Pháp luật

Đùn đẩy trách nhiệm bồi thường trong vụ án oan 17 năm ở Đắk Lắk

Theo luật, trách nhiệm bồi thường oan sai cho ông Minh thuộc về TAND huyện Krông Ana; tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ quan nào xin lỗi và bồi thường cho gia đình ông Minh.

Ngày 8/11, ông Nguyễn Tấn Đức, Chánh án Tòa hình sự - TAND tỉnh Đắk Lắk, cho biết liên quan đến vụ án oan của ông Trịnh Công Minh (ngụ huyện Krông Ana), đơn vị tiếp tục gửi văn bản lên TAND Tối cao, đề nghị xác định cơ quan nào gây oan sai cho người này để bồi thường.

Theo ông Đức, năm 2015, TAND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản xin ý kiến TAND Tối cao về việc xác định đơn vị gây ra oan sai cho ông Minh. Tuy nhiên, đến nay, TAND Tối cao vẫn chưa có văn bản trả lời.

Lãnh đạo này cho biết thêm, theo luật bồi thường, trường hợp này TAND huyện Krông Ana đã tuyên án nên sẽ chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử lần 2, TAND huyện trả hồ sơ cho VKS và công an để điều tra lại. Sau đó, công an làm thất lạc hồ sơ, sự việc kéo dài hơn 17 năm, từ đó đơn vị này mới đình chỉ vụ án.

Đùn đẩy trách nhiệm bồi thường trong vụ án oan 17 năm ở Đắk Lắk
Chị Tâm kể lại thời gian cùng chồng đi kêu oan. Ảnh: Minh Lộc.

“Tòa án trả hồ sơ yêu cầu công an điều tra lại trường hợp của ông Minh có đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp hay không. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, công an làm mất hồ sơ. Như vậy, sau 17 năm, công an căn cứ vào đâu để đình chỉ vụ án khi hồ sơ không còn. Do đó, lỗi này thuộc về cơ quan điều tra nên đơn vị này cũng phải chịu một phần trách nhiệm”, ông Đức nói.

Vị Chánh tòa Hình sự cho biết thêm, gia đình ông Minh cần làm đơn gửi cơ quan chức năng để đề nghị bồi thường oan sai.

“Trong trường hợp các cơ quan chức năng không xác định được đơn vị nào gây ra oan sai thì gia đình ông Minh gửi đơn khởi kiện ra tòa. Khi tiếp nhận đơn, tòa án sẽ xác định đơn vị nào gây ra oan sai cho ông Minh, rồi tiến hành xét xử theo quy định”, vị này nói thêm.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Tạ Quang Tòng, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, cho rằng theo luật Trách nhiệm bồi thường, khi tòa đã xử bị cáo có tội, gây ra án oan thì tòa phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, ở đây, khi tòa phúc thẩm hủy án nhưng VKSND vẫn tiếp tục truy tố oan với ông Minh, thì TAND và VKSND huyện Krông Ana phải chịu trách nhiệm liên đới.

"Tòa án và viện kiểm sát phải ngồi lại, bàn bạc, thống nhất với nhau trong việc xin lỗi, bồi thường oan sai cho ông Minh", luật sư Tòng nêu quan điểm.

Đùn đẩy trách nhiệm bồi thường trong vụ án oan 17 năm ở Đắk Lắk - 1
Ông Minh sau thời gian dài đi kêu oan đã mất trước khi được xin lỗi. Ảnh: Minh Lộc.

Trước đó, chị Tố Thị Thanh Tâm (33 tuổi, vợ ông Trịnh Công Minh), đã gửi đơn đến VKSND huyện Krông Ana (Đắk Lắk) đề nghị tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường cho chồng.

Theo chị Tâm, ông Minh bị tạm giam 18 tháng tù, trải qua 3 phiên tòa cùng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú suốt 17 năm, đã được cơ quan chức năng hủy bỏ các quyết định từ năm 2015. Tuy nhiên, đến nay gần 3 năm, các cơ quan chức năng vẫn chưa tổ chức xin lỗi.

“Sau thời gian dài gõ cửa các cơ quan để đấu tranh việc mình bị bắt oan, chồng tôi vừa mất do ung thư cách đây 9 tháng khi chưa nhận được lời xin lỗi”, chị Tâm nói.

Khuya 2/2/1997, ông Minh đi bộ đến nhà người quen. Cùng thời điểm, công an phát hiện chiếc xe máy bị mất cắp dựng bên hông căn nhà này nên mời ông Minh về trụ sở làm việc. Sau đó, ông Minh bị khởi tố, tạm giam về tội Trộm cắp tài sản.

Tháng 10/1997, TAND huyện Krông Ana tuyên phạt ông Minh 12 tháng tù giam. Hai tháng sau, TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm vì chứng cứ thu thập trong quá trình điều tra chưa khách quan.

Ngày 26/6/1998 TAND huyện Krông Ana trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung. Gần một tháng sau, VKSND huyện Krông Ana mới ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Minh sau gần 18 tháng bị giam giữ. Ngày 27/7/1998, Công an huyện Krông Ana quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án.

Theo Tây Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)