Pháp luật

Đại án tại Ngân hàng Xây dựng: Mất 1 ngày đọc cáo trạng

Ngày 20-7, TAND TP.HCM phiên xử sơ thẩm đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) sang ngày làm việc thứ hai. Công tố mất một ngày đọc vẫn chưa xong cáo trạng.

Ngày 20-7, TAND TP.HCM phiên xử sơ thẩm đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) sang ngày làm việc thứ hai. Công tố mất một ngày đọc vẫn chưa xong cáo trạng.
Các bị cáo tại phiên xử
Các bị cáo tại phiên xử.

Thuê mặt bằng khống, lập công ty ma

Theo cáo trạng, năm 2013, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới lập khống hợp đồng thuê hai mặt bằng, rút từ Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) hơn 601 tỉ đồng. Danh phân công Mai Hữu Khương (Giám đốc) và Lưu Trung Kiên (Phó Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) làm thủ tục thuê địa điểm 268 Tô Hiến Thành (quận 10, TP.HCM) có diện tích 8.000 m2 để Bạch Quốc Hào (Giám đốc Công ty Quản lý nợ và Quản lý khai thác tài sản của Ngân hàng Đại Tín -TrustAsset) và Phan Thành Mai (Phó Tổng Giám đốc Thường trực VNCB) ký. Mai phê duyệt chi phí thuê 5,6 tỉ đồng/tháng, thời hạn 20 năm. 

Hợp đồng thuê ký với Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Trung Dung (Công ty Trung Dung). Tương tự, Danh trực tiếp ký duyệt tờ trình về việc thuê mặt bằng 816 Sư Vạn Hạnh (quận 10) có diện tích hơn 6.800 m2 của Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Hương Việt (Công ty Hương Việt). Theo tờ trình, VNCB đặt cọc số tiền thuê trong 20 năm là gần 756.000 tỉ đồng.

Ngay sau khi ký hợp đồng, VNCB chuyển hơn 601 tỉ đồng cho hai công ty trên. Sau đó, hai công ty này chuyển lại toàn bộ cho Danh. Thực chất, Công ty Trung Dung và Hương Việt do Danh lập ra, không có bất kỳ hoạt động kinh doanh gì. Những người đứng tên chủ tài khoản, lập chứng từ ủy nhiệm chi đều là nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh.

VNCB không thuê mặt bằng. Khoản tiền trên được dùng trả lãi ngân hàng cho sáu công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh trả nợ, lãi ngoài… Danh và đồng phạm khiến VNCB thiệt hại 581,6 tỉ đồng.

Và từ năm 2012 đến năm 2014, Danh chỉ đạo cấp dưới sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và hai pháp nhân thông qua mối quan hệ với bà Nguyễn Thị Như Loan (Chủ tịch Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai) xây dựng nhiều bộ hồ sơ kinh doanh nguyên vật liệu, phương án trả nợ khống; nâng giá nhiều bất động sản là tài sản đảm bảo trong lúc định giá để vay 5.000 tỉ đồng của VNCB (hiện mới tất toán 300 tỉ đồng). 

Làm rõ trách nhiệm con gái ông chủ Tân Hiệp Phát

Đáng chú ý, trong 98/156 người có quyền và nghĩa vụ liên quan (gồm nhiều chủ doanh nghiệp, ngân hàng, cá nhân) có mặt theo triệu tập tòa có ôngTrần Quí Thanh (chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát) và bà Trần Thị Ngọc Bích (con gái ông). Cha con ông Thanh và một số cá nhân được triệu tập do liên quan đến sai phạm gây thiệt hại 5.490 tỉ đồng của Danh và đồng bọn.

Trong quá trình điều tra, VKSND Tối cao đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm của bà Bích và những người liên quan. Tuy nhiên, kết quả điều tra chưa đáp ứng. Do đó công tố đề nghị HĐXX tiếp tục công khai điều tra, làm rõ tại tòa để tránh bỏ lọt tội phạm.

Theo đó để có tiền trả các khoản nợ và chi phí phục vụ hoạt động của Tập đoàn Thiên Thanh, Danh đặt vấn đề với gia đình Thanh gửi tiền vào VNCB, nhận sổ tiết kiệm. Danh chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ cho nhóm người vay tiền bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm. Sau khi hoàn tất thủ tục vay tiền, VNCB giải ngân và chuyển tiền vào tài khoản của bà Bích mở tại ngân hàng này.

Danh khai nhận mình phải trả lãi vượt trần ngoài hợp đồng với lãi suất 2%- 4%/tháng tùy thời điểm, tương đương khoảng 2.500 tỉ đồng cho nhóm bà Bích. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ thu thập được chứng từ trả tiền gần 740 tỉ đồng. Chứng từ trên không thể hiện rõ ràng việc chi lãi ngoài mà chỉ là chứng từ chuyển tiền hoặc giấy viết tay nhận tiền. Do đó không có cơ sở kết luận việc chi lãi ngoài như lời Danh khai. Còn bà Bích không thừa nhận việc cho Danh vay tiền.

Dự kiến phiên xử kéo dài đến 18-8.

Theo Hoàng Yến (Pháp Luật TP HCM)