Pháp luật

Kinh dị nạn bảo kê

Những năm đầu của thập niên 1990, băng nhóm khét tiếng do Khánh “trắng” cầm đầu đã trở thành nỗi kinh hoàng của nhiều bà con tiểu thương ở Hà Nội. Hoạt động tội phạm của Khánh “trắng” bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó có bảo kê các khu chợ. Tất nhiên, sau đó Khánh và đồng bọn đã phải đền tội.

Những tưởng rằng những câu chuyện như vậy đã chỉ còn là nỗi ám ảnh ở thì quá khứ, nhưng không, mới đây, qua phóng sự của một số báo đài, người ta thấy những kẻ như Khánh “trắng” đang lờ mờ xuất hiện.

Ở khu chợ Long Biên (Hà Nội), có những kẻ tự cho mình cái quyền thu tiền bến bãi. Tiểu thương nào không chịu nộp, lập tức chúng cho đám tay chân hành hạ, o ép trong việc kinh doanh. Và cũng như thời Khánh “trắng” trước kia, vì muốn yên ổn làm ăn mà phần lớn người dân đã cam chịu. Một vài người, tức nước vỡ bờ, không chịu nổi đã làm đơn khiếu nại, tố cáo lên Ban Quản lý chợ, nhưng việc tố cáo cũng chẳng đi đến đâu, cho đến khi báo chí vào cuộc.

Kinh dị nạn bảo kê

Điều đáng nói là các hoạt động bảo kê ngày càng biến tướng, xảy ra ở rất nhiều lĩnh vực, thuộc đủ mọi hạng người. Kinh dị nhất thời gian gần đây là nạn “bảo kê gặt lúa”. Bà con một nắng hai sương, vất vả lam lũ ngoài đồng, vậy mà khi thuê máy gặt, lại phải trả thêm tiền cho lũ bảo kê. Tất nhiên, tiền này không trả trực tiếp, mà nó được tính vào giá công gặt. Lẽ ra công gặt chỉ 130.000đồng/sào, nhưng vì chủ máy phải chi tiền cho bảo kê, nên giá đã bị đẩy lên đến 180.000đồng/sào.

Nhiều đơn thư tố cáo đã được người dân gửi tới cơ quan chức năng địa phương, nhưng câu trả lời chung nhất là “không đủ chứng cứ” để kết tội lũ bảo kê. Dân tố, nhưng lại là người gián tiếp liên quan đến sự việc. Còn chủ máy gặt, vì muốn yên ổn làm ăn nên không mấy người dám tố cáo. Những ai dám tố cáo hoặc không chi tiền bảo kê đã bị đánh, bị đập máy, khiến họ sợ. Vậy là nạn “bảo kê gặt lúa” cứ thế diễn ra và được “nhân rộng” ở nhiều nơi.

Người dân bức xúc đặt câu hỏi, chẳng lẽ chính quyền địa phương không biết? Biết sao vẫn để dân khổ sở đến thế?

Bảo kê chợ, bảo kê gặt lúa, bảo kê cảng cá, bảo kê “xe vua”, bảo kê khách sạn…, không biết còn bao nhiêu loại bảo kê nữa chưa thể liệt kê hết. Trong khí đó, chúng ta có một lực lượng mạnh, rải xuống tận các thôn bản, với đầy đủ các thiết chế trong tay để trấn áp tội phạm, nhưng ở nhiều nơi, tội phạm vẫn lộng hành. Những vụ bảo kê bị truy tố, xét xử còn quá thấp so với thực tế. Đành rằng, tội phạm, trong đó có tội phạm bảo kê ngày càng hoạt động tinh vi, rất biết cách xóa dấu vết hoặc tận dụng các kẽ hở của pháp luật để kiếm tiền phi pháp, nhưng chúng cũng không phải là thần thánh để “tàng hình”, để xóa đi mọi dấu vết tội lỗi (bằng chứng là nhiều người dân, nhà báo, những cán bộ có lương tâm vẫn tìm được các tư liệu đưa chúng ra ánh sáng). Chúng để lại dấu vết tức là có thể phanh phui, bàn tay tội ác của chúng có thể bị chặn lại.

Một vấn đề cần bàn đến, đó là vai trò của chính quyền, cơ quan chức năng địa phương. Thực tế cho thấy, ở đâu chính quyền gần dân, quan tâm, lắng nghe dân, thì ở đó, tình hình an ninh trật tự ổn định, các loại tội phạm cũng khó có đất lộng hành. Ngược lại, ở đâu chính quyền lơ là, một số cá nhân chỉ biết thu vén cho bản thân, ở đó người dân khổ sở. Vì vậy, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền, ban ngành cơ sở. Nơi nào để xảy ra tội phạm, nhất là loại tội phạm bảo kê, người có trách nhiệm nơi đó cần bị xử lý. Bộ máy được sinh ra là vì dân, để phục vụ nhân dân. Dân kêu không ai xử lý hoặc xử lý không đến nơi đến chốn, bộ máy đó cần phải xem lại, thậm chí thay thế!

Theo Nguyễn Hoài (Giadinh.net.vn)