Pháp luật

CSGT Hoà Bình: Tin sẽ giành phần thắng trong vụ kiện của tài xế

Phó phòng Cảnh sát giao thông Hòa Bình cho hay vụ kiện là cơ hội để giải thích luật và tự tin giành "phần thắng".

Trả lời PV, trung tá Đinh Thị Thu Hằng, Phó phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Hòa Bình) cho biết sẵn sàng cho cuộc hầu tòa tiếp theo khi tài xế Phạm Đức Vinh (41 tuổi) kháng cáo. Bà cho rằng: “Đây cũng là cơ hội để lên tiếng giải thích cho người tham gia giao thông hiểu rõ luật hơn. Nữ trung tá tự tin sẽ được "xử thắng", bởi thấy “các chiến sĩ làm nhiệm vụ hôm đó không sai”.


Phiên tòa xét xử ông Phạm Đức Vinh kiện quyết định xử phạt hành chính của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hòa Bình

Theo bà Hằng, cảnh sát giao thông Hòa Bình khi đi tuần tra đều được tập huấn và trang bị đầy đủ kỹ năng nhằm đảm bảo an toàn giao thông và xử phạt đúng người. "Đây là lần đầu tiên cảnh sát giao thông tỉnh Hòa Bình bị tài xế khởi kiện", bà Hằng nói.

CSGT Hoà Bình: Tin sẽ giành phần thắng trong vụ kiện của tài xế
Phiên tòa phân xử khá đông người theo dõi. Ảnh: Phạm Dự.

Bà Hằng cho rằng, nguyên đơn khởi kiện là tài xế Vinh chưa hiểu đúng luật. "Anh Vinh chỉ đưa ra dẫn chứng là điều 38.3 trong quy chuẩn 41/2016 mà lại chưa tìm hiểu điều 89.2 về lộ trình thay thế báo hiệu đường bộ. Theo điều này, Tổng cục đường bộ sẽ cân nhắc để thay biển báo ở những đoạn đường được cho là cần thiết, còn lại vẫn áp dụng như bình thường”, bà Hằng phân tích.

Là người tham gia tổ công tác xử phạt tài xế Vinh, thượng úy Bạch Trung Hiếu, tổ trưởng cho hay ngày 16/4 theo kế hoạch của Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh, một tổ công tác bốn người được phân công làm nhiệm vụ ở khu đông dân cư trên quốc lộ 6. Khoảng 22h30, anh Hiếu nhận được thông báo xe bán tải của tài xế Vinh vi phạm tốc độ cho phép khi chạy với 76km/h.

“Sau đó, anh Vinh đòi xem hình ảnh nên tôi gọi cho chiến sĩ cầm máy bắn tốc độ mang máy về để in hình ảnh. Anh Vinh đồng ý ký và cầm biên bản đi. Khoảng 30 phút sau, anh này quay lại và cho rằng không vi phạm”, thượng uý Hiếu nói.

Theo anh Hiếu, biển báo R420 “Báo hiệu khu đông dân cư” đặt ở km43+100. Máy bắn tốc độ thực hiện ở km 40 + 500, điểm dừng xe anh Vinh là km40. Lúc này xe anh Vinh cách biển báo hiệu hết khu đông dân cư khoảng 700m. “Như vậy hoàn toàn chúng tôi không làm sai”, thượng uý cảnh sát giao thông khẳng định.

CSGT Hoà Bình: Tin sẽ giành phần thắng trong vụ kiện của tài xế - 1
Tài xế Vinh tại phiên tòa. Ảnh: Phạm Dự.

Ngày 19/12, trung tá Hằng là đại diện cho nguyên đơn - Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Hoà Bình - tham gia vụ kiện tại TAND tỉnh Hòa Bình, theo đơn của tài xế Vinh.

Tại toà, trình bày lý do khởi kiện, ông Vinh cho hay khi lái xe qua thị trấn Lương Sơn, ông bị cảnh sát giao thông tỉnh Hòa Bình dừng xe với lỗi đi quá tốc độ “trong khu đông dân cư”. Ông được thông báo chạy với tốc độ 76km/h trong khi đoạn đường này chỉ cho phép 50km/h. Ông bị phạt hành chính 5,5 triệu đồng.

Nam tài xế cho rằng mình không sai khi không có biển nào báo hiệu đây là khu đông dân cư nên kiện đòi Phòng Cảnh sát giao thông rút quyết định xử phạt và xin lỗi công khai.

Trong phiên xử kết thúc vào sáng cùng ngày, TAND Hoà Bình đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của tài xế Vinh.

Người khởi kiện cho biết không đồng ý với phán quyết này và sẽ chống án.

Theo Phòng cảnh sát giao thông công an tỉnh Hòa Bình, cặp biển báo khu vực đông dân cư (R420) và hết khu vực đông dân cư (R421) thường đi liền với nhau. Tuy nhiên chưa có quy định cụ thể về khoảng cách quãng đường giữa hai biển báo này.

Điều 38.3 trong quy chuẩn 41/2016 có quy định về việc nhắc lại biển báo tại các nơi đường giao nhau. Tuy nhiên việc cắm biển báo này do Tổng cục đường bộ thực hiện và tổng cục sẽ dựa trên tình hình thực tế để cắm biển cho phù hợp. Lộ trình thực hiện được quy định tại điều 89.2 quy chuẩn này.

Theo Nghị định 46/2016, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 đến 20 km/h bị phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng; quá tốc độ từ 20 đến 35 km/h bị phạt tiền từ 5 đến 6 triệu đồng.

Theo Phạm Dự (VnExpress.net)