Pháp luật

Đại gia Hứa Thị Phấn lĩnh 30 năm tù

Dù bà Phấn bệnh nặng, không khai nội dung nào, song HĐXX cho rằng đủ căn cứ xác định bị cáo thao túng, chiếm đoạt 6.300 tỷ.

Tối 31/5, sau ba tuần xét xử và nghị án, TAND TP HCM tuyên phạt bị cáo Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín) 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tổng hợp với bản án 17 năm tù do TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên trước đó, bà Phấn phải chấp hành 30 năm tù (mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn).

Đại gia Hứa Thị Phấn lĩnh 30 năm tù
Bà Phấn đang nằm tại bệnh viện Tân Hưng, quận 7. Ảnh: CTV.

Cũng bị buộc tội về hai tội danh này, Bùi Thị Kim Loan (giúp sức tích cực cho bà Phấn) nhận 18 năm tù, Ngô Kim Huệ 10 năm tù.

Cựu chủ tịch Hoàng Văn Toàn nhận 7 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 24 bị cáo còn lại nhận mức án từ hai năm tù treo đến 10 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bà Phấn bồi thường 6.300 tỷ đồng thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín, tiếp tục duy trì lệnh kê biên tài sản của bà này để đảm bảo cho việc thi hành án và các khoản nợ của nhóm Phú Mỹ tại ngân hàng. 

Công ty Phương Trang phải trả hơn 6.400 tỷ

Toà buộc Công ty Phương Trang phải hoàn trả lại cho ngân hàng Đại Tín hơn 6.400 tỷ đồng (hơn 3.900 nợ gốc, gần 900 tỷ đồng nợ lãi và 1.600 tỷ nợ lãi phát sinh). Riêng các khoản nợ bắt buộc giữa Phương Trang và Đại Tín, HĐXX tách ra để các bên giải quyết bằng vụ án dân sự.  

HĐXX cũng yêu cầu tiếp tục kê biên các tài sản thế chấp của Công ty Phương Trang để để đảm bảo cho việc thanh toán các khoản nợ tại CB (tiền thân là VNCB, Đại Tín). Khi Phương Trang hoàn trả hơn 6.400 tỷ đồng sẽ được nhận lại toàn bộ tài sản.

Toà cũng kiến nghị cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan việc tính thuế thu nhập đối với bà Phấn khi chuyển nhượng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. 

Bác toàn bộ quan điểm luật sư của bà Phấn

Theo HĐXX, bị cáo Phấn hiện đã 71 tuổi, sức khỏe chỉ còn 7% nên không thể áp giải đến tòa. Tuy nhiên, bị cáo có đến 5 luật sư nên việc vắng mặt không ảnh hưởng đến quyền lợi.

Về việc luật sư của bà Phấn nói "HĐXX không khách quan" (do 3/5 thành viên từng tham gia xét xử vụ án Phạm Công Danh, ra quyết định khởi tố bà Phấn và những người khác), toà đã đối chiếu với các quy định của pháp luật, xác định không vi phạm tố tụng.

"Khi tuyên án vụ Phạm Công Danh cùng đồng phạm, HĐXX đã ra quyết định khởi tố vụ án Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến bị cáo Phấn nhưng không xác định hành vi phạm tội cụ thể của bà này cũng như các bị cáo", bản án nêu.

Đối với chiếc USB và 48 trang tài liệu luật sư Trương Thị Minh Thơ cung cấp, dù luật sư trình bày do bà Phấn đưa nhưng HĐXX cho rằng, quá trình điều tra bà Phấn luôn trong tình trạng khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời... nên không có căn cứ xác định nguồn gốc chứng cứ này do bà Phấn cung cấp.

Về căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự đã thuê một đơn vị định giá độc lập để tham khảo, do đó không có căn cứ chấp nhận quan điểm luật sư của bà Phấn cho rằng việc định giá không khách quan.

Đại gia Hứa Thị Phấn lĩnh 30 năm tù - 1
Các bị cáo nghe tuyên án. Ảnh: Kỳ Hoa.

Bà Phấn sử dụng Đại Tín như công cụ

Quá trình điều tra cũng như thẩm vấn tại tòa, hầu hết các bị cáo là lãnh đạo của ngân hàng cũng như người thân của bà Phấn đều thừa nhận hành vi. Các sai phạm này còn được chứng minh bằng tài liệu chứng cứ, chứng từ có trong hồ sơ. "Do đó, có đủ cơ sở xác định bị cáo Hứa Thị Phấn có vai trò chủ mưu, cầm đầu, thao túng ngân hàng như một công cụ cá nhân bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, bất chấp hậu quả xảy ra", bản án nêu.

Bị cáo Phấn đã đưa cháu gái Ngô Kim Huệ, em trai Hứa Xường vào ngân hàng làm chức Phó tổng, Hoàng Văn Toàn vào làm Chủ tịch HĐQT… rồi chỉ đạo thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật.

Tính đến tháng 2/2012 ngân hàng đã lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 2.800 tỷ đồng. Dù việc kinh doanh thua lỗ nhưng để chiếm đoạt tiền ngân hàng bà Phấn đã chỉ đạo cấp dưới nâng khống giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch cao gấp nhiều lần giá trị thật (154 tỷ đồng), mua bán lòng vòng sau đó bán lại cho Đại tín hơn 1.256 tỷ đồng, chiếm đoạt hơn 1.105 tỷ đồng.

Do tin tưởng bị cáo, HĐQT ngân hàng gồm: Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam, Ngô Kim Huệ, Hứa Xường, Lâm Hồng Trinh đã lần lượt ký duyệt hồ sơ mua căn nhà này. 

Ngoài ra, bà Phấn đã lợi dụng Công ty Phương Trang (18 công ty khác cùng 22 cá nhân có quan hệ hợp tác) đang cần vốn để mở rộng kinh doanh bất động sản, buộc công ty này ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt tổng cộng 82 khoản vay và một khoản phát hành trái phiếu với số tiền trên sổ sách là gần 16.500 tỷ đồng. Thực tế Công ty Phương Trang chỉ nhận được hơn 3.900 tỷ.

Theo toà, bà Phấn đã thông qua Bùi Thị Kim Loan (thư ký) chỉ đạo cấp dưới ký nhiều chứng từ, hồ sơ, bảng kê khống hạch toán thu chi giải ngân hơn 5.256 tỷ đồng để sử dụng, sau đó đẩy nợ cho công ty Phương Trang.

Việc xảy ra hoàn toàn do lỗi của Đại Tín nên không có căn cứ buộc Phương Trang phải trả toàn bộ số tiền thông qua 82 khoản vay như yêu cầu của đại diện CB. Chỉ có căn cứ buộc công ty này trả số tiền thực nhận là hơn 3.900 tỷ đồng cũng lãi suất phát sinh.

Theo Hải Duyên (VnExpress.net)