Pháp luật

Chủ tịch Hà Nội: "Đề nghị bà con thả người và tháo chướng ngại vật"

Cuộc tiếp xúc giữa Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung với huyện Mỹ Đức không diễn ra như kỳ vọng khi đại diện dân xã Đồng Tâm không có mặt.

Đây là chuyến đi đầu tiên về Mỹ Đức của Chủ tịch Chung, hai ngày sau khi 18 cảnh sát được tự do trong tổng số 38 người bị nhóm người dân giữ tại nhà văn hóa thôn Hoành.

Đoàn công tác tổ chức đối thoại tại Huyện ủy Mỹ Đức, cách thôn Hoành (xã Đồng Tâm) khoảng 20km. Trực tiếp gọi điện mời 100 người dân thôn Hoành đến dự, đoàn công tác của Chủ tịch Hà Nội chờ đợi 3 tiếng trước khi bắt đầu họp với lãnh đạo chủ chốt xã Đồng Tâm mà không có mặt đại diện người dân nào.

chu-tich-ha-noi-de-nghi-ba-con-tha-nguoi-va-thao-chuong-ngai-vat

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi làm việc chiều 20/4. Ảnh: Huyền My.

19h, mở đầu phần phát biểu, ông Chung cho hay, thành phố nhận được yêu cầu của người dân xã Đồng Tâm gặp lãnh đạo thành phố để đối thoại, tuy nhiên hôm nay không có đại diện nhân dân nên đề nghị lãnh đạo xã phát biểu về những tâm tư của bà con. “Cứ nói thẳng, không có gì phải sợ”, ông khích lệ.

Ông Phạm Hồng Sỹ, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết, sự việc xảy ra ở địa phương thời gian qua là "rất nghiêm trọng", ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, sinh hoạt địa phương. Cổng làng, trục chính vào làng bị dựng vật cản gây khó khăn đi lại.

“Chúng tôi mong cơ quan Trung ương và thành phố có biện pháp thuyết phục người dân thả cán bộ, chiến sĩ đang bị giam giữ. Đây là mong muốn lớn nhất của cán bộ xã hiện nay”, ông Sỹ bày tỏ.

Chính quyền xã có cử đại diện vào khu vực giam giữ, gặp gỡ cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thôn để thuyết phục "việc giam giữ như trên là không đúng pháp luật và cần sớm trả tự do cho họ". Tuy nhiên, “chính quyền địa phương hiện nay không điều hành được mọi việc vì dân không nghe, không tin”, ông Sỹ nói.

chu-tich-ha-noi-de-nghi-ba-con-tha-nguoi-va-thao-chuong-ngai-vat-1

Nhà văn hóa, nơi người dân giữ một số công an, cán bộ. Ảnh: Hồng Hạc.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Sỹ cho rằng, do người dân có ý kiến khu vực đất sân bay Miếu Môn mà Bộ Quốc phòng giao Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) là đất nông nghiệp thuộc xã Đồng Tâm. Dù chính quyền căn cứ vào các văn bản của nhà nước, của thành phố nhưng người dân vẫn không tin đó là đất quốc phòng.

Sau ý kiến của lãnh đạo xã, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung gửi thông điệp ông sẵn sàng đối thoại với người dân trong ngày mai, hoặc ngày kia. "Hôm nay tôi đã mời nhưng mọi người không ra, chúng tôi sẽ tiếp tục mời người dân vào thời gian sớm nhất, ngắn nhất", ông Chung nói.

 

Ông Nguyễn Đức Chung tiếp tục mời bà con đối thoại

 

Theo ông Chung, ngày 20/4, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định thanh tra toàn diện quá trình quản lý, sử dụng và quá trình xử lý khiếu kiện liên quan đến đất đai khu vực sân bay Miếu Môn. Kết quả thanh tra sẽ có sau 45 ngày.

“Đoàn thanh tra sẽ lắng nghe, tiếp thu, tiếp nhận những kiến nghị của bà con trên cơ sở tài liệu đã có và bà con cung cấp để có kết luận đúng đắn nhất; giải quyết thoả đáng nhất tâm tư, nguyện vọng của bà con”, ông Chung khẳng định.

Chủ tịch Hà Nội cũng nêu việc bà con lập rào, dựng vật cản trên đường vào làng sẽ gây nguy hiểm cho chính bà con, nhất là các cháu.

“Tôi nắm được chính bà con ở Đồng Tâm cũng rất lo lắng về việc dựng rào, vật cản. Bà con nên tin chúng tôi vì từ ngày 15-17, bà con đã nhận thức ra việc làm của mình mà cụ thể đã thả 18 người. Vì thế bà con cần sớm dẹp bỏ toàn bộ vật cản trên đường vào làng và sớm trả nốt cán bộ, chiến sĩ. Chiến sĩ đi làm chỉ có bảo vệ dân chẳng ai đi đàn áp dân. Thực tế, số cán bộ này cũng là nhân dân mà ra, thậm chí có họ hàng với người dân Đồng Tâm”, ông Chung chia sẻ.

Ông Chung cũng thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội ghi nhận từ ngày 15/4 đến nay người dân đã nấu cơm, mua quần áo và cho chiến sĩ tắm giặt.

“Ngay trên đất Đồng Sênh, bà con cũng ghi sống và làm việc theo pháp luật nên đề nghị đại diện chính quyền xã về tuyên truyền bà con thực hiện đúng”, ông Chung nhắn gửi.

Về thông tin một số kẻ xấu về xã gây rối, ông Chung cho hay, ngay trong xã cũng có 143 người từng có tiền án, tiền sự, nghiện ma tuý hoặc mắc HIV. Vì vậy, đề nghị xã và bà con giám sát con em mình để không có những việc làm gây ảnh hưởng chung.

Với các thành phần từ nơi khác đến, ông Chung cho biết đã mời Cục phó Điều tra Hình sự Bộ Công an vào cuộc. “Chúng tôi cam kết với bà con không thể có một thành phần nào gây nguy hiểm cho bà con. Mong bà con sớm thả cán bộ, chiến sĩ về với gia đình”, ông nhắc lại đề nghị.

Để thực thi quyết định thanh tra, ông Chung đã yêu cầu Tập đoàn Viettel tạm dừng thi công, giữ nguyên hiện trạng khu đất.

“Bà con những ngày qua băn khoăn ban đêm sẽ có công an tấn công vào thôn. Tôi đang sống trong một nhà nước có chế độ tôn trọng người dân. Cá nhân tôi và thành phố cam kết sẽ không có chuyện này xảy ra. Tuy nhiên, việc gì cũng có giới hạn. Đề nghị đại diện chính quyền xã tuyên truyền để bà con hiểu và thả hết người trong 1-2 ngày tới”, ông Chung nói.

Cuộc tiếp xúc kết thúc sau 45 phút với lời nhắn gửi của ông Chung về mong muốn đối thoại với người dân trong thời gian sớm nhất, sau khi hai bên thống nhất được địa điểm.

Nguyện vọng của người dân thôn Hoành là gì?

Hay tin về nội dung cuộc họp, ông Bùi Viết Hiểu (75 tuổi, một người trong nhóm cao niên đại diện dân thôn Hoành) cho biết, thôn rất chào đón Chủ tịch thành phố về đối thoại. Đồng tình với quyết định thanh tra toàn diện việc sử dụng đất tại Miếu Môn, ông Hiểu cho hay người dân sẵn sàng hợp tác, cung cấp hồ sơ khi đoàn đến làm việc và hy vọng lần này thành phố làm nghiêm túc để có kết quả thỏa đáng hơn những lần trước.

Trả lời VnExpress về lý do không đến đối thoại ông Hiểu cho hay hơn 14h cùng ngày, ông nhận được điện thoại từ Chủ tịch Chung mời các cụ và 100 người lên huyện làm việc, ba chiếc xe được điều đến đón, tuy nhiên ông từ chối vì "các con không cho đi". 

Theo ông, người dân muốn mời chủ tịch Chung về UBND xã Mỹ Đức nằm trong thôn Hoành. Ông Hiểu đặc biệt nhấn mạnh người dân sẽ đảm bảo an toàn cho đoàn đối thoại, "mọi chuyện sẽ diễn ra ôn hòa".

Ông Hiểu cho biết thêm, bà con trong thôn đã nhận thức được việc bắt giữ người thi hành công vụ là sai trái nên mong "Chủ tịch thành phố nương nhẹ hoặc xem xét giảm tội, ai sai đến đâu xử đến đấy", bởi nguyên nhân cũng xuất phát từ những bức xúc kéo dài không được giải quyết.

"Về mảnh đất 59 ha tại đồng Sênh, nếu cơ quan chức năng có văn bản, tài liệu chứng minh đó là đất quốc phòng, người dân sẽ đồng thuận", ông Hiểu nói.

chu-tich-ha-noi-de-nghi-ba-con-tha-nguoi-va-thao-chuong-ngai-vat-2

Nhiều băng rôn được treo ở Đồng Tâm, trong đó có khẩu hiệu "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật". Ảnh: Huyền My.

Sự việc tại Mỹ Đức bùng phát ngày 15/4 khi 4 người bị bắt để phục vụ điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng trước đó một tháng, liên quan đến giải tỏa đất đai ở đồng Sênh. Lực lượng thi hành công vụ gặp phải sự phản ứng của nhiều người dân dẫn đến 38 công an, cán bộ bị giữ.

Giải thích việc bắt giữ này, một người nhận là đại diện ở thôn Hoành nói, muốn chính quyền thả người, đối thoại giải quyết các mâu thuẫn đất đai... 

Tối 17/4, 15 người được thả, 3 người khác tự giải thoát. Công an Hà Nội cũng thả một số người tại xã Đồng Tâm bị bắt ngày 15/4 với lý do "thừa nhận sai phạm và xin được về địa phương để khắc phục hậu quả".

Phó giám đốc Công an Hà Nội, Thiếu tướng Bạch Thành Định cho hay: "Việc tạm thả những người này không phải là sự thỏa hiệp của chính quyền với những đòi hỏi của nhóm người kích động tại địa phương".

Theo Nhóm PV (VnExpress.net)