Pháp luật

Khởi tố 2 hacker trộm tiền bằng phần mềm gián điệp

Xâm nhập hàng trăm máy tính bằng phần mềm gián điệp, hacker 9X đã lấy cắp thông tin, chiếm đoạt 90 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của một nạn nhân ở Hà Nội để mua bitcoin.

Xâm nhập hàng trăm máy tính bằng phần mềm gián điệp, hacker 9X đã lấy cắp thông tin, chiếm đoạt 90 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của một nạn nhân ở Hà Nội để mua bitcoin.

Theo cảnh sát, hai bị can trên nằm trong vụ án phán tán phần mềm gián điệp để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng do Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50 - Công an TP Hà Nội) khám phá. Căn cứ kết quả điều tra ban đầu, PC50 bàn giao vụ việc cho Công an quận Hà Đông thực hiện các thủ tục tố tụng theo thẩm quyền.

Khoi to 2 hacker trom tien bang phan mem gian diep hinh anh 1
Nguyễn Quang Tuấn và Nguyễn Tuấn Anh. Ảnh: H.T.

Theo điều tra ban đầu, Nguyễn Tuấn Anh là học viên lớp đào tạo bảo mật máy tính do Nguyễn Quang Tuấn mở tại nhà riêng. Trong thời gian theo học, Tuấn Anh học được cách thức sử dụng phần mềm gián điệp tự động đánh cắp thông tin trên máy tính. Sau đó, bị can 9X phát tán mã độc dưới dạng phần mềm học tiếng Anh, nghe nhạc...

Sau khi xâm nhập hàng trăm máy tính bằng phần mềm gián điệp, Tuấn Anh phát hiện máy tính của anh Ngô Đình Cương (ở Hà Nội) chứa thông tin tài khoản ngân hàng cùng mã xác nhận giao dịch OTP qua email. Để bẻ khóa mật khẩu email, Tuấn Anh đã nhờ Tuấn tìm cách truy cập hòm thư cá nhân.

Để xóa dấu vết, 2 hacker dùng tài khoản ngân hàng của nạn nhân mua tiền ảo bitcoin rồi quy đổi ra tiền mặt. Trung tuần tháng 9/2016, chọn lúc anh Cương không theo dõi email, Nguyễn Quang Tuấn truy cập vào tài khoản Internet Banking của nạn nhân và thực hiện lệnh chuyển 90 triệu đồng mua 6,3 bitcoin qua mạng.

Sau đó, Tuấn bán 6,3 bitcoin cho người khác, thu về 82 triệu đồng rồi ăn chia với Tuấn Anh.

Một cán bộ điều tra cho biết việc xác minh, làm rõ nghi phạm trong vụ án tốn nhiều công sức vì Nguyễn Quang Tuấn là người am hiểu công nghệ thông tin, biết cách xóa dấu vết.  Tuy nhiên, sau nhiều tháng sàng lọc, cảnh sát đã truy ra địa chỉ IP được Tuấn sử dụng thực hiện hành vi phạm tội.

Làm gì để đối phó với phần mềm gián điệp?                                      

Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dùng máy tính cần thận trọng khi tải các phần mềm trên mạng, nhất là các phần mềm không rõ nguồn gốc. Máy tính cần cài đặt phần mềm diệt virus có bản quyền. Nên quét virus hàng ngày hoặc định kỳ để bổ sung thêm lớp tường lửa bảo vệ, loại các nguy cơ lây nhiễm.

Nếu máy tính có cài phần mềm diệt virus thông báo có mã độc xâm nhập, người sử dụng cần dừng ngay việc tải phần mềm.  Không truy cập vào các trang web có nội dung xấu, không bấm vào liên kết  hoặc tập tin đính kèm từ những địa chỉ lạ.

Trường hợp phát hiện máy tính nhiễm mã độc, cần quét virus toàn bộ máy hoặc sao lưu dữ liệu quan trọng, sau đó cài đặt lại hệ điều hành để xóa mã độc.

Tuyệt đối không dùng chung mật khẩu cho các tài khoản cá nhân. Và cần đặt chế độ bảo mật xác minh 2 bước cho các tài khoản quan trọng như tài khoản ngân hàng, email...

Theo Bá Chiêm (Tri Thức Trực Tuyến)