Pháp luật

Học vấn 10/12, Vũ 'nhôm' vẫn làm tình báo viên 8 năm

Cuối giờ sáng nay (28.1), phiên tòa xét xử vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm” và đồng phạm bước vào phần xét hỏi.

Học vấn 10/12, Vũ 'nhôm' vẫn làm tình báo viên 8 năm
Bị cáo Vũ "nhôm" khai trước tòa (ảnh PV).

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ là người được Hội đồng xét xử gọi lên xét hỏi đầu tiên. Trả lời câu hỏi của Chủ tọa Trương Việt Toàn, bị cáo Vũ cho biết: Trước khi bị khởi tố bị cáo là Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 và Chủ tịch HĐQT Công ty Nova Bắc Nam 79. Hai công ty này được bị cáo thành lập và có hoạt động độc lập, ngành nghề kinh doanh bất động sản, ngoài ra còn kinh doanh nhà hàng, dịch vụ.

Phan Văn Anh Vũ khai thêm, bị cáo được tuyển dụng vào lực lượng Công an nhân dân, biên chế là nhân viên tình báo của Tổng cục V, Bộ Công an, từ năm 2009, giải ngũ vào năm 2017. “Trong 8 năm làm tình báo viên, Tổng cục V giao cho bị cáo làm công việc phát triển kinh tế, Tổng cục V lấy công ty của bị cáo làm bình phong. Ngoài ra bị cáo không được Tổng cục V giao nhiệm vụ gì khác”, bị cáo Vũ “nhôm” khai.

Trong phần tóm tắt lý lịch của cáo trạng do đại diện Viện KSND thành phố Hà Nội trình bày có nêu rõ: Ngày 20.9.2017, Bộ Công an quyết định kỷ luật bằng hình thức giáng cấp bậc hàm từ Thượng tá xuống Trung tá, cách chức Phó trưởng phòng Biệt phái và cho xuất ngũ ra khỏi lực lượng Công an nhân dân đối với Phan Văn Anh Vũ. Bị cáo này bị khai trừ khỏi Đảng vào tháng 5.2018.

Đáng chú ý trong phần lý lịch của bị cáo Vũ có nêu bị cáo này chỉ có học vấn 10/12, nhưng vẫn được tuyển dụng vào ngành. Điểm đáng chú ý nữa là vào tháng 6.1997, Công an quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng khởi tố Phan Văn Anh Vũ về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, sau đó được đình chỉ điều tra (thời điểm này bị cáo Vũ “nhôm” 22 tuổi (bị cáo sinh năm 1975).

Trong phần trả lời xét xử, bị cáo Phan Hữu Tuấn (từng là Trung tướng, từng là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V, đã bị tước danh hiệu Công an nhân dân) đã nói về việc Phan Văn Anh Vũ được tuyển dụng làm tình báo viên và công ty bình phong được lập để cho hoạt động nghiệp vụ.

Tài liệu của cơ quan tố tụng xác định, Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp bình phong, với sự giúp đỡ của Nguyễn Hữu Bách, Phan Hữu Tuấn thông qua các văn bản nghiệp vụ để được thuê, nhận chuyển nhượng các bất động sản không phải qua đấu giá, trái quy định của Nhà nước. Thực tế, các văn bản này có tính chất yêu cầu các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan phải cho Phan Văn Anh Vũ được thuê, mua chỉ định; được hưởng các ưu đãi khi mua bán, chuyển nhượng các dự án nhà, đất công sản này với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường; trái với quy định của pháp luật.

Sau khi thực hiện được việc thuê, mua hoặc chuyển nhượng các dự án nhà đất này, Phan Văn Anh Vũ không dùng vào mục đích phục vụ công tác nghiệp vụ mà chuyển thành tài sản mang tên cá nhân mình hoặc người thân trong gia đình hoặc chuyển nhượng, liên doanh với người khác nhằm thu lợi bất chính, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước, với tổng số tiền gần 1.160 tỷ đồng

Hành vi nêu trên của Phan Văn Anh Vũ đã phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Khoản 3, Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015, có mức hình phạt từ 10 đến 15 năm tù.

Theo Ngọc Lương (VnExpress.net)