Pháp luật

Bóng dáng ông Tất Thành Cang trong chuỗi sai phạm tại công ty Tân Thuận

Kết luận của Thanh tra TP.HCM và điều tra của Công an xác định, công ty Tân Thuận, 100% vốn Nhà nước do Thành uỷ TP.HCM đã có những sai phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống.

Hàng loạt sai phạm trong công ty Nhà nước

Tính đến nay, Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam 2 người liên quan đến những sai phạm trong các công ty Nhà nước do Thành uỷ và UBND TP.HCM quản lý.

Đó là ông Tề Trí Dũng, Tổng giám đốc công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (công ty Tân Thuận – IPC) và bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco).

Đây là động thái quyết liệt trong xử lý các sai phạm tại các công ty Nhà nước tại TP.HCM, xuất phát từ công ty Tân Thuận do Thành uỷ TP.HCM quản lý. 

Bóng dáng ông Tất Thành Cang trong chuỗi sai phạm tại công ty Tân Thuận
Caption


Công an TP.HCM vừa khởi tố, bắt giam 2 cá nhân liên quan đến sai phạm tại các doanh nghiệp vốn Nhà nước gồm ông Tề Trí Dũng (phải) và bà Hồ Thị Thanh Phúc (trái). Ảnh: CTV
Theo đó, Công ty Tân Thuận được thành lập năm 1993, 100% vốn Nhà nước, hoạt động đa lĩnh vực: xây dựng, giao thông, bất động sản, tàu biển, kho bãi, khu công nghiệp… Kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM cho thấy, sai phạm của công ty Tân Thuận thể hiện qua hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, chưa nộp ngân sách 684 tỷ đồng, bị đối tác chiếm dụng hơn 47 tỷ đồng, chưa thu hồi 49 khoản nợ tổng cộng 89 tỷ đồng…

Công ty có sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, cụ thể cho 81 đơn vị thuê phần lớn toà nhà chính của công ty tại Q.7, với tổng doanh thu từ năm 2010 - 2017 là 295 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãnh đạo Công ty Tân Thuận đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong các dự án thực hiện bằng vốn ngân sách Nhà nước hay hợp tác với đối tác như: dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, Q.7, dự án khu dân cư Long Hậu – Long An, dự án khu dân cư Hiệp Phước – Nhà Bè… dẫn đến thiệt hại cho vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này. 

Thanh tra TP cũng chỉ ra sai phạm trong việc 1 số lãnh đạo Công ty Tân Thuận đi công tác và đi việc riêng ở nước ngoài sai quy định.

Tuy nhiên, vụ việc đang được Công an TP.HCM tập trung điều tra là Công ty Tân Thuận đã để doanh nghiệp tư nhân thôn tính Sadeco - doanh nghiệp tiềm năng của Nhà nước.

Đựợc biết, vào năm 1994, UBND TP.HCM thành lập công ty Sadeco để triển khai dự án khu đô thị mới Nam Sài Gòn, từ đó đến nay doanh nghiệp này phát triển lớn mạnh. Trước giai đoạn cổ phần hoá Sadeco (trước năm 2015) công ty Tân Thuận chiếm đến 74% vốn góp Nhà nước. Khi duyệt đề án tái cơ cấu Sadeco, UBND TP.HCM đã yêu cầu không được giảm vốn góp Nhà nước tại Sadeco.

Tuy nhiên, những người đại diện vốn Nhà nước tại Sadeco sau đó đã biểu quyết tăng vốn điều lệ tại công ty theo hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim. Từ đó dẫn đến hệ luỵ là công ty Nguyễn Kim đã chiếm 54% vốn điều lệ, nắm quyền chi phối Sadeco.

Trước đó, vào năm 2015 nhóm cổ đông Nhà nước cũng đã bán hơn 5,2 triệu cổ phần tại Sadeco cho 1 công ty, để rồi công ty này lại bán lại cho Công ty Nguyễn Kim.

Đáng nói việc bán cổ phần không đúng quy định, không được thẩm định giá mà chỉ định giá bán. Việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là công ty Nguyễn Kim trong giai đoạn mà Sadeco không thực sự cần vốn, cụ thể số tiền 360 tỷ đồng mà công ty Nguyễn Kim chi mua cổ phiếu hiện gửi trong 1 ngân hàng, đến nay chưa sử dụng đến.

Những diễn biến trên cho thấy, Sadeco đã bị công ty tư nhân thâu tóm tinh vi, có một kế hoạch chi tiết. Sự việc này có sự tiếp tay, lợi ích nhóm của nhóm đại diện vốn Nhà nước tại công ty Tân Thuận, công ty Sadeco như ông Tề Trí Dũng, bà Hồ Thị Thanh Phúc…

Ông Tất Thành Cang liên quan gì?

Đến nay những kết quả Thanh tra của Thanh tra TP.HCM và điều tra sơ bộ của Công an TP.HCM cho thấy, sai phạm tại công ty Tân Thuận, công ty Sadeco… ngoài trách nhiệm của lãnh đạo các công ty này, có vai trò của cấp quản lý cao hơn. Cụ thể, những vụ việc này có sự đồng ý về chủ trương của ông Tất Thành Cang, khi đó giữ cương vị Phó bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM.

Bóng dáng ông Tất Thành Cang trong chuỗi sai phạm tại công ty Tân Thuận - 1
Ông Tất Thành Cang có trách nhiệm trong những sai phạm tại công ty Tân Thuận

Điển hình, trong vụ việc công ty Sadeco đã bị thâu tóm, ngày 18/5/2017, Văn phòng Thành uỷ TP.HCM đã có thông báo 495 truyền đạt ý kiến chị đạo của ông Tất Thành Cang – Phó bí thư thường trực Thành uỷ chấp thuận chủ trương, phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco. Từ việc này mà nguồn vốn Nhà nước giảm, dẫn đến mất quyền kiểm soát tại Sadeco - vốn được coi là “gà đẻ trứng vàng” trong số các doanh nghiệp Nhà nước do chính quyền TP.HCM quản lý.

Trong vụ việc kể trên, trong phần giải trình với Thanh tra TP, công ty Tân Thuận cho rằng, được sự chấp thuận chủ trương của Thường trực Thành uỷ là không chính xác. Bởi lẽ, thông báo 495 chỉ truyền đạt ý kiến cá nhân của ông Tất Thành Cang.

Một vụ việc sai phạm khác tại công ty Tân Thuận, có bóng dáng ông Tất Thành Cang là vụ bán 32ha đất tại xã Phước Kiển huyện Nhà Bè cho công ty Quốc Cường Gia Lai. May mắn, ban Thường vụ Thành uỷ đã kịp thời phát hiện, chỉ đạo huỷ hợp đồng, nếu không vụ việc sẽ rất nghiêm trọng, thiệt hại cho Nhà nước rất lớn.

Cụ thể, lô đất 32ha là tài sản của Thành uỷ, do công ty Tân Thuận quản lý. Nhưng tháng 6/2017 công ty này ký hợp đồng chuyển nhượng lô đất cho công ty Quốc Cường Gia Lai với giá trị là 419 tỷ đồng, trong khi giá trị thực tế lên đến 2.000 tỷ đồng.

Ban thường vụ kết luận, việc Công ty Tân Thuận bán lô đất là không đúng thẩm quyền, không báo cáo Thường trực Thành uỷ và Ban thường vụ Thành uỷ.

Bóng dáng ông Tất Thành Cang trong chuỗi sai phạm tại công ty Tân Thuận - 2
Khu đất 32ha tại xã Phước Kiển huyện Nhà Bè

Việc chuyển nhượng lô đất 32ha được cho là có dấu hiệu bất thường. Giai đoạn đó, Thành uỷ TP.HCM khuyết chức danh Bí thư Thành uỷ khi ông Đinh La Thăng bị điều động ra Trung ương, còn ông Nguyễn Thiện Nhân chưa về. Ông Tất Thành Cang khi đó là Phó bí thư thường trực giữ vai trò điều hành chính. Chính ông Cang đã chấp thuận cho công ty Tân Thuận chuyển nhương lô đất, nhưng không báo cáo Thường vụ Thành uỷ trước khi có quyết định chấp thuận chủ trương.

Trách nhiệm chính liên quan tới sai phạm của Công ty Tân Thuận thuộc về Tổng giám đốc Tề Trí Dũng. Được biết, tháng 5/2015 ông Dũng khi đang giữ chức Trưởng phòng Tài chính của Tổng công ty Bến Thành được ông Tất Thành Cang, khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ký quyết định điều động về giữ chức Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận.

Theo Linh An (VietNamNet)