Pháp luật

Khởi tố thêm 4 người làm việc cho công ty 'tín dụng đen' ở Thanh Hóa

Liên quan chuyên án triệt xóa các tổ chức tín dụng đen trên địa bàn, Công an TP Thanh Hóa đã khởi tố, bắt tạm giam 4 người làm việc cho Công ty tài chính Đại Tín.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hiếu, Phó trưởng Công an TP Thanh Hóa, cho biết ngày 11/1, cơ quan này đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam 4 người làm việc tại Công ty TNHH dịch vụ tài chính Đại Tín có hành vi Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Nhóm này gồm Phạm Văn Hùng (30 tuổi, quản lý chi nhánh số 10, tại xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc); Nguyễn Văn Cương (26 tuổi, nhân viên chi nhánh số 02, tại TP Sầm Sơn); Trịnh Thị Châm Anh (25 tuổi, kế toán chi nhánh số 02); Lê Văn Thọ (34 tuổi, quản lý chi nhánh số 04 tại xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc).

Cơ quan CSĐT Công an TP cũng thông báo công khai, kêu gọi người dân đã và đang vay tiền của các công ty tài chính phối hợp để điều tra, làm rõ vụ án.

Khởi tố thêm 4 người làm việc cho công ty 'tín dụng đen' ở Thanh Hóa
Trịnh Thị Châm Anh và Phạm Văn Hùng. Ảnh: Quỳnh An.

Trước đó, từ ngày 22/12/2018, Công an TP Thanh Hóa huy động 300 cán bộ, chiến sĩ khám xét 32 điểm kinh doanh dịch vụ tài chính của 5 công ty có hoạt động tín dụng đen, lãi suất vay 182%/năm.Kết quả điều tra ban đầu cho thấy các công ty này đều có hoạt động cho vay nặng lãi.

Cơ quan CSĐT Công an TP đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 5 người liên quan đến hoạt động tín dụng đen và tàng trữ ma túy.

Thủ đoạn hoạt động của các tổ chức này thường là các giao dịch diễn ra kín đáo, bí mật. Trong đó, các tổ chức cho vay dùng nhiều thủ đoạn ép buộc, thỏa thuận với người vay viết giấy không ghi lãi suất hoặc tìm cách thu lại các giấy tờ liên quan, chuyển hóa hoạt động cho vay nợ bằng hình thức mua bán, thế chấp tài sản có công chứng hợp pháp.

Khởi tố thêm 4 người làm việc cho công ty 'tín dụng đen' ở Thanh Hóa - 1
Lê Văn Thọ và Nguyễn Văn Cương. Ảnh: Quỳnh An.

Các tổ chức này còn yêu cầu người vay viết giấy nhận tiền để lo công việc nhằm chuyển hướng sang giao dịch dân sự.

Khi nhận thấy người vay mất khả năng chi trả số tiền vay, tiền lãi thì các đối tượng sử dụng nhiều biện pháp tiêu cực để đòi nợ, như đe dọa, ném chất bẩn, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật....

Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, đã có gần 7.000 người dân vay tiền của các công ty trên với tổng số tiền hơn 74 tỷ đồng, lãi suất vay tương đương 182%/năm.

Theo Quỳnh An (Tri Thức Trực Tuyến)