tiền thiệt hại 9.000 tỷ đồng.

Theo Quốc Chiến (Soha/Trí Thức Trẻ)