Pháp luật

Cựu phó chánh án tòa: Nên để bà Nga khai số tiền 30 tỷ "chạy" ĐBQH

Trao đổi với PV, cựu Phó chánh án TAND Tối cao cho rằng luật sư bào chữa cho Châu Thị Thu Nga có thể dẫn chứng phiên xét xử vụ án Hà Văn Thắm ra như một án lệ.

Trao đổi với PV, cựu Phó chánh án TAND Tối cao cho rằng luật sư bào chữa cho Châu Thị Thu Nga có thể dẫn chứng phiên xét xử vụ án Hà Văn Thắm ra như một án lệ.

Chiều 5/10, phiên tòa xét xử vụ án cựu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Châu Thị Thu Nga và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt 348 tỷ đồng diễn ra phần luật sư xét hỏi các bị cáo.

Tham gia thẩm vấn các bị cáo, luật sư Hoàng Văn Hướng (bào chữa cho Nga) đặt câu hỏi cho thân chủ của mình về khoản tiền 1,5 triệu USD (khoảng 30 tỷ đồng) mà Nga khai đã dùng để “chạy” ĐBQH. Luật sư yêu cầu Nga “trình bày lại cho HĐXX và mọi người cùng nghe”.

Khi vị luật sư vừa dứt lời thì chủ tọa lập tức lưu ý vì phần này “không nằm trong phạm vi vụ án”. Sau khi tòa nhắc nhở luật sư, bà Nga xin HĐXX: "Nói một câu thôi ạ”. Đúng lúc đó, âm thanh phòng riêng cho phóng viên bị gián đoạn khoảng nửa phút.

Tòa là nơi để tranh tụng công khai

Đề cập đến việc chủ tọa phiên tòa xét xử Châu Thị Thu Nga chưa cho bị cáo này khai về khoản tiền 1,5 triệu USD "chạy" ĐBQH, ông Đặng Quang Phương, cựu Phó chánh án TAND Tối cao, mở đầu bằng câu hỏi:" Trường hợp bị cáo khai về nguyên nhân, điều kiện phạm tội để phát hiện tội phạm mới thì tại sao không cho khai?"

Cuu pho chanh an toa: Nen de ba Nga khai so tien 30 ty 'chay' DBQH hinh anh 1

Ông Đặng Quang Phương, nguyên Phó chánh án TAND Tối cao. Ảnh: Tạp chí Pháp Lý.

Nguyên phó chánh án nói ở tình huống này HĐXX cần xem xét lời khai một chiều của Nga tại tòa có hợp lý, logic hay không. Ông nói đặc biệt nhất HĐXX nên lắng nghe lời khai bị cáo này về đầu ra của dòng tiền, xem nó lọt vào túi ai, như thế nào. Từ lời khai bà Nga có thể giúp HĐXX truy ra tài sản lừa đảo để thu lại trả cho bị hại. “Về nguyên tắc phải để cho người ta khai”, ông Phương nêu quan điểm.

Giả sử sau khi Nga khai ra ai đó cầm tiền, HĐXX xét thấy cần thiết thì gọi những người này lên đối chất tại tòa, tranh tụng công khai. “Việc này không những phòng chống tội phạm, không bỏ lọt tội phạm mà quan trọng là tìm được đầu ra của tài sản, để bù đắp và trả lại cho bị hại”, ông Phương nhấn mạnh.

Trước tình huống HĐXX không đồng ý để bị cáo nói, nguyên Phó chánh án TAND Tối cao cho rằng luật sư bào chữa cho Châu Thị Thu Nga có thể dẫn chứng phiên xét xử vụ án Hà Văn Thắm ra như một án lệ. Trong vụ án đó, cũng từ lời khai một chiều của các bị cáo về việc đưa tiền cho Ninh Văn Quỳnh, buộc ông này phải thừa nhận hành vi của mình.

Cũng nhờ lời khai của Nguyễn Xuân Sơn tại tòa, các cơ quan chức năng đã phát hiện được thêm tội phạm, thu hồi một phần tài sản của Ninh Văn Quỳnh và khởi tố thêm các vụ án khác. 

Cựu phó chánh án nói nếu vì lý do nào đó HĐXX chưa cho bị cáo khai thì chủ tọa cần nói để luật sư biết, đồng thời thông báo rõ việc này HĐXX đã kiến nghị cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ.

“Lừa đảo thì đã lừa đảo rồi. Đầu ra số tiền bị cáo có khai và cơ quan điều tra cũng đang làm rõ. Điều này không ảnh hưởng đến việc định tội cho bà Nga”, ông Phương khẳng định.

Cuu pho chanh an toa: Nen de ba Nga khai so tien 30 ty 'chay' DBQH hinh anh 2

Bị cáo Châu Thị Thu Nga tại sân tòa sáng 6/10. Ảnh: Việt Hùng.

Bà Châu Thị Thu Nga sẽ thay đổi lời khai?

Luật sư Hoàng Văn Hướng, người bào chữa cho bị cáo Châu Thị Thu Nga, cho rằng việc thẩm phán không cho bà Nga nói về lời khai 30 tỷ để “chạy” đại biểu Quốc hội sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo.

Theo luật sư, cáo trạng nêu số tiền trên nằm trong 348 tỷ đồng Chủ tịch HĐQT Housing Group chiếm đoạt (đã trừ số tiền hoàn trả khách hàng), nếu không được đánh giá sẽ không đảm bảo khách quan.

“Việc chạy đại biểu Quốc hội là một câu chuyện trò đùa mà xã hội quan tâm”, ông Hướng nói và nhận định việc bà Nga được có ứng cử hay không phụ thuộc vào lá phiếu của nhiều cử tri, không thể do một cá nhân quyết định.

Làm việc với bà Nga sau suốt quá trình điều tra không được tiếp xúc, luật sư nhận định thân chủ của mình “sẽ thay đổi lời khai”.

“Lời khai khai tại tòa và lời khai tại cơ quan điều tra có giá trị ngang nhau nếu đều phù hợp với các chứng cứ khác”, ông Hướng khẳng định việc không được hỏi về số tiền 30 tỷ đã vi phạm nguyên tắc đánh giá chứng cứ khách quan, cũng như quyền của luật sư và bị cáo.

Trả lời câu hỏi chủ tọa có được ngăn cản luật sư và bị cáo trình bày vấn đề liên quan quyền lợi, ông Hướng nói: "Luật sư phải chấp hành tuyệt đối điều hành của chủ tọa. Tuy nhiên, luật sư có quyền khác là khiếu nại".

Cuu pho chanh an toa: Nen de ba Nga khai so tien 30 ty 'chay' DBQH hinh anh 3

Luật sư Hoàng Văn Hướng. Ảnh: Việt Hùng.

Luật sư phải chấp hành điều khiển của chủ tọa

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Hà Nội), Điều 197 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về “Nội quy phiên tòa” quy định tại phiên tòa mọi người đều phải có thái độ tôn trọng HĐXX, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa.

Như vậy, tại phần xét hỏi các bị cáo, nếu chủ tọa phiên tòa xét thấy việc đặt câu hỏi của kiểm sát viên, luật sư nếu không cần thiết hoặc đã được HĐXX xét hỏi thì có quyền yêu cầu đặt câu hỏi khác.

Trong vụ án này, hành vi phạm tội của Châu Thị Thu Nga bị VKSND Hà Nội quy kết dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt với số tiền 377 tỷ đồng của khách hàng. Do vậy, việc bị cáo khai dùng số tiền chiếm đoạt đó sử dụng vào mục đích gì là quyền của bị cáo. Bị cáo sử dụng tiền chiếm đoạt đó vào các việc làm trái pháp luật khác cũng không làm thay đổi bản chất hành vi phạm tội.

Bị cáo khai dùng tiền đó vào việc đưa hối lộ, hay hành vi vi phạm pháp luật khác đã được cơ quan điều tra tách ra để điều tra làm rõ, xử lý sau khi có đủ căn cứ. Quan trọng đến thời điểm xét xử, bị cáo đã khắc phục được phần nào hậu quả chiếm đoạt đối với các bị hại hay chưa.

Theo luật sư Thơm, qua thực tiễn xét xử các vụ án hình sự liên quan đến các tội xâm phạm quyền sở hữu, rất nhiều các bị can, bị cáo sau khi chiếm đoạt được số tiền lớn của bị hại đã không thu hồi được với lý do dùng tiền chiếm đoạt thực hiện các hành vi trái pháp luật như đưa hối lộ, đánh bạc, bị lừa do đưa tiền cho người khác…

Tuy nhiên các bị can, bị cáo đều không đưa ra các chứng cứ vật chất chứng minh ngoài lời khai của mình, do vậy cơ quan điều tra thường tách hành vi này để điều tra làm rõ sau.

"Việc tách hành vi này không ảnh hưởng đến việc điều tra, truy tố, xét xử bị can, bị cáo về hành vi chiếm đoạt tài sản đối với các bị hại", ông Thơm nêu quan điểm.

Khi luật sư Hướng vừa hỏi bị cáo Nga về khoản tiền bà này khai "chạy" vào đại biểu Quốc hội, chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu nói: "Đối với khoản tiền mà luật sư vừa nói nó nằm trong khoản 157 tỷ đồng công an điều tra tách ra khỏi vụ án này".

Theo Quang Anh - Bá Chiêm (Tri Thức Trực Tuyến)