Pháp luật

Giảm án cho 3 bị cáo được cán bộ hải quan tiếp tay buôn lậu

Được sự giúp sức của Trâm, các bị cáo đã nhập lậu 13 kiện hàng chứa 844 điện thoại di động và máy tính bảng trị giá hơn 9 tỷ đồng qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngày 10/8, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, tuyên giảm án đối với bị cáo Phạm Quang Vinh (35 tuổi, quê Đồng Nai) từ 14 năm tù xuống 12 năm, Phan Thị Dạ Hương (36 tuổi, quê Đồng Nai) từ 12 năm xuống 10 năm tù và Nguyễn Hoàng Minh (31 tuổi, nhân viên Công ty dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất) từ 4 năm tù xuống 3 năm tù, cùng về tội Buôn lậu.

Trước đó, tại phiên sơ thẩm hồi tháng 1/2017, cùng với 3 bị cáo trên, Lê Nguyễn Thị Ái Trâm (40 tuổi, nhân viên Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) bị tuyên phạt 3 năm tù nhưng được hưởng án treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

HĐXX nhận định các bị cáo trong vụ án đều có những tình tiết giảm nhẹ mới nên chấp nhận một phần kháng cáo, giảm án cho cả Hương, Vinh và Minh.

Giảm án cho 3 bị cáo được cán bộ hải quan tiếp tay buôn lậu
Hương, Vinh, Minh (từ phải qua) tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Dũng Phạm.

Theo cáo trạng, ngày 14/1/2015, Công an TP.HCM kiểm tra xe nhận hàng từ kho của Công ty TNHH dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất (kho TCS) tại quận Tân Bình, thì phát hiện 13 kiện hàng còn nguyên số vận đơn, không bong tróc, không có dấu hiệu đã được kiểm hóa trước khi thông quan.

Các kiện hàng trên chứa 844 chiếc điện thoại di động và máy tính bảng, tổng giá trị hơn 9 tỷ đồng, được nhập lậu từ Hồng Kông về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

Quá trình điều tra cho thấy khoảng đầu tháng 1/2015, Vinh được một phụ nữ tên Hoa (không rõ lai lịch) nhờ nhận lô hàng nói trên. Vinh đã sử dụng danh nghĩa người quen để đứng tên, sau đó cùng Hương đứng ra làm thủ tục nhận toàn bộ lô hàng.

Đồng thời, Vinh cũng xóa nội dung mô tả hàng hóa, quy cách kiện hàng, chỉ để lại nội dung quà biếu trên hai không vận đơn dùng để nộp khai báo hải quan.

Bị cáo Trâm được phân công tiếp nhận và kiểm hóa 13 kiện hàng trên. Khi thực hiện kiểm hoá, Trâm đã không kiểm tra, đối chiếu số vận đơn trên tờ khai và trên kiện hàng mà chỉ ghi số lượng hàng hoá, ước lượng rồi nhờ người khác ghi số lượng. Sau đó, bị cáo áp mã hàng trên tờ khai, tính thuế rồi đóng dấu và cho thông quan.

Về phía Minh, do có quen biết với Hương nên bị cáo đã lấy 13 kiện hàng trên ra khỏi kho, không qua khu vực kiểm hóa và giả chữ ký chủ hàng ở phiếu xuất kho. Bị cáo này còn chỉ đạo tài xế chở hàng đi thẳng qua cổng giám sát hải quan, mặc dù biết hàng hóa chưa được kiểm hóa.

Theo Hoài Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)