Pháp luật

Đại gia Hứa Thị Phấn ‘giật dây’ các ngân hàng như thế nào?

Sau nhiều năm nỗ lực, Sáu Phấn đã gây dựng cho mình một cuộc sống ổn định, có của ăn của để. Nếu không quá tham vọng thì có lẽ giờ này bà ta có thể an nhàn hưởng tuổi già bên con cháu.

Vinh quang và cay đắng của Sáu Phấn khởi đầu từ năm 2001, khi bà ta thành lập Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển Phú Mỹ, chuyên về kinh doanh bất động sản và nhiều lĩnh vực khác (công ty hiện có vốn điều lệ 200 tỷ đồng). Bà Phấn đã cùng công ty này là cổ đông góp vốn với một số đối tác, thành lập nên một pháp nhân mới để đầu tư dự án khu căn hộ Regency Park tại phường An Phú, quận 2, TP HCM.

Tiếp đó, đầu năm 2007, bà Phấn cùng Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ họ hàng, người thân đã đứng tên mua gần 256 triệu cổ phần của Ngân hàng Đại Tín, chiếm 84,92% vốn điều lệ. 

Với việc nắm 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín, bà Sáu Phấn nghiễm nhiên trở thành Cố vấn cấp cao HĐQT (tiền thân của VNCB và sau này được NHNN mua lại với giá 0 đồng và đổi tên thành CB Bank như hiện nay).

Do là cổ đông lớn nhất của Đại Tín nên bà Sáu Phấn thâu tóm toàn bộ mọi hoạt động của ngân hàng này, thâu tóm toàn bộ HĐQT, Ban điều hành, cán bộ, nhân viên ngân hàng tại 2 chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang, lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng và hoạt động thu - chi tiền mặt…gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín hơn 6.362 tỷ đồng.

Đại gia Hứa Thị Phấn ‘giật dây’ các ngân hàng như thế nào?
Bị can Hứa Thị Phấn

'Đế chế' của Phạm Công Danh sụp đổ dưới tay Sáu Phấn

Khi Đại Tín chỉ là một ngân hàng rỗng ruột cùng với một số âm khổng lồ. Biết chắc việc giữ lại Đại Tín sẽ khiến sự nghiệp của mình sụp đổ, Sáu Phấn tìm cách đẩy “cục nợ” này đi.

Theo đó, đầu năm 2012, khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, do muốn thâu tóm một số nhà băng về Oceanbank, Hà Văn Thắm thỏa thuận với Sáu Phấn về việc chuyển giao Đại Tín.

Tuy nhiên, khi tiếp cận Đại Tín, Hà Văn Thắm phát hiện ngân hàng này có một số khoản vay lớn cùng nợ xấu, Thắm không muốn "ôm" ngân hàng này nên tìm cách đẩy sang cho Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT tập đoàn Thiên Thanh).

Về phần Danh, sau nhiều năm làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh, ông ta mong muốn thành lập một ngân hàng của riêng mình để hỗ trợ triển khai các dự án xây dựng. Vì vậy, khi Hà Văn Thắm “mai mối” Đại Tín, Danh đã mua lại Ngân hàng Đại Tín của Sáu Phấn. Phi vụ môi giới này, Thắm đã bỏ túi 800 tỷ đồng tiền công.

Tuy nhiên, để chuyển nhượng thành công, Thắm đã Danh vay 500 tỷ đồng để dùng trả cho nhóm bà Phấn, dưới danh nghĩa hợp đồng cho vay giữa Oceanbank và Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung (công ty của ông Danh). Việc vay mượn này đã khiến Oceanbank bị thiệt hại hơn 343 tỷ đồng. 

Với hành vi này, bà Hứa Thị Phấn đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 17 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong các tổ chức dụng”. Hiện bản án này chưa có hiệu lực vì bà Phấn đã có đơn kháng cáo.

Dù biết Ngân hàng Đại Tín làm ăn bết bát nhưng mục đích của Danh lúc này là khối bất động sản của nhóm Phú Mỹ do Sáu Phấn đang nắm giữ nên Danh gật đầu đồng ý với mục đích đợi bất động sản “nóng lên” sẽ mang bán.

Đại gia Hứa Thị Phấn ‘giật dây’ các ngân hàng như thế nào? - 1
Vì Hứa Thị Phấn mà Phạm Công Danh "thân bại danh liệt"

Dày dạn trên thương trường nhưng ở phi vụ làm ăn này, Phạm Công Danh đã bị Sáu Phấn cho vào bẫy, bởi thực tế bà ta không hề được nhóm Phú Mỹ ủy quyền đại diện cho số bất động sản và nhóm Phú Mỹ cũng không nhượng số bất động sản này Phạm Công Danh. Lúc này, ngoài số tiền 4.600 tỷ mua Đại Tín, Phạm Công Danh còn chuyển cho Sáu Phấn hơn 3.000 tỷ mua bất động sản của Phú Mỹ và cộng thêm khoản nợ 22.000 tỷ đồng mà Sáu Phấn đã vay mượn trước đó.

Với một ngân hàng rỗng ruột và một con số âm khổng lồ, trung bình mỗi năm, Phạm Công Danh phải rút “hầu bao” ra 2.300 tỷ để trả lãi, chăm sóc khách hàng…

Khi những sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) của Phạm Công Danh bị phanh phui và từ đây gốc rễ từ Ngân hàng Đại Tín cũng bị cơ quan chức năng lật lại.

Hứa Thị Phấn kiếm tiền từ Đại Tín như thế nào?

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an vừa chuyển hồ sơ, đề nghị truy tố Hứa Thị Phấn về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Trong vụ án này, Sáu Phấn cũng đã trực tiếp đẩy gần 30 nhân viên dưới quyền, đa số là cựu cán bộ, nhân viên của Ngân hàng Đại Tín chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang vào vòng lao lý.

Theo đó, sai phạm của Sáu Phấn thông qua 5 hành vi: Nâng khống giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Đại Tín, chiếm đoạt và gây hại cho Đại Tín 1.105 tỷ; hạch toán thu khống gây thiệt hại 5.256 tỷ đồng; thông qua 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ chiếm đoạt và sử dụng hơn 3.581 tỷ đồng; chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín đầu tư trái pháp luật vào 4 dự án bất động sản, chiếm đoạt và sử dụng hơn 1.037 tỷ đồng và nâng khống 25 bất động sản khác bán cho Đại Tín để chiếm đoạt và sử dụng hơn 1.024 tỷ đồng.

Ngoài ra, bà Phấn còn chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín đầu tư 1.037 tỷ vào 4 dự án bất động sản của 3 công ty do bà làm chủ, chỉ đạo một số nhân viên Đại Tín nâng khống giá trị 25 bất động sản, gây thiệt hại 1.024 tỷ.

Từ tháng 5/2010 đến tháng 2/2012, Ngân hàng Đại Tín chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Lam Giang đã giải ngân cho Công ty CP đầu tư Phương Trang tổng cộng 83 khoản vay và 1 khoản phát hành trái phiếu với tổng số tiền đã giải ngân trên sổ sách là hơn 16.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Công ty Phương Trang xác định trên thực tế từ trước đến nay chỉ nhận được gần 4.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, bị can Phấn còn thông qua Bùi Kim Loan (Kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ) chỉ đạo một số cán bộ của Ngân hàng Đại Tín chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Lam Giang lập chứng từ thu khống cho nhóm Phú Mỹ của bị can Phấn hơn 5.000 tỉ đồng.

Đến nay Công ty Phương Trang chỉ thừa nhận thực nhận gần 4.000 tỉ đồng và chỉ chịu trách nhiệm thanh toán số tiền này cho ngân hàng. Chính vì vậy, Ngân hàng Đại Tín không thu hồi được tổng dư nợ vay của Công ty Phương Trang gây thiệt hại cho ngân hàng này là hơn 5.465 tỉ đồng.

Trong đó bị can Phấn chỉ đạo thu khống để sử dụng bất hợp pháp hơn 5.256 tỉ đồng.

Trong hai phiên xét xử vừa qua, dù được triệu tập tới tòa với tư cách bị cáo hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì Sáu Phấn cũng có đơn xin vắng mặt với lý do bệnh trọng. Trong hồ sơ bệnh án cung cấp cho cơ quan chức năng thể hiện, Hứa Thị Phấn chỉ còn 7% sức khỏe. Tuy nhiên, Sáu Phấn vẫn đủ sức khỏe, minh mẫn để ký vào Đơn tố cáo, Đơn kiến nghị và cả Đơn kháng cáo trong vụ án Oceanbank.

Theo Đoàn Nga (VietNamNet)