Pháp luật

Đại án tại VNCB: Ai “thổi” giá đất sân vận động Chi Lăng?

Tại phiên tòa xét xử vụ thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng ở Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) sáng nay (25.7), các bị cáo có liên quan đều được HĐXX làm rõ về việc “thổi” giá đất sân vận động (SVĐ) Chi Lăng.

Tại phiên tòa xét xử vụ thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng ở Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) sáng nay (25.7), các bị cáo có liên quan đều được HĐXX làm rõ về việc “thổi” giá đất sân vận động (SVĐ) Chi Lăng.
dai an tai vncb: ai “thoi” gia dat san van dong chi lang? hinh anh 1
Các bị cáo tại tòa sáng nay. Bị cáo Phạm Công Danh đứng trước vành móng ngựa.

“Bị cáo không đưa ra quan điểm là phương án định giá nào đúng mà xem xét dựa trên quan điểm của phía anh Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) định giá. Theo anh Khương thì mảnh đất SVĐ Chi Lăng khoảng 6ha nên không sử dụng phương pháp truyền thống, không có mảnh đất nào so sánh được. Sau đó, bị cáo làm theo chỉ đạo của anh Phạm Công Danh là chọn phương án định giá của anh Khương đưa ra”, Phan Thành Mai khai.

Ngay lập tức, tòa chất vấn: “Theo bị cáo, để đảm bảo khách quan thì cần làm thế nào?”. “Theo bị cáo thì cần bên định giá thứ 3. Giá anh Hào đưa ra dựa trên tài sản thực, còn theo anh Mai Hữu Khương thì dựa trên giá trị tương lai căn cứ trên DATC”, Mai trả lời.

Tòa tiếp tục hỏi, nếu bị cáo cũng thấy cần bên định giá thứ 3, nhưng vẫn chọn phương án của Mai Hữu Khương vì lệnh anh Phạm Công Danh? Mai nói: “Thưa tòa một phần là vì anh Danh. Một phần nữa thì bị cáo nhận định rằng với quy mô dự án nhỏ thì phương pháp anh Hào là hoàn toàn chính xác còn dự án lớn thì phương pháp của anh Mai Hữu Khương về định giá quy hồi dòng tiền trong tương lai cũng là phương pháp được thế giới chấp nhận”.

Ngoài ra, bị cáo Phan Thành Mai cho biết, bị cáo Bạch Quốc Hào ban đầu cũng bảo vệ quan điểm cá nhân, nhưng khi anh Phạm Công Danh cũng là Chủ tịch của AMC đã quyết định dựa trên quan điểm của DATC nên… anh Hào cũng phải nghe theo chỉ đạo.

Đặc biệt, Phan Thành Mai cũng khai không biết dùng tài sản đã giải chấp ở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để thế chấp VNCB trong cùng ngày là sai mà cho rằng việc này là… đúng quy trình. Đồng thời cũng thừa nhận bản chất việc định giá để cầm cố cho vay này là để rút tiền ra nhằm mục đích thanh khoản nên đây chỉ là… “hợp đồng hình thức”.

Tòa tiếp tục hỏi bị cáo Khương: “Việc định giá do Bạch Quốc Hào đưa ra là giá thực tế thông qua khảo sát giá các biệt thự liền kề. Còn giá còn lại là do bị cáo đề xuất, đúng không?”. Ngay lập tức, Khương phủ nhận và cho biết chính mình là người làm hồ sơ xin vay ở BIDV nên biết rõ mức giá này là không phù hợp và đã đề nghị bên định giá thứ 3.

“Bị cáo biết nếu mà đề xuất sử dụng định giá của BIDV thì cũng không thể cho vay vì không trả nợ được BIDV. Mà giá của anh Hào đưa ra còn thấp hơn định giá của BIDV nên càng không thể. Tuy nhiên, sau đó anh Danh chỉ đạo định giá tài sản thế chấp vay VNCB cao hơn mới trả được nợ cho BIDV nên mới áp dụng theo cách tính của DATC”, Khương khai.

Bị cáo Nguyễn Quốc Viễn (Trưởng ban Kiểm soát VNCB) tại tòa cũng khai rằng từng có ý kiến về việc “thổi” giá SVĐ Chi Lăng, cho rằng việc định giá quá cao nhưng Phạm Công Danh không đồng ý.

“Tại sao bị cáo không đồng ý mà vẫn chấp nhận thông qua hồ sơ?”, tòa chất vấn Viễn. “Vì bị cáo là cấp dưới”, Viễn trả lời ngắn gọn.

Theo cáo trạng, kết quả định giá ban đầu của SVĐ Chi Lăng thì giá đất thị trường thời điểm đó khoảng 64 triệu đồng/m2, Hào mang kết quả định giá lên phòng Phan Thành Mai. Lúc đó có cả Mai Hữu Khương và Nguyễn Quốc Viễn. Mai và Khương có ý kiến là kết quả định giá này thấp, Danh đã quyết định và chỉ đạo phải đưa ra được mức giá là khoảng 190 triệu đồng/m2. Sau đó, Hào chỉ đạo Tuấn và Thanh áp dụng phương pháp định giá thu nhập và tính ra mức giá là 178 triệu đồng/m2, đây là mức giá của tương lai (giả định).

Riêng đối với lô đất 209 Trường Chinh, Đà Nẵng theo giá thị trường thời điểm đó khoảng 20 triệu đồng/m2, nhưng Khương nói Danh chỉ đạo phải đưa ra được mức giá là 48 triệu đồng/m2.

Theo Hữu Ký - Quốc Hải (Dân Việt)