Pháp luật

Không giám định tâm thần với Hoàng Công Lương

Sức khỏe của bị cáo Hoàng Công Lương là tâm điểm chú ý trong ngày đầu xét xử, một số luật sư còn đề nghị giám định tâm thần bị cáo này.

Ngày 14-1, sau một tuần tạm hoãn, TAND TP Hòa Bình (Hòa Bình) mở lại phiên sơ thẩm xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Tại tòa, Hoàng Công Lương cùng sáu bị cáo khác đều có mặt theo giấy triệu tập. Một số nhân chứng, người liên quan, đại diện gia đình nạn nhân… vắng mặt.

Đề nghị giám định tâm thần

Ngay tại phần thủ tục phiên tòa, vấn đề sức khỏe của bị cáo Lương được nhiều luật sư (LS) đề cập. Theo thông tin từ phía gia đình, bị cáo này đã phải nằm bệnh viện và điều trị tại nhà nhiều ngày qua với chứng bệnh trầm cảm.

LS Phạm Quang Hưng (bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn, cựu giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn) đề nghị hoãn xử, trưng cầu giám định tâm thần với bị cáo Lương để đảm bảo khách quan.

Vì bản thân bị cáo không thể tự đánh giá là có đảm bảo sức khỏe hay không sẽ ảnh hưởng tới lời khai của bị cáo và tới quyền của các bị cáo khác.

Nhiều LS khác cũng có cùng quan điểm trên. Lý do là lời khai ông Lương tại phiên tòa rất quan trọng, nếu đang xét xử mà bị cáo phải nhập viện điều trị thì sẽ như thế nào.

HĐXX cần xem xét tình trạng sức khỏe của bị cáo để đảm bảo có lời khai của một người bình thường chứ không phải của người có dấu hiệu tâm thần.

Tự trình bày, Hoàng Công Lương cho biết hiện đang uống thuốc theo đơn của BV Bạch Mai, tuy hơi mệt nhưng không muốn ảnh hưởng tới những người liên quan, đặc biệt là gia đình những người bị hại nên sẽ cố gắng có mặt đầy đủ.

Nếu phiên tòa kéo dài nhiều ngày và sức khỏe không được tốt thì xin vắng mặt nếu không ảnh hưởng tới phiên tòa. Khi HĐXX hỏi sức khỏe đảm bảo hay không, ông Lương nói: “Tại tòa hôm nay, bị cáo sẽ cố gắng hết sức”.

LS Nguyễn Văn Chiến (một trong những người bào chữa cho ông Lương) lại đề nghị hoãn xử để triệu tập đầy đủ đại diện Bộ Y tế, nhân chứng, người bị hại, chuyên gia, giám định viên…

Sau ít phút hội ý, HĐXX quyết định tiếp tục xét xử. Theo tòa, bị cáo Lương đã hai lần thăm khám tại BV Bạch Mai nhưng không phải nhập viện, chỉ kê đơn thuốc về nhà uống.

Bản thân Lương tại tòa cũng khẳng định có thể tham dự và trả lời các câu hỏi của HĐXX, do đó không cần trưng cầu giám định tâm thần. Hơn thế, lời khai của bị cáo không phải là chứng cứ duy nhất, việc kết án còn dựa vào chứng cứ và lời khai của các bị cáo khác,…

Đối với các yêu cầu triệu tập thêm người tham gia tố tụng, vì phiên xử diễn ra trong nhiều ngày nên HĐXX sẽ xem xét nếu thấy cần thiết.

Cựu giám đốc BV lần đầu trả lời thẩm vấn

Điểm mới của phiên tòa lần này là có tới bốn bị cáo bị truy tố thêm so với trước đây, trong đó có ông Trương Quý Dương (cựu giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình ). Ông Dương cũng là người đầu tiên được HĐXX xét hỏi.

Theo cáo trạng, ông Dương buông lỏng trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; thiếu kiểm tra thường xuyên đối với cấp dưới…

Trả lời HĐXX, ông Dương nói bản thân không vi phạm như cáo trạng truy tố. Bị cáo cho rằng bản thân và lãnh đạo BV thường xuyên yêu cầu cấp dưới báo cáo công việc. Ngoài hình thức văn bản, mỗi ngày BV đều có một cuộc giao ban bắt buộc.

Công tác kiểm tra cũng làm thường xuyên, liên tục, bị cáo trực tiếp xuống các khoa, phòng để hỏi thăm, nắm bắt tình hình…

Về cơ sở vật chất trước khi thành lập đơn nguyên, bị cáo khẳng định cơ bản là đủ điều kiện. Về con người, BV đã có các bác sĩ, điều dưỡng viên được đào tạo về lọc máu; sự hỗ trợ của kỹ sư trong và ngoài BV về trang thiết bị; các điều dưỡng được đào tạo kỹ năng của kỹ thuật viên…

HĐXX nhắc đến nội dung muốn thành lập đơn nguyên thì phải có kỹ sư, kỹ thuật viên. Ông Dương phản đối và khẳng định “không hiểu như vậy”.

Bởi theo quy chế khoa lọc máu, chức danh của BV không có kỹ thuật viên lọc máu mà đây là nhiệm vụ của kỹ thuật viên. Như vậy, nếu một nhân viên nào được đào tạo về nhiệm vụ này cũng có thể đáp ứng.

Còn với kỹ sư là về trang thiết bị, nhiệm vụ này đã được giải quyết bằng việc dùng cán bộ phòng vật tư, nếu vượt chuyên môn thì thuê khoán, thực tế đã có nhiều kỹ sư của các hãng được BV thuê.

Phiên tòa tiếp tục vào hôm nay.

Phòng báo chí bị lắp thiết bị phá sóng

Trái ngược với phiên sơ thẩm hồi tháng 5-2018, tại phiên tòa hôm qua, PV các cơ quan báo chí gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tác nghiệp, đưa tin xét xử. Bên trong phòng báo chí, TAND TP Hòa Bình lắp đặt hai máy phá sóng khiến việc tác nghiệp thông qua mạng Internet của báo chí bị gián đoạn toàn bộ.

Các PV liên tục phải chạy ra khu vực bên ngoài trụ sở tòa án để gửi thông tin về tòa soạn. Khi thắc mắc vấn đề này, một cán bộ tại TAND TP Hòa Bình cho biết việc phá sóng là để đảm bảo công tác an ninh trật tự cho mọi người bên trong phòng báo chí (!?).

Cạnh đó, nếu như phiên tòa hồi tháng 5-2018, báo chí được đi lên tầng hai của trụ sở tòa án để chụp ảnh các bị cáo thì lần này điều kiện trên bị cấm triệt để. PV chỉ được tác nghiệp duy nhất thông qua màn hình tivi trong phòng báo chí.

Theo Tuyến Phan (Pháp Luật TP.HCM)