Pháp luật

Chuyên gia pháp lý: Tuyên bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội ngay tại tòa rất khó xảy ra

Hoàng Công Lương "Không có tội thì không việc gì phải thành khẩn nhận tội"

Chuyên gia pháp lý Bộ Y tế nhận định 3 kịch bản có thể xảy ra trong phần tuyên án Hoàng Công Lương, nhưng thừa nhận tình huống bác sĩ này được HĐXX tuyên vô tội ngay tại tòa khó xảy ra.

Chuyên gia pháp lý: Tuyên bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội ngay tại tòa rất khó xảy ra
Bác sĩ Hoàng Công Lương. Ảnh: T.P.

Bộ trưởng Y tế theo sát vụ việc

VKSND TP Hòa Bình ngày 23/5 đã đề nghị mức án 30- 36 tháng tù treo đối với BS Hoàng Công Lương trong sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Sáng 25/5, bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay phiên tòa sơ thẩm đang diễn ra và xung quanh có nhiều ý kiến khác nhau nên Bộ vẫn theo dõi sát diễn biến.

Bộ trưởng Tiến thông tin, với trách nhiệm của mình, Bộ đã tham gia hỗ trợ ngay khi khởi tố vụ án cũng như quá trình truy tố đối với bác sĩ Hoàng Công Lương. Trong thời gian diễn ra phiên tòa, đại diện của Bộ cũng có mặt theo dõi và trả lời rõ các câu hỏi của HĐXX.

Cần đúng người, đúng tội, tránh oan sai 

Liên quan đến phiên tòa này, trao đổi riêng với phóng viên Trí thức trẻ, ông Nguyễn Huy Quang, chuyên gia pháp lý Bộ Y tế - người theo dõi sát diễn biến vụ án và diễn biến phiên tòa những ngày qua cho rằng, phiên xử sơ thẩm đang có khá nhiều điểm đặc biệt trong cách xử lý, điều hành của HĐXX.

Đối với mức án mà VKS đề nghị với bác sỹ Hoàng Công Lương, ông Quang nói không bình luận nặng hay nhẹ, tuy nhiên vị chuyên gia pháp lý Bộ Y tế cho rằng việc truy tố, luận tội, đề nghị án như vậy không hợp lý.

Ông Quang phân tích, theo pháp luật Hình sự, chủ thể của tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" mà bác sĩ Lương bị truy tố rất đặc biệt. Đó là người phải có chức vụ, quyền hạn nhưng thực tế, bác sĩ này không có quyết định bổ nhiệm hay phân công trách nhiệm.

Chuyên gia pháp lý: Tuyên bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội ngay tại tòa rất khó xảy ra - 1
Các bị cáo tại tòa. Ảnh chụp qua màn hình.

Theo ông Quang, bác sĩ là người chịu trách nhiệm chữa trị bao gồm: cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh.

Trường hợp bác sĩ Lương với chuyên môn về thận nhân tạo sẽ chịu trách nhiệm xem bệnh nhân có được chỉ định lọc máu hay không và thực hiện các quy trình chuyên môn để tiến hành lọc máu cho bệnh nhân.

Thiết bị y tế do bộ phận quản lý trang thiết bị của bệnh viện quản lý. Chất lượng trang thiết bị không phải trách nhiệm của bác sĩ điều trị. Từ lập luận trên, ông Quang khẳng định bác sĩ Lương không phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước đã qua hệ thống lọc RO, kể cả sau khi hệ thống được bảo trì, bảo dưỡng.

Theo chuyên gia pháp lý Bộ Y tế, sai sót của bác sĩ Lương thuộc về thủ tục hành chính và nếu bác sĩ có kiểm tra cũng không thể có trình độ, năng lực, phương tiện để kiểm tra độ an toàn nước lọc thận mà phải thông qua máy móc.

Ông Quang chỉ rõ, tại phiên tòa, Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực (BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình) Đinh Tiến Công đã thừa nhận, sau khi có chỉ đạo đã điền thêm phần phân công nhiệm vụ cho bác sĩ Lương…" vào cuốn sổ giao ban cuối năm 2015 sau khi sự cố xảy ra".

"Việc này rất quan trọng và cho thấy bác sĩ Lương không đủ điều kiện đối với chủ thể trong tội danh bị truy tố đặc biệt khi tội danh đó phải là người có chức vụ, quyền hạn", ông Quang nêu quan điểm.

Chuyên gia này đặt vấn đề, các cơ quan tố tụng đang cố chứng minh theo quan hệ nhân quả trong vụ việc. Cụ thể là bác sĩ Lương với chức vụ quyền hạn của mình đã ra y lệnh dẫn đến sự cố khiến 8 bệnh nhân tử vong.

Tuy nhiên, ông nói việc này không chuẩn bởi qua giám định pháp y tử thi, cả 8 bệnh nhân đều bị ngộ độc florua. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nồng độ chất này trong các mẫu được xét nghiệm cao gấp 245-260 lần cho phép, khiến cho các bệnh nhân bị sốc phản vệ, dẫn đến tử vong.

"Những việc này, theo tôi, HĐXX cần xem xét, làm rõ và xét xử sao cho đúng người, đúng tội, tránh oan sai", ông Quang đề nghị.

3 tình huống tuyên án

Với diễn biến phiên tòa sơ thẩm những ngày qua, ông Nguyễn Huy Quang nhận định 3 tình huống có thể xảy ra.

Thứ nhất, ông cho rằng HĐXX có thể tuyên bác sĩ Hoàng Công Lương có tội. Việc này khả năng tạo ra "bão" cực lớn trong dư luận, đặc biệt đối với ngành y tế. Ngoài ra, rất nhiều câu hỏi liên quan đến trình tự thủ tục, việc thiếu chứng cứ, mớm cung, dụ cung như bác sĩ Lương, người có liên quan đến vụ án khai… sẽ tiếp tục được đặt ra.

Thứ hai, HĐXX có thể xem xét tuyên bác sĩ Lương vô tội ngay tại tòa. Tuy nhiên, việc này rất khó có thể xảy ra - ông Quang nhận định.

Thứ ba, với các bằng chứng, lời khai của người có liên quan, nhân chứng, bị cáo tại tòa và nhiều vấn đề chưa làm rõ, HĐXX có thể tuyên bố trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan công an tiến hành điều tra lại vụ án.

Nếu xảy ra tình huống này, chắc chắn cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ vai trò của những người liên quan như ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, Công ty Thiên Sơn…và các chứng cứ tài liệu liên quan đến việc buộc tội bác sĩ Hoàng Công Lương - ông Quang nhận định và nói ông thiên nhiều đến tình huống thứ 3 để đảm bảo xử đúng người, đúng tội, tránh oan sai.

Căn cứ truy tố, kết tội bác sĩ Lương rất yếu

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho hay, ngay từ ban đầu theo dõi vụ việc, ông đã không đồng tình khi đưa ra truy tố và kết tội, thậm chí bây giờ là đề xuất mức án với bác sĩ Hoàng Công Lương.

Ông Nhưỡng nói, cho dù đó là mức án chỉ mang tính chất trung dung đối với bị cáo Hoàng Công Lương nhưng "xét về các yếu tố, căn cứ pháp lý cũng như chứng cứ cho thấy việc truy tố và kết tội bác sĩ Lương rất yếu".

Vị đại biểu QH đề cập thêm, hiện chúng ta đang có chỉ đạo thực hiện trách nhiệm người đứng đầu.

"Giám đốc bệnh viện đứng ra ký kết các hợp đồng nhưng ký xong không kiểm soát hoặc không có tinh thần trách nhiệm, thậm chí có khả năng còn có lợi ích nhóm khi để xảy ra sự cố như vậy thì cần xem xét lại.

Bởi vì có khả năng chúng ta đang bỏ lọt tội phạm, thậm chí tội phạm rất nguy hiểm" - ông Nhưỡng nhận định.

Theo ông Nhưỡng, cần phân khúc rất rõ đối với tất cả các phòng, ban, khoa của một Bệnh viện, chỉ rõ và phân tách các chức năng nhiệm vụ.

"Trong vụ án này, dư luận đặt vấn đề có hay không việc bỏ lọt tội phạm đối với ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.

Việc ông Dương không đến tòa mà đi nước ngoài, ủy quyền cho người khác đến là điều rất đáng buồn" - ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Theo Hoàng Đan (Trí Thức Trẻ)