Pháp luật

"Kiếm ngon" 3 tỷ bằng chiêu lừa tinh vi trên mạng

Theo cơ quan điều tra, số tiền Đạt chiếm đoạt là rất lớn, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cả nước, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM

Theo cơ quan điều tra, số tiền Đạt chiếm đoạt là rất lớn, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cả nước, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.

Đạt tại cơ quan công an.

 
Theo điều tra ban đầu, đánh hơi được nhu cầu của một số người cần có bằng tốt nghiệp đại học giả, chứng chỉ và các giấy tờ giả khác để sử dụng, đầu năm 2014, thông qua mạng internet, Đạt nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người này.

Để thực hiện, Đạt lập nhiều tài khoản trên trang mạng xã hội Facebook, lập trang fanpage “Làm bằng đại học”, tham gia các nhóm khác nhau trên mạng xã hội Facebook, các diễn đàn trên mạng internet và đăng thông tin về việc, mình có thể làm các loại bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ, trung cấp và các loại giấy tờ khác nhau với giá từ 1 - 30 triệu đồng.

Đồng thời, Đạt lấy tên giả, dùng các hộp thư điện tử như lambangcacloai@gmail..., để người có nhu cầu làm giả bằng, chứng chỉ liên hệ. Anh ta cũng để lại số điện thoại trên Facebook để người có nhu cầu tiện liên hệ.

Đạt tìm mua CMND mang tên Bùi Công Minh, Đàm Duy Hiển, Vũ Duy Quang, Lê Đức Toàn tại các khách sạn, do khách bỏ quên với giá 100.000 đồng/1 chiếc.

Sau đó, anh ta thay ảnh của mình vào CMND để mở tài khoản tại các ngân hàng Sacombank, Agribank, Vietcombank để nhận và rút tiền lừa đảo được.

Để tạo lòng tin, Đạt yêu cầu khách hàng phải gửi thông tin cá nhân như họ tên, ảnh, scan CMND… và gửi qua hộp thư anh ta cung cấp.

Sau đó, kẻ lừa đảo yêu cầu khách chuyển trước số tiền 30% đặt cọc. Khoảng 3 ngày sau, anh ta liên hệ với khách thông báo đã làm xong bằng, chứng chỉ và yêu cầu chuyển nốt số tiền còn lại.

Khi nhận được tiền, Đạt tắt điện thoại và "biến mất". Rút tiền tại các cột ATM, anh ta bịt mặt, đội mũ để tránh bị phát hiện qua camera giám sát ngân hàng.

Cơ quan chức năng làm rõ, Đạt thực hiện nhiều vụ lừa đảo như trên, chiếm đoạt được 3 tỷ đồng.

Một trong số các nạn nhân của Đạt là chị H. Ngày 28/1, chị H. có nhu cầu xin việc cho em nên đã lên mạng tìm người làm giả bằng tốt nghiệp tại chức ĐH Luật.

Chị H. tìm được thông tin do Đạt đăng trên mạng internet, đã liên hệ, thỏa thuận làm bằng giả với giá 19 triệu đồng.

Đạt yêu cầu chị H. chuyển trước 6 triệu đồng. Ngày 29/1, chị H. chuyển tiền cho Đạt và gửi thông tin cá nhân. Sáng 2/2, Đạt tiếp tục điện thoại cho chị H. nói đã làm xong và đòi chuyển nốt 13 triệu đồng...

Vụ việc đang được tiếp tục làm rõ.
 
Theo T.Nhung (VietNamNet)