Pháp luật >> Vụ ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên

Có sai luật khi lập biên bản vi phạm hành chính với bà Diệp Thảo?

Việc Cục Thi hành án dân sự tiến hành lập biên bản về việc vi phạm hành chính đối với bà Lê Hoàng Diệp Thảo, chuyên gia pháp lý cho rằng, quyết định này sai luật khi không có đại diện của VKSND?

Mới đây, Cục Thi hành án dân sự TPHCM đã đến nhà bà Lê Hoàng Diệp Thảo, thực hiện quyết định cưỡng chế theo thông báo của thi hành án, buộc bà Thảo phải hoàn trả con dấu cho Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên.

Cũng trong buổi làm việc này, Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự TPHCM đã lập biên bản về việc vi phạm hành chính đối với bà Diệp Thảo.

Tuy nhiên, khi lập biên bản vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành án dân sự, lại không có đại diện của VKSND.

Theo đó, buổi cưỡng chế chỉ có đại diện Cục Thi hành án dân sự TPHCM - Chấp hành viên Nguyễn Như Thanh Trúc, ông Nguyễn Quốc Phương - cán bộ tư pháp, ông Nguyễn Hoàng An - cảnh sát khu vực, ông Trần Hải Nguyên - Chủ tịch UBND phường 7, quận 3, ông Trần Văn Cư - Phó trưởng Công an phường 7, quận 3. Người chứng kiến là ông Phạm Văn Dong - tổ trưởng tổ dân phố 56.

Có sai luật khi lập biên bản vi phạm hành chính với bà Diệp Thảo?
Biên bản vi phạm hành chính không có đại diện VKS.

Chia sẻ với chúng tôi, luật sư Diệp Năng Bình cho biết, việc thực hiện cưỡng chế thi hành án dân sự bắt buộc phải có đại diện của VKSND, không có là sai luật.

Theo luật sư Bình, căn cứ khoản 2 Điều 12 Luật Thi hành án dân sự, VKSND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án, nhằm bảo đảm việc thi hành án kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật.

Khi kiểm sát thi hành án dân sự, VKSND có quyền kiểm sát việc cấp, chuyển giao, giải thích, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định của tòa án.

Yêu cầu Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cấp dưới ra quyết định về thi hành án, gửi các quyết định về thi hành án; thi hành đúng bản án, quyết định; tự kiểm tra việc thi hành án và thông báo kết quả kiểm tra cho VKSND.

VKSND trực tiếp kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan; ban hành kết luận kiểm sát khi kết thúc việc kiểm sát.

Kiến nghị xem xét hành vi, quyết định liên quan đến thi hành án có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng của tòa án, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp hoặc cấp dưới, yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý người vi phạm.

Kháng nghị hành vi, quyết định của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; yêu cầu đình chỉ việc thi hành, thu hồi, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.

Như vậy, việc đại diện Cục Thi hành án dân sự thực hiện việc cưỡng chế con dấu, lập biên bản vi phạm hành chính với bà Lê Hoàng Diệp Thảo, nhiều người cho rằng quá vội vàng, thậm chí khuất tất khi không có đại diện của VKSND.

Trả lời Lao Động, bà Thảo cho rằng, bản chất của sự việc cưỡng chế con dấu "nhằm bôi nhọ, hủy danh dự, uy tín" của bà.

Theo bà Thảo, có nhóm người muốn ngăn mọi nỗ lực trở về Trung Nguyên của bà. Nữ doanh nhân cho rằng, bà đã nhiều lần đề nghị bàn giao lại con dấu và các giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các công ty, nhưng phía Tập đoàn Trung Nguyên từ chối không nhận lại. Và thực tế, bà Diệp Thảo cũng không giữ con dấu của Trung Nguyên.

Theo Cường Ngô (Lao Động)