Pháp luật

Đại án Oceanbank: Số tiền 246 tỉ lãi ngoài chảy đi đâu?

Phiên toà xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) đang “nóng” trong phần tranh luận về tội danh của các bị cáo và bồi thường dân sự. 

Phiên toà xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) đang “nóng” trong phần tranh luận về tội danh của các bị cáo và bồi thường dân sự. Theo dõi diễn biến trong 13 ngày xét xử vừa qua, chúng tôi thấy nổi lên một vấn đề được dư luận rất quan tâm liên quan đến việc Ban lãnh đạo Oceanbank đã sử dụng hàng trăm tỷ đồng để “biếu” và “tặng quà” những ai (?).

Trong danh sách “đen” hàng trăm đơn vị và các cá nhân là lãnh đạo, Kế toán trưởng của các công ty, tổng công ty thuộc PVN đã nhận tiền lãi ngoài trái quy định của Oceanbank, Toà đã triệu tập và hỏi nhưng hầu hết đều phủ nhận đã nhận các khoản tiền này. Ông Ninh Văn Quỳnh lúc chưa bị khởi tố bị can và chưa bị bắt tạm giam cũng chối bay chối biến về việc đã nhận tiền, quà của Oceanbank. Nhưng chỉ 24h sau, cũng chính bị can Ninh Văn Quỳnh (được trích xuất từ trại giam đến Toà) lại thừa nhận, đã nhận của Oceanbank 20 tỷ đồng.

Tiếp đó, HĐXX cũng đã triệu tập bổ sung ba lãnh đạo của Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) gồm: Tổng Giám đốc Từ Thành Nghĩa, nguyên Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Tuyến và Kế toán trưởng Võ Quang Huy cùng một số lãnh đạo của Oceanbank và lãnh đạo chi nhánh Oceanbank. Nhưng trả lời trước HĐXX, những người này đều phủ nhận lời khai của các bị cáo về việc doanh nghiệp của họ nhận lãi ngoài, hoặc cá nhân họ nhận tiền, quà của Oceanbank với số tiền đặc biệt lớn.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.

Và cũng chỉ hai ngày sau khi các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Vietsovpetro không thừa nhận điều này, một “phát súng” nữa lại “nổ” khi cơ quan CSĐT Bộ Công an cùng lúc khởi tố ba vụ án hình sự về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Dầu khí Việt-Nga (Vietsovpetro); Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP).

Các cựu lãnh đạo Oceanbank khai, Vietsovpetro nhận 24,27 tỷ đồng; BSR nhận 19,36 tỷ đồng và PVEP nhận 76,78 tỷ đồng. Từ kết quả xác minh ban đầu, cơ quan điều tra nhận thấy, việc nhận, sử dụng các khoản tiền ngoài lãi suất của Vietsovpetro, BSR và PVEP là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu thỏa thuận giữa lãnh đạo ba đơn vị trên với lãnh đạo Oceanbank trong việc đưa, nhận tiền và để ngoài sổ sách kế toán nhằm chiếm đoạt.

Đây là vấn đề rất đáng quan tâm trong đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank. Bởi qua phiên xử này, dư luận mới thấy, hơn 1.576 tỷ đồng đã được Oceanbank chi lãi ngoài để “qua mặt” các cơ quan quản lý, trong đó có sự kiểm soát chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước. Trong số tiền trên, Oceanbank đã trích hơn 246 tỷ đồng để chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi của PVN theo yêu cầu của Sơn. Số tiền này đã bị Sơn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt hơn 49 tỷ đồng.

Trả lời HĐXX, bị cáo Sơn thừa nhận, có nhận tiền chăm sóc khách hàng từ Hà Văn Thắm hơn 200 tỷ đồng. Khoản tiền này, bị cáo chi cho ngoại giao, có lần ngoại giao cho lãnh đạo PVN. Sau khi Sơn không làm Tổng Giám đốc Oceanbank nữa mà quay về làm Phó Tổng giám đốc PVN, Thắm vẫn chuyển tiền cho Sơn để PVN dùng chi đối ngoại cho Tập đoàn.

Theo lời khai của Sơn, bị cáo chủ yếu dùng tiền để chi vào những khoản không thể chi được theo chế độ tài chính thông thường của PVN. “Bị cáo chi đối ngoại các dịp lễ tết, tháp tùng các đoàn. Việc chi mỗi lần bao nhiêu tùy theo quan hệ, tùy theo chức vụ từ to đến nhỏ, từ chuyên viên đến lãnh đạo, mỗi đợt chi vài chục tỷ. Với chuyên viên các bộ, ngành có quan hệ gần gũi với PVN, bị cáo chi từ 10 đến 50 triệu đồng. Cấp Vụ trưởng, Thứ trưởng là tấm lòng của doanh nghiệp đối với lãnh đạo vì đã giúp đỡ cả năm”, Sơn cho biết.

HĐXX hỏi “Bị cáo nói cấp Vụ trưởng, Thứ trưởng cụ thể là ai?”. Sơn trả lời: “Những điều bị cáo nói ra là sự thật. Nhưng cho phép bị cáo không nêu tên vì không phải đạo, với lại việc đó cũng là tập quán truyền thống. Vào mỗi dịp lễ tết, PVN chi từ 30-50 tỷ đồng một năm. Đấy là doanh nghiệp Nhà nước, quỹ hạn hẹp. Chứ HĐXX cứ hỏi anh Hà Văn Thắm và anh Phạm Công Danh sẽ rõ hơn. Mỗi lần họ chi, bị cáo nhìn là khiếp”.

Luật sư của bị cáo Sơn cho rằng, bị cáo không có tài liệu chứng minh việc dùng số tiền này như thế nào. Nhưng Sơn nhớ đã nhận hơn 200 tỷ và đưa hết cho ông Ninh Văn Quỳnh để chi hoạt động đối ngoại phục vụ các đoàn công tác trong nước, ngoài nước, thăm hỏi, quà cáp vào các dịp lễ, tết…

Khi Sơn cần tự mình chi với tư cách của mình thì yêu cầu ông Quỳnh đưa cho Sơn. Sau khi bị khởi tố, bị bắt tạm giam để điều tra trong giai đoạn 2 của vụ án, ông Quỳnh bước đầu đã phải thừa nhận đã nhận từ Sơn khoảng 20 tỷ đồng. Như vậy, lời khai chi tiền của Sơn đã có địa chỉ cụ thể, tuy chỉ là số tiền không lớn so với tổng số tiền Sơn khai đã chi.

Theo luật sư của Sơn, còn rất nhiều người vẫn chưa nhận đã nhận tiền chi lãi suất ngoài của Oceanbank, nhưng biết đâu đến một lúc nào đó, họ sẽ thừa nhận sự thật như lời khai của Sơn? Để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh tài chính-tiền tệ đó, các doanh nghiệp, trong đó có Oceanbank đã phải tìm cách lách luật, vượt qua những rào cản, khuôn mẫu, thậm chí phải thực hiện những hành vi tiêu cực do mặt trái của cơ chế thị trường tạo ra.

Tài liệu điều tra xác định, trong suốt giai đoạn làm Tổng Giám đốc Oceanbank và sau đó là Phó Tổng Giám đốc PVN, Sơn vừa trực tiếp, vừa gián tiếp nhận của Oceanbank số tiền đặc biệt lớn như trên và điều này Sơn vẫn thừa nhận. Nhưng vấn đề là Sơn chi số tiền này cho những ai, vào mục đích gì thì lời khai của Sơn vẫn chỉ dừng lại ở mức độ.

Hà Văn Thắm cũng nhiều lần khẳng định tại toà rằng “Bị cáo không tin là anh Sơn sử dụng riêng số tiền hơn 246 tỷ đồng ấy vì bị cáo có cách theo dõi và kiểm soát anh Sơn xem có sử dụng đúng số tiền Oceanbank đã đưa vào đúng mục đích không”.

Cũng theo lời khai của Thắm thì Sơn là người biết rõ nhất mình đã đưa tiền cho những ai và đưa bao nhiêu. Thêm một nhân chứng nữa là bị can Ninh Văn Quỳnh xác nhận: “Tôi nghĩ khi Sơn đưa tiền cho ai đó, trong đó có tôi là muốn duy trì quan hệ có qua, có lại”.

Khi trình bày quan điểm giải quyết vụ án này, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố đã kiến nghị HĐXX xem xét xử lý trách nhiệm với Trưởng ban kiểm soát Oceanbank do biết rõ ngân hàng này làm sai trong việc thu phí và chi lãi ngoài trái pháp luật diễn ra trong một thời gian dài, công khai trong toàn hệ thống nội bộ của Oceanbank mà không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Nhiều sai phạm của Oceanbank trong việc huy động vốn và cho vay đã được xác định qua kết quả thanh tra từ năm 2012. Tuy nhiên, công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận sau thanh tra chưa được thực hiện nghiêm túc dẫn đến hầu hết các sai phạm này không được Oceanbank chấn chỉnh, khắc phục mà vẫn tiếp tục tái phạm với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Việc xảy ra các vi phạm đó tại Oceanbank có một phần trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong công tác thanh tra, giám sát. Vì vậy đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thuộc Ngân hàng Nhà nước liên quan đến việc thanh tra, giám sát Oceanbank trong giai đoạn 2009-2014 vì đã để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng này.

 

Oceanbank sẵn sàng thanh khoản chi trả các giao dịch tiền gửi hợp pháp

Đây là khẳng định của Ngân hàng Oceanbank trước thông tin tại Oceanbank – Chi nhánh Hải Phòng đã xảy ra vụ việc sai phạm của một số cá nhân trong thời gian vừa qua.

Cụ thể, Oceanbank cho biết thông qua công tác kiểm tra, giám sát nội bộ và điều chuyển cán bộ trụ sở chính về hỗ trợ chi nhánh trong thời gian một số cán bộ chi nhánh tham dự phiên tòa xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm từ ngày 25-8, Oceanbank đã phát hiện dấu hiệu vi phạm tại Oceanbank – Chi nhánh Hải Phòng về nghiệp vụ huy động tiền gửi tiết kiệm: thông tin trên thẻ tiết kiệm không khớp với thông tin được hạch toán trong hệ thống corebanking về tên người gửi và số tiền gửi.

Trong khi đó, bà Trần Thị Kim Chi, quyền Giám đốc Chi nhánh; Nguyễn Thị Minh Huệ, Trưởng phòng Kế toán kho quỹ; Lê Vương Hoàng, kiểm soát viên kế toán không đến chi nhánh làm việc, mặc dù đã liên hệ qua điện thoại nhiều lần mà không được.

Nhận thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật, Oceanbank đã có văn bản tố giác tội phạm tới Bộ Công an; văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Đại Dương và các cơ quan chức năng; đồng thời, thành lập đoàn công tác hỗ trợ nghiệp vụ, bố trí nhân sự thay thế để đảm bảo hoạt động kinh doanh của Chi nhánh Hải Phòng.

Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Trần Thị Kim Chi cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Chi nhánh Oceanbank Hải Phòng để điều tra làm rõ. Đến ngày 15-9, một số người có thẻ tiết kiệm có số tiền chênh lệch ghi trên thẻ tiết kiệm với số tiền theo dõi hạch toán trên hệ thống corebanking và thẻ tiết kiệm không có tên khách hàng/không có hạch toán trong hệ thống corebanking của Oceanbank.

Qua xác minh ban đầu, sự việc gian dối này bắt đầu phát sinh từ năm 2012. Để phục vụ công tác xác minh điều tra, ngân hàng được yêu cầu giữ nguyên hiện trạng hồ sơ tài liệu, dữ liệu hệ thống của các giao dịch liên quan đến vụ án cho đến khi có quyết định của cơ quan điều tra và cơ quan chức năng khác có thẩm quyền; tạm dừng giao dịch những thẻ tiết kiệm có dấu hiệu làm giả.

Các ngày 7-9, 8-9, 11-9 và 15-9, Oceanbank đã họp/đối thoại với khách hàng, ghi nhận thông tin khách hàng cung cấp. Đồng thời giải thích để khách hàng bình tĩnh cùng phối hợp với ngân hàng thông báo cơ quan điều tra làm rõ; thực hiện chi trả cho khách hàng có thẻ tiết kiệm khớp với thông tin hạch toán trong hệ thống corebanking của Oceanbank.

“Oceanbank đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để làm rõ sự việc. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn theo dõi sát sao tình hình hoạt động của Oceanbank. Oceanbank sẵn sàng thanh khoản, kịp thời chi trả các giao dịch tiền gửi hợp pháp của khách hàng. Mọi hoạt động kinh doanh của Oceanbank vẫn diễn ra bình thường”.

H.A.

 
Theo Nguyễn Hưng (CAND Online)