Pháp luật

Dân tố bị lừa hàng trăm tỉ đồng, công an "khoanh tay"?

Vụ việc chấn động làng dệt Bảy Hiền (Q.Tân Bình, TP.HCM) khi doanh nghiệp vay nợ rồi cao chạy xa bay, khiến nhiều người như ngồi trên đống lửa, trong khi cơ quan chức năng địa phương “làm ngơ”.

Vụ việc chấn động làng dệt Bảy Hiền (Q.Tân Bình, TP.HCM) khi doanh nghiệp vay nợ rồi cao chạy xa bay, khiến nhiều người như ngồi trên đống lửa, trong khi cơ quan chức năng địa phương “làm ngơ”.

Đại diện 36 hộ kinh doanh vải trên địa bàn Q.Tân Bình gửi đơn kêu cứu đến báo Phụ Nữ, phản ánh việc bị ông Trương Sơn (46 tuổi) - Giám đốc Công ty TNHH thương mại Thúy Sơn (P.11, Q.Tân Bình) - cùng vợ là bà Hồ Phạm Thúy (37 tuổi) chiếm đoạt hơn 145 tỷ đồng.

Theo người dân, vợ chồng chủ công ty cung cấp sợi nói trên “huy động vốn” bằng các chiêu trò khá “kinh điển”. Sau một thời gian hoạt động tạo lòng tin, họ đã khiến nhiều người mang tiền tỷ đến cho mượn để hưởng lãi suất mỗi tháng từ 1-2,5%. Thậm chí, có người dân đem tài sản thế chấp ngân hàng, lấy tiền mặt gửi cho Công ty Thúy Sơn.

Tiếp xúc với chúng tôi, chị N.D. kể: “Chỗ làm ăn quen biết, thấy vợ chồng họ cũng chịu khó nên tôi tin tưởng. Thúy bảo mượn trả lãi 1-2% một tháng. Tôi đã cho mượn tổng cộng 33 tỷ đồng. Giờ thì mất hết rồi”. Chị D. là trường hợp mất tiền nhiều nhất trong số 36 nạn nhân của Thúy Sơn.

Chị P. - người “dính” đến 22 tỷ đồng, đứng thứ hai trong danh sách - cho biết, nhiều lần chị đã quyết định không cho mượn nữa và yêu cầu Thúy Sơn trả lại vốn. Tuy nhiên, bà Thúy luôn “dỗ dành” bằng khoản lãi suất cao, trả đúng, trả đủ mỗi tháng.

Kết quả hình ảnh cho lừa đảo
Ảnh minh họa.

Sáng 25/8, người dân làng dệt lớn nhất Sài Gòn choáng váng phát hiện cả gia đình ông Sơn, bà Thúy cùng con trai, em trai, cha mẹ đã “khăn gói” đi khỏi nhà. Số điện thoại thường dùng của những người này cũng “ò e í”. Nhân viên của công ty cũng không còn làm việc. Chi nhánh công ty tại căn nhà số 22-24 Ca Văn Thỉnh (P.11, Q.Tân Bình) bị khóa cửa với dấu niêm của ngân hàng. Những căn nhà khác của vợ chồng Thúy Sơn cũng bị ngân hàng niêm phong.

Các khoản tiền vay của mọi người chỉ được phía Thúy Sơn viết giấy tay, đóng dấu vuông. Tổng cộng từ năm 2014 đến tháng 8/2016, công ty đã “huy động” số tiền hơn 146 tỷ đồng và trả được hơn 28 tỷ đồng tiền lãi.

Ngoài “chiêu” mượn tiền trả lãi cao, bà Thúy còn lấy “uy tín” của mình giới thiệu em trai là Hồ Phạm Đình Quân đứng ra lập các dây hụi từ 12 đến 20 tháng. Hiện có 8 người tố giác ông Quân cũng đã cuỗm số tiền hụi lên đến 30 tỷ đồng đi theo vợ chồng Thúy Sơn.

Công an "khoanh tay" vì cho rằng tranh chấp dân sự

Theo anh T.S., người cho Thúy Sơn vay 11 tỷ đồng, khi sự việc xảy ra, 36 nạn nhân đã làm bản tường trình tố giác vợ chồng Thúy - Sơn tại Công an P.11. Tuy nhiên, khoảng 10 ngày sau, Công an Q.Tân Bình đã mời người dân đến, thông báo không giải quyết thông tin tố giác của họ.

Theo thông báo, căn cứ hồ sơ do Công an P.11 chuyển lên, nội dung tố giác ông Sơn, bà Thúy là tranh chấp dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án dân sự, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan CSĐT công an quận (?).

Người dân khá bức xúc về thông báo này của công an. Họ đặt vấn đề có hay không sự bao che của Công an P.11 trong vụ việc liên quan đến Công ty Thúy Sơn? Một nạn nhân cho biết, dù hai vợ chồng này đã “biến mất” suốt hơn một tháng nay, nhưng bà trưởng công an phường phủ nhận việc bỏ trốn của hai vợ chồng này, cho rằng họ chỉ "đi khỏi địa phương". Bà này còn cho dân biết vẫn có thể gọi điện thoại với bà Thúy chứ không phải như người dân nói điện thoại bà Thúy mất liên lạc.

Chúng tôi đã trực tiếp đến trụ sở công an phường, cũng như điện thoại, nhắn tin cho trưởng công an phường để trao đổi về vụ việc và xác minh thông tin người dân “tố” ở trên, nhưng đều không nhận được hồi âm. Khi đến Công an Q.Tân Bình, chúng tôi được hướng dẫn liên hệ với một phó công an quận để xác minh thông tin, nhưng vị này trả lời không biết (?).

Tiếp chúng tôi sáng 1/10, bà Nguyễn Thị Liễu, Chánh văn phòng UBND Q.Tân Bình cho biết, sau khi nhận được thông tin từ phóng viên, đã yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh. “Trong vài ngày tới, UBND P.11 sẽ mời những người dân có liên quan đến để gặp chủ doanh nghiệp Thúy Sơn để tiến hành hòa giải. Nếu không thỏa thuận được với nhau, sẽ đưa vụ việc ra tòa”, bà Liễu nói. Theo bà, cứ để phường giải quyết vụ việc theo hướng tranh chấp dân sự, nhưng vẫn phải yêu cầu địa phương tiếp tục xác minh, nắm tình hình cẩn thận.

Trốn tránh chr nợ là dấu hiệu hình sự

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Phùng Thanh Sơn - Văn phòng luật sư Thế giới pháp luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, mặc dù từ ban đầu, đây là những giao dịch dân sự. Tuy nhiên, do bà Thúy, ông Sơn, ông Quân không còn ở nơi cư trú hơn một tháng nay và các chủ nợ không liên lạc được thì rõ ràng đây là hành vi bỏ trốn.

“Bỏ trốn ở đây là trốn tránh chủ nợ chứ không phải trốn tránh công an hay trốn tránh tất cả mọi người. Do đó, hành vi của bà Thúy, ông Sơn, ông Quân đã có đầy đủ dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 140 Bộ luật Hình sự 1999”, ông Phùng Thanh Sơn khẳng định.

Và khi có dấu hiệu phạm tội, cơ quan điều tra công an quận nơi đương sự cư trú phải tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can. Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can không phụ thuộc vào việc có triệu tập được bà Thúy, ông Sơn, ông Quân hay không.

Cơ quan điều tra khi thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự thì phải khởi tố vụ án mà không đòi hỏi phải có đầy đủ các chứng cứ, hay sự hợp tác của người bị tố cáo. Nếu sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cơ quan điều tra gửi giấy triệu tập để lấy cung mà bà Thúy, ông Sơn, ông Quân không đến thì cơ quan điều tra phải tiến hành thủ tục truy nã những người này.

“Trường hợp Công an Q.Tân Bình ra thông báo vụ việc không có dấu hiệu hình sự thì các bị hại có thể làm đơn khiếu nại hành vi không xử lý đến VKSND cùng cấp, thủ trưởng cơ quan điều tra”, luật sư Sơn hướng dẫn.

Theo xác minh của chúng tôi, việc “đi khỏi địa phương” của gia đình Thúy-Sơn đã được lên kế hoạch. Bởi phần lớn nhà cửa trên địa bàn do họ đứng tên đã được thế chấp. Ban giám hiệu Trường THCS Trường Chinh (P.12, Q.Tân Bình) xác nhận con trai của ông bà này không còn học tại trường từ đầu năm học 2016-2017.

Ngoài 36 người công khai tố giác, theo người dân và theo tìm hiểu của chúng tôi, còn nhiều nạn nhân của Thúy-Sơn chưa hoặc không dám xuất hiện.
 

Theo Nam Anh (Phụ Nữ TPHCM)