Pháp luật

Hoa hậu Phương Nga mang thân phận bị can đến khi nào?

Vụ án tạm đình chỉ điều tra, song Phương Nga và Thuỳ Dung vẫn mang thân phận bị can, bị cấm đi khỏi nơi cư trú và bị hạn chế nhiều quyền lợi.

Trong vụ án này, Công an TP HCM đã trưng cầu giám định vật chứng (mới xuất hiện tại toà) - một trong những yêu cầu điều tra bổ sung của TAND TP HCM. Do chưa có kết quả giám định mà hết thời hạn điều tra, thì cơ quan này phải tạm đình chỉ điều tra. Tuy nhiên, việc giám định vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.

"Dù được tại ngoại, vụ án đang tạm đình chỉ điều tra, song 2 cô gái vẫn mang thân phận bị can. Hiện, luật chưa quy định rõ thời hạn tạm đình chỉ là bao lâu, cho đến khi cơ quan giám định trả lời hay kết luận, nên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của bị can", ông Trạch phân tích. 

Theo luật sư Trạch, để có thể tuyên một bản án khách quan và toàn diện, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm, TAND TP HCM đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung trong vòng một tháng. Nhất là trong quá trình xét xử sơ thẩm lần hai (hồi cuối tháng 6) đối với Phương Nga, đã xuất hiện quá nhiều tình tiết không thể làm rõ tại tòa.

"Với khối lượng công việc khá lớn, cần làm rõ 9 vấn đề quan trọng và phức tạp mà HĐXX đề ra, tôi cho rằng cơ quan điều tra khó có thể thực hiện trong thời hạn 30 ngày. Một số trưng cầu giám định đòi hỏi phải có thời gian, phụ thuộc vào cơ quan trả lời, phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật cao", luật sư Trạch nói.

hoa-hau-phuong-nga-mang-than-phan-bi-can-den-khi-nao

Phương Nga tại toà hồi cuối tháng 6. Ảnh: Quỳnh Trần.

Đồng quan điểm, luật sư Vương Văn Nghĩa (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết thêm, Bộ luật TTHS năm 2015 sắp có hiệu lực (1/1/2018) quy định về thời hạn điều tra bổ sung, cho các cơ quan thi hành tố tụng rất chặt chẽ. Việc này để tránh tình trạng giam giữ bị can, bị cáo quá hạn luật định hoặc bị oan sai.

Ngoài ra, qua quá trình điều tra bổ sung, nếu phát hiện hành vi phạm tội mới có thể dẫn đến việc khởi tố thêm một số tội phạm khác.

Hết thời hạn tạm đình chỉ điều tra hoặc khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ điều tra thì cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi điều tra, nếu chưa hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra để chờ kết quả trưng cầu giám định. Trong trường hợp cơ quan giám định trả lời kết quả giám định là "không giám định được" thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định.

Quyết định đình chỉ điều tra sẽ được gửi cho VKS cùng cấp. Khi đó, tòa không đưa vụ án ra xét xử nữa và cơ quan điều tra có trách nhiệm phục hồi lại các quyền của công dân đối với các bị can.

Từng hàng chục năm là thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP HCM, ông Nghĩa cho biết đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung rất nhiều vụ án. Trong đó có kỳ án"dấu vân tay oan nghiệt" - ông Trương Bá Nhàn bị truy tố tội Giết người và Cướp tài sản năm 2001. VKS và cơ quan điều tra không chứng minh được hành vi phạm tội của ông Nhàn ngoài dấu vân tay, trong khi chứng cứ ngoại phạm của ông Nhàn có rất nhiều.

Vụ án sau đó cũng được "tạm đình chỉ điều tra" nhưng ông Nhàn đã bị giam giữ gần 4 năm (tháng 1/2003 đến tháng 9/2005), tiếp tục phải mang thân phận bị can thêm gần một năm nữa. Đến ngày 8/6/2006, cho rằng "đã hết thời hạn điều tra, chưa đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can", Công an TP HCM mới đình chỉ điều tra bị can với ông Nhàn.

Liên quan đến vụ án Phương Nga, luật sư Nguyễn Văn Quynh (bảo vệ quyền lợi cho Phương Nga và Thùy Dung) cho rằng, luật quy định việc tạm đình chỉ điều tra sẽ được tiếp tục cho đến khi có kết quả giám định, không quy định thời hạn được phép tạm đình chỉ điều tra. 

Việc này ảnh hưởng nặng nề đến quyền lợi cho các thân chủ vì họ sẽ tiếp tục bị áp dụng biện pháp ngăn chặn "cấm đi khỏi nơi cư trú" không biết bao lâu nữa. "Tôi và các luật sư sẽ nghiên cứu việc khiếu nại quyết định này của cơ quan Công an TP HCM", luật sư Quynh nói.

Theo Quốc Thắng (VnExpress.net)