Pháp luật

Khởi tố giám đốc Cty Việt - Séc vụ chìm tàu biển Cần Giờ: Viện Kiểm sát hoàn trả hồ sơ cho tòa

Một tháng sau khi Tòa án Nhân dân TPHCM có quyết định “Trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung”, ngày 26.5 Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM đã có công văn hoàn trả hồ sơ cho tòa.

Một tháng sau khi Tòa án Nhân dân TPHCM có quyết định “Trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung”, ngày 26.5 Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM đã có công văn hoàn trả hồ sơ cho tòa.
CV 637/CV-P1A do Phó Viện trưởng Đoàn Tạ Cửu Long ký thay Viện trưởng, Viện KSND TPHCM đã khẳng định: “Giữ nguyên quan điểm truy tố tại bản Cáo trạng số 474/CT-VKS-P1A ngày 17.10.2014 và hoàn hồ sơ vụ án để TAND TPHCM nghiên cứu, đưa vụ án ra xét xử theo thẩm quyền”.
 
Lý do hoàn trả mà không tiến hành điều tra bổ sung theo yêu của tòa được Viện KSND TPHCM lý giải như sau: “Các bị can Vũ Văn Đào và Định Văn Quyết là những người có chức vụ, quyền hạn, thẩm quyền tổ chức, chỉ đạo, điều động 03 tàu (trong đó có tàu BP 12-04-02) không bảo đảm các điều kiện về an toàn (chưa được Cục Đăng kiểm VN cho phép đăng kiểm; chở quá số lượng người cho phép; người điều khiển canô không chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy loại II tốc độ cao; canô rời nơi không được cho tàu thuyền neo đậu (phía Vũng Tàu) và vào, rời bến không được công bố cho việc đón, trả khách (phía Tiền Giang); canô không làm thủ tục vào, rời bến theo quy định…) gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm chết 09 người do tàu BP 12-04-02 bị lật…; hành vi này của Vũ Văn Đảo và Định Văn Quyết cấu thành tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” quy định tại Điều 214 Bộ luật Hình sự”.
 
Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ luật, luật sư Đinh Văn Quế - nguyên Chánh tòa hình sự TAND Tối cao. Tiến sĩ luật, luật sư Đinh Văn Quế cho biết: “Vụ tai nạn chìm canô ở vùng biển huyện Cần Giờ, TPHCM làm chết làm 9 người đến nay đã gần 2 năm, nhưng tòa án vẫn chưa thể đưa xét xử. Vì sao? Ai cũng biết, muốn xác định đây là vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” thì việc đầu tiên phải kết luận tàu BP 12-04-02 bị tai nạn làm 9 người chết là do lỗi kĩ thuật hoặc do chất lượng con tàu không bảo đảm an toàn. Đây là dấu hiệu bắt buộc theo quy định tại Điều 214 Bộ luật Hình sự”.
 

Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện của Đăng kiểm Quân chủng hải quân cấp cho tàu BP 12-04-02.

 
Theo ông Đinh Văn Quế, Cục Đăng kiểm VN, Bộ GTVT đã xác định: “Chở quá số lượng người cho phép là một trong các nguyên nhân làm chìm tàu BP 12-04-02; ngoài ra còn các nguyên nhân khác như: Phương tiện hành trình ra vùng không được phép hoạt động, việc điều khiển phương tiện không phù hợp”.
 
Còn theo báo cáo của Cục Hàng hải VN, Bộ GTVT thì nguyên nhân gây ra vụ tai nạn là do: “Sử dụng canô sai mục đích; chở số người gấp 2,5 lần cho phép; hành trình trong vùng có cấp sóng vượt quá giới hạn cho phép; người điều khiển canô đã điều khiển canô chưa phù hợp với tình huống thực tế, không có chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy loại II tốc độ cao; canô rời nơi không được cho tàu thuyền neo đậu ra vào, rời cầu bến không được công bố cho việc đón, trả khách; không làm thủ tục vào, rời bến theo quy định”.
 
Như vậy, cả Cục Đăng kiểm VN và Cục Hàng hải VN đều không nêu nguyên nhân tàu BP 12-04-02 bị tai nạn là do “chất lượng kém hay do lỗi kĩ thuật”, nhưng không hiểu sao Viện KSND TPHCM vẫn căn cứ vào ý kiến của hai cơ quan này để truy tố ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”(?!)
 
Tiến sĩ luật, luật sư Đinh Văn Quế cho biết: “Các chuyên gia pháp luật và các nhà chuyên môn đã chỉ ra rằng, Cơ quan CSĐT và Viện KSND TPHCM đã có sự nhầm lẫn giữa phương tiện với điều kiện hoạt động của phương tiện. Dù phương tiện có tốt theo đúng thiết kế mà chở quá người chạy trên dòng nước lũ thì khó có thể an toàn. Việc chở số người gấp 2,5 lần cho phép; hành trình trong vùng có cấp sóng vượt quá giới hạn cho phép chỉ là điều kiện hoạt động của phương tiện chứ không phải do phương tiện không bảo đảm an toàn”.
 
Chúng tôi đặt câu hỏi: “Tàu BP 12-04-02 thuộc quyền sở hữu của quân đội, quản lý của Bộ đội biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu, đã được Đăng kiểm Hải quân cấp phép hoạt động, vậy hai ông giám đốc doanh nghiệp tại sao lại trở thành người có “chức vụ, quyền hạn” để điều động tàu của quân đội?”. Luật sư Đinh Văn Quế cho biết: “Ở đây, viện có ý là hai ông giám đốc này có chức vụ, quyền hạn trong điều động nhân viên Cty. Tuy nhiên, để điều động được tàu BP 12-04-02 của Biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu thì “chức vụ, quyền hạn” của ông Đảo, ông Quyết chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi dự đoán TAND TPHCM sẽ tiếp tục trả lại hồ sơ và lần này sẽ phải làm rõ cả thẩm quyền tố tụng thuộc dân sự hay của quân đội”.
 
>> Gia hạn điều tra vụ chìm tàu tại Cần Giờ làm 9 người chết
>> Công bố hàng loạt sai phạm vụ đắm canô tại Cần Giờ
 
Theo Đỗ Văn (Lao Động)