Pháp luật

Giả danh cán bộ Công an, Quân đội để… bán trời không văn tự!

Trong mác các cán bộ Công an, Quân đội, vốn là những hình ảnh được tin cậy trong xã hội, các đối tượng đã lừa đảo không ít người nhẹ dạ, cả tin.

Trong mác các cán bộ Công an, Quân đội, vốn là những hình ảnh được tin cậy trong xã hội, các đối tượng đã lừa đảo không ít người nhẹ dạ, cả tin. Chỉ đến khi bị các lực lượng chức năng "sờ gáy", những cái mác hào nhoáng bên ngoài mới lộ tẩy... Đó cũng là bài học đắt giá đối với nhiều người dễ dàng tin vào những thứ phù phiếm nơi đầu môi chót lưỡi của ai đó mà quên mất rằng giá trị thực của cuộc sống đang tồn tại, hơn bao giờ hết, phải do chính mình gây dựng nên!

Đầu tháng 11/2015, trinh sát Đội 4 Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm PC52 đã phối hợp với Công an phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP HCM bắt giữ đối tượng Lê Thanh Hùng, 46 tuổi, quê Kiên Giang, thường trú ấp Hòa Thượng, Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng tại căn nhà không số hẻm 34, đường số 4, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức khi đối tượng vẫn đang mặc trên người bộ quân phục với quân hàm đại tá quân đội. Hùng được xác định là kẻ đang bị truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP HCM.

Cảnh sát khám xét nơi ở của đối tượng Lê Thanh Hùng.


Khi bị  bắt giữ, Hùng tỏ ra rất bình tĩnh và đối đáp: "Tôi là đại tá nằm trong đường dây điệp báo, phản gián của Bộ Quốc phòng, các anh bắt nhầm người rồi?". Chỉ khi các trinh sát đưa ra chứng cứ, tài liệu rõ ràng, Hùng mới chịu đưa tay vào còng...

Tang vật thu giữ.


Thiếu tá Võ Duy Thắng Phó đội trưởng Đội 4 Phong PC52 Công an TP HCM cho hay, các trinh sát của PC52 đã được giăng khắp địa phương, tỉnh thành - những nơi có liên quan tới nhân thân của  tên Hùng. Năm 2011, Hùng là Phó giám đốc Công ty cổ phần văn hóa Vũ Trụ, trụ sở tại quận Bình Tân. Mặc dù vậy, mỗi khi ra ngoài, Hùng lại thường tự xưng là "thượng tá quân đội"? Chỉ có điều, tùy lúc tùy người Hùng xưng đang công tác ở nhiều cơ quan khác nhau. Có lúc Hùng xưng là đang công tác tại Đoàn 28 đặc công thuộc Binh chủng Đặc công; khi thì đang công tác tại Tổng cục An ninh quân đội thuộc Bộ Quốc phòng, có lúc Hùng "nổ" đang công tác tại Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng…

Với mác "trung tá quân đội", Hùng câu kết với Trần Phi Long, 32 tuổi, ngụ quận 7 rồi "nổ" là có mối quan hệ rộng và lo được các loại giấy phép và nhận tiền để… làm giúp. Sau khi lấy tiền của nhiều người thì Hùng lặng lẽ biến mất! Các nạn nhân đã tố cáo Hùng lên Cơ quan Công an.

Khi các vụ lừa đảo với mác “trung tá” vỡ lở, trong thời gian lẩn trốn, đầu năm 2015, Hùng vô tình nhặt được một bản scan màu Giấy chứng minh sĩ quan mang tên Lê Viết Thông, cấp bậc Đại tá, đơn vị cấp Quân khu 7 tại một tiệm chụp hình - photocopy ở ngã tư đường Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, phường 13, quận Tân Bình. Từ bản scan này, Hùng đã mang về cắt ghép hình ảnh của mình mặc quân phục đại tá quân đội để dán vào, ép plastic và tự nhận mình sĩ quan quân đội với quân hàm… “đại tá”!

Đối tượng Lê Thanh Hùng, "Đại tá" dỏm khi bị bắt giữ.


Trước tiên Hùng đến cơ sở bán quân trang của Bộ Quốc phòng trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp sử dụng giấy chứng minh sĩ quan quân đội giả này để mua hai bộ quân phục cấp tá, một bộ quân hàm đại tá, một bộ ve áo, một huy hiệu binh chủng, đặt làm một bảng tên quân đội mang tên Lê Viết Thông đeo ngực áo…

Từ đó, đi đâu Hùng cũng thường xuyên mặc bộ quân phục đại tá để củng cố lòng tin cho các đối tác, đồng thời  tạo vỏ bọc che đậy nhân thân. Đặc biệt, Hùng còn khai rằng với vỏ bọc trên, vào tháng 7/2015, Hùng đã được cấp 100 hecta đất tại một huyện ở tỉnh Bình Thuận để trồng thanh long xuất khẩu (thông tin này hiện chưa được xác minh) nhưng do đất đang tranh chấp nên chưa thực hiện được? Ngoài ra, với vỏ bọc "đại tá quân đội", Hùng tiếp tục làm môi giới, xin giấy phép các loại cho nhiều doanh nghiệp ở TP HCM và một số tỉnh, thành khác với mục đích chính là lừa lấy tiền rồi… biến!

Nhờ có tài ăn nói, chịu khó tìm hiểu và nhớ nhiều thông tin về cá nhân, cán bộ trong ngành công an, quân đội và cách thể hiện có nhiều mối quan hệ rộng cho nên nhiều người lầm tưởng. Chỉ có điều, trong thời gian xác minh, theo dõi, các trinh sát đã phát hiện ngón trỏ bàn tay trái của Hùng bị cụt một đốt nên đặt nghi vấn? Các trinh sát đã xác định được ba địa điểm Hùng thường xuyên lui tới là: nhà vợ lớn ở quận Thủ Đức, nhà gia đình vợ lớn ở An Giang và nhà vợ bé ở  Biên Hòa, Đồng Nai. Theo tìm hiểu thì Hùng có hai đời vợ và 4 người con. Đến đêm 3/11, biết Hùng về thăm vợ lớn ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, trinh sát Đội 4 đã ập vào bắt giữ…

Và… anh "Công an" hào nhoáng?

Khi chúng tôi có mặt tại trụ sở Công an phường Tân Bình (thị xã Đồng Xoài) cũng là lúc kim đồng hồ điểm 22 giờ ngày 5/11. Thiếu tá Nguyễn Trường Giang, Đội trưởng Đội CSĐT về trật tự xã hội Công an thị xã Đồng Xoài cùng đồng đội khẩn trương tiến hành ghi lời khai đối tượng, các nhân chứng cùng những người liên quan trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vừa xảy ra trên địa bàn. Thiếu tá Giang cho hay: "Qua hơn 3 giờ đồng hồ đấu trí căng thẳng, Vũ Hồng Hà, SN 1989, trú thôn 11, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng đã phải cúi đầu nhận tội. Hà đã lừa đảo chiếm đoạt tiền và tài sản trị giá gần nửa tỉ đồng của 3 nạn nhân".

Đối tượng Vũ Hồng Hà (tên giả là Tăng Minh Nhật Hải).

Bước đầu Cơ quan Công an xác định, đối tượng Vũ Hồng Hà bỏ quê xuống TP HCM sống lang thang từ năm 2011. Đến tháng 8/2015, Hà lên Bình Phước thuê phòng tại một khách sạn hạng sang lưu trú và lân la làm quen với một số bạn thuê phòng gần đó. Sau khi kết thân với một số người, Hà từng bước thực hiện hành vi lừa đảo tinh vi và kín kẽ. Trong thời gian hơn 3 tháng đi lại và lưu trú nhiều lần tại thị xã Đồng Xoài, Hà giới thiệu tên giả là Tăng Minh Nhật Hải, sinh ra tại Hà Nội, hiện công tác tại Cục A84, Bộ Công, có cha làm ở Bộ Công an, mẹ làm ở một ngân hàng lớn tại TP HCM (?). Chưa dừng lại, Hà nói được đơn vị cử lên Bình Phước làm chuyên đề liên quan đến tội phạm và có quan hệ rất thân thiết với một số lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước? Hà còn "khua môi, múa mép" rằng, có 300.000USD gửi ở một ngân hàng nước ngoài và có sổ tiết kiệm 300.000.000 đồng ở một ngân hàng tại TP HCM.

Với lý do chưa rút được tiền ở ngân hàng, Hà hỏi mượn chị Y. 2.000.000 đồng để… đi nhậu với đồng nghiệp. Với thủ đoạn tương tự, Hà mượn của chị Y. nhiều lần với số tiền lên đến hơn 350.000.000 đồng. Thậm chí khi không có tiền, chị Y. còn mượn của em họ hơn 300.000.000 đồng để đưa cho Hà. Ngoài ra, Hà còn lợi dụng chị Y. để nhờ mua thiếu 2 chiếc điện thoại di động hiệu Iphone6 Plus của người thân nạn nhân với lý do "tặng cho sếp"?
 

Những vật dụng hàng hiệu Hà mua bằng tiền chiếm đoạt của các bị hại.

Cùng thời điểm này, Hà tình cờ quen biết với anh T., là tài xế taxi ở thị xã Đồng Xoài rồi trở thành khách hàng thường xuyên. Hễ đi đâu, Hà lại gọi anh T. chở đi. Có khi Hà trả tiền nhưng có lúc hắn nợ tiền xe. Và, anh T. cũng rơi vào cái bẫy của Hà vì thấy Hà xài tiền rất "sộp". Mỗi khi Hà cần tiền thì anh T. đều đưa cho Hà mượn, mỗi lần từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Tổng cộng anh T. đã cho Hà mượn 120.000.000 đồng.

Bài học đắt giá

Theo đơn tố cáo của các nạn nhân, họ đều rất tin tưởng Hà là cán bộ Công an, con nhà giàu ở TP HCM và có số tiền lớn gửi trong ngân hàng mà không hề có sự kiểm chứng thông tin về đối tượng này? Ngoài ra, Hà còn cố tình cho mọi người biết hắn thường đi chơi chung với cán bộ Công an và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bình Phước để tạo vỏ bọc hoàn hảo nên họ càng không chút nghi ngờ? Việc Hà mượn được tiền của chị Y., anh T. do Hà chủ động nói cần gấp để xử lý những trục trặc tài khoản tiền gửi trong ngân hàng. Hà hứa hẹn sẽ rút tiền để trả cho mọi người. Hà cũng rất ranh mãnh, dùng chính số tiền chiếm đoạt của nạn nhân để mua nhiều món quà đắt tiền như điện thoại, đồng hồ, nước hoa, son môi, giày… hàng hiệu để tặng lại cho chính họ. Từ đó, ai cũng nghĩ Hà giàu có và sống rất "tình cảm" với mọi người (!).

Trong suốt thời gian dài mượn tiền của chị Y., đã có lần chị Y. nghi ngờ Hà nên đòi lại nhưng Hà cứ lần nữa. Hà che đậy hành vi của mình bằng lý do không nộp tiền Việt vào tài khoản USD được nên không rút ra được? Thậm chí, Hà còn đưa chị Y. đến tận một ngân hàng lớn ở TP HCM để làm thủ tục rút tiền. Thực tế, Hà không có tiền gửi và không có giao dịch gì. Tuy nhiên, lần nào cũng không rút được tiền vì lý do Hà bịa đặt rằng "phải nộp số tiền lớn vào thì ngân hàng mới giải ngân từ tiền USD sang tiền Việt!”. Hà còn tinh ranh đến mức, hắn nhờ một bạn gái ở Đà Nẵng giả nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho chị Y. để thông báo rằng số tài khoản ngân hàng của Hà bị trục trặc nên chưa rút được tiền.

Khi được hỏi về tội lỗi của bản thân, Hà bình thản thú nhận: "Em biết mình làm như thế là vi phạm pháp luật, không phù hợp với đạo đức con người nhưng do không có tiền trả và số tiền mọi người đưa cho em ngày càng tăng nên em phải thực hiện việc chiếm đoạt đến cùng. Em biết rằng mình đã lợi dụng lòng tin của mọi người nhưng em nghĩ đến lúc nào đó, em sẽ nói sự thật cho mọi người biết. Còn số tiền nợ của họ em sẽ xin trả dần…".

Theo Thiếu tá Nguyễn Trường Giang, Cơ quan Công an đã xác định, toàn bộ số tiền chiếm đoạt của nạn nhân đối tượng đã sử dụng vào việc tiêu xài cá nhân. Trong đó, Hà đã mua sắm nhiều đồ dùng đắt tiền như điện thoại, đồng hồ, vàng trang sức, nước hoa, giày dép, quần áo,… và chi tiêu cho việc ăn nhậu, thuê khách sạn. Hà hoàn toàn không có khả năng trả nợ số tiền đã chiếm đoạt được.

Đến ngày 9/11, Công an thị xã Đồng Xoài xác định, đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 3 nạn nhân với số tiền hơn 470.000.000 đồng. Đây là bài học đắt giá cho những người nhẹ dạ cả tin, trao nhầm lòng tốt cho kẻ xấu khi chưa tường tận gốc tích. Công an thị xã Đồng Xoài thông báo những ai đã bị đối tượng Vũ Hồng Hà lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đề nghị liên hệ qua số điện thoại 06513 879750 để phối hợp giải quyết.

>> Thất nghiệp, giả danh cán bộ Văn phòng Chính phủ đi lừa đảo

Theo Đ.Mừng - M.Thùy - Phú Lữ (CAND Online)