Pháp luật

Em trai Phạm Công Danh: Vì tin tưởng nên giúp anh mở công ty ‘ma’

Video xét xử Phạm Công Danh: Không có căn cứ thu hồi 6.126 tỷ cho VNCB

Giải thích cho việc giúp Phạm Công Danh thành lập một loạt công ty “ma”, em trai bị cáo Danh nói “Tôi tin tưởng anh trai mình và cũng nghĩ vô tư nên giúp đỡ thôi”.

Sáng ngày 13/1, phiên xét xử Phạm Công Danh, Trầm Bê và các đồng phạm được tiếp tục.

Đề nghị tiếp tục triệu tập ông Trần Bắc Hà

Trước khi thẩm vấn các bị cáo xung quanh khoản vay 4.700 của Ngân hàng BIDV, đại diện VKS đề nghị HĐXX xác định ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, Trưởng phân ban Quản lý rủi ro tín dụng đầu tư tại hội sở chính của BIDV) và ông Trần Lục Lang (Phó tổng Giám đốc BIDV) hiện đang ở đâu và đề nghị HĐXX áp dụng các biện pháp để đưa hai ông này tới phiên tòa để làm rõ sự thật của vấn đề.

Em trai Phạm Công Danh: Vì tin tưởng nên giúp anh mở công ty ‘ma’
Bị cáo Phạm Công Danh

Chủ tọa cho hay hai ông này đang điều trị bệnh và đã chuyển hồ sơ cho VKS, đề nghị VKS xem hồ sơ về tình trạng bệnh tật của ông Hà và ông Lang. Sau khi xem hồ sơ bệnh án, đại diện VKS công bố, ông Trần Bắc Hà mắc bệnh ung thư gan từ 2012 và lịch tái khám là ngày 8/1, hiện không biết có xuất cảnh đi tái khám hoặc đã nhập cảnh trở lại hay chưa, đề nghị HĐXX làm rõ.

Về phần ông Trần Lục Lang, xem hồ sơ thì chưa thấy dấu hiệu bệnh nặng. Nếu có thể dự tòa thì mong tòa cũng triệu tập để VKS làm rõ.

Trước yêu cầu của VKS, chủ tọa cho hay sẽ yêu cầu triệu tập lại vào sáng thứ 2. Trong trường hợp 2 người này không có mặt thì cho phép VKS sử dụng những lời khai tại CQĐT để xem xét các hành vi liên quan.

Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc có liên quan gì tới khoảng vay 4.700 tỷ từ ngân hàng BIDV, em trai bị cáo Danh là ông Phạm Công Trung (nguyên Phó giám đốc VNCB) khẳng định, không tham gia và cũng không được mời tham gia vào quá trình vay mượn này.

“Khi ngân hàng VNCB thiếu người thì anh Danh gọi tôi về làm Phó giám đốc phụ trách hành chính, nhân sự”, ông Trung cho hay.

Giải thích về việc giúp đỡ một số nhân viên của anh trai đi đăng ký thành lập công ty (công ty “ma”, sân sau của Thiên Thanh), ông Trung cho hay, do là anh em nên thường xuyên qua lại thăm anh và biết những người này. “Anh Danh nhiều lần nói với tôi là cố gắng động viên anh em làm việc. Ai có thể mở công ty thì giúp đỡ họ và sau này cũng thuận tiện hơn cho công việc của Tập đoàn Thiên Thanh. Tôi tin tưởng anh trai mình và cũng nghĩ vô tư nên giúp đỡ thôi”, ông Trung trả lời.

Em trai Phạm Công Danh: Vì tin tưởng nên giúp anh mở công ty ‘ma’ - 1
Ông Phạm Công Trung

Trả lời câu hỏi của HĐXX về suy nghĩ gì khi anh trai thành lập nhiều công ty trong đó giám đốc công ty lại là bảo vệ và các công ty này thực ra không hoạt động; bản thân ông Trung chính là người đã giúp đỡ bị cáo thành lập lên các công ty này, ông Trung trả lời: “Tôi có niềm tin vào anh tôi sẽ làm tốt mọi việc nên tôi nghĩ anh Danh thành lập để làm tốt hơn, nhưng khi thực hiện có những việc không như mong muốn nên mới dẫn tới hậu quả như hôm nay”.

Giám đốc BIDV chi nhánh Gia Định đề nghị HĐXX tuyên vô tội

Trả lời thẩm vấn của luật sư về lý do bị truy tố, bị cáo Hoàng Long Hà (nguyên Phó giám đốc BIDV chi nhánh Gia Định) cho hay, xuất phát từ công ty Phong Hiệp, là 1 trong 12 công ty mà BIDV Gia Định tiếp nhận từ BIDV hội sở do phía VNCB giới thiệu. Hồ sơ vay vốn của các công ty này cơ bản giống nhau, nhưng có 1 điểm khác nhau duy nhất là ông Trần Hiệp vừa là Giám đốc công ty Phong Hiệp, vừa là thành viên HĐQT VNCB, trong khi tài sản bảo đảm lại là tiền của VNCB. BIDV không được phép nhận tài sản bảo đảm, xét duyệt cho vay với bất cứ cá nhân, cổ đông nào là thành viên của HĐQT VNCB.

Do không biết ông Trần Hiệp là thành viên HĐQT VNCB nên mới xảy ra sai phạm. Theo bị cáo Hà, việc phê duyệt khoản vay 325 tỷ cho công ty Phong Hiệp của bị cáo Trần Hiệp đã khiến bị cáo dính lao lý.

“Tôi và 2 đồng nghiệp không cố ý làm trái. Theo tôi biết mà vẫn cố ý làm thì mới cố ý làm trái. Việc sai phạm là do không biết ông Trần Hiệp là thành viên HĐQT VNCB. Tôi không có ý làm trái, khoản vay 325 tỷ mà công ty Phong Hiệp vay của BIDV không liên quan đến tôi vì tôi không phê duyệt khoản vay này. Qua đây, tôi mong muốn xã hội nên thay đổi định kiến, không phải cứ bị công an bắt là có tội và cứ xử là tòa sẽ kết án. Tôi không có liên quan đến việc xét duyệt, phê duyệt khoản vay của VNCB tại BIDV, tôi không cố ý làm trái. Đề nghị HĐXX tuyên tôi vô tội”, ông Hà nói.

Đồng thời, bị cáo Hà xin phép HĐXX được nói vài lời với bị cáo Phan Thành Mai. “Hôm qua anh xin lỗi những cán bộ 3 ngân hàng vì anh mà bị truy tố, anh biết rõ ông Trần Hiệp vậy mà vẫn cố tình bảo lãnh. Lời xin lỗi của anh tôi không chấp nhận”.

Do bào chữa song song nên mãi đến phiên xét xử ngày thứ 6, luật sư Phan Trung Hoài (bảo vệ cho bị cáo Phạm Công Danh) mới có mặt tại tòa.

Luật sư Hoài thẩm vấn bị cáo Phạm Công Danh về yêu cầu tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ, tình thế của VNCB lúc đó như thế nào và việc tăng vốn này giúp gì cho VNCB?

Bị cáo Phạm Công Danh cho hay, điều này đã đem lại cho bị cáo sức ép rất kinh khủng. “Tôi đã từng xin trả lại ngân hàng vì không chịu đựng nổi sức ép trả lãi chăm sóc khách hàng”, bị cáo Danh trả lời.

Cũng theo lời khai của bị cáo Danh 4.500 tỷ đồng trong số vay 4.700 tỷ của BIDV hiện vẫn chưa sử dụng cho việc tăng vốn điều lệ.

Luật sư Hoài tiếp tục đưa ra câu hỏi, đã nhiều lần ông đề nghị được xem xét đối trừ 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ để trừ trong phần thiệt hại tại VNCB đúng không?

“Thưa đúng. Trong suy nghĩ của chúng tôi thì khoản tiền này đều hòa chung dòng tiền ngân hàng nên cần được cấn trừ trong tổng thiệt hại của VNCB. Trong tòa lần 1, chúng tôi từng đề nghị được cấn trừ trong tổng thiệt hại và được tòa nói sẽ xem xét”, bị cáo Danh trả lời.

Theo Đoàn Nga (VietNamNet)